Trò chuyện, tôi được biết, năm 1962, 19 tuổi, bà được giao nhiệm vụ làm liên lạc cho đồng chí Trần Văn Hóa, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Hưng, hoạt động trên địa bàn các xã thuộc huyện Hòa Vang. Đến năm 1964, bà được tổ chức rút lên làm du kích mật (du kích B), mang bí danh “Thủy Chung”.

Hoạt động bí mật trong lòng địch đến năm 1968, bà Lý bị địch bắt lần thứ nhất. Bà Lý nhớ lại: “Hôm ấy, trong vai người đi chợ, tôi xuống đò để sang xã Hòa Nhơn nhận thư, bất ngờ bị cảnh sát ập xuống bắt giữ khi đò chưa rời bến. Chúng đưa tôi về quận lỵ Hiếu Đức (nay thuộc xã Hòa Phong) tra tấn dã man. Dù có tề điệp chỉ điểm nhưng do không bắt được quả tang nên bọn cảnh sát hết đánh đập đến dụ dỗ, tôi nhất định lắc đầu trả lời không biết”.

leftcenterrightdel

 Bà Huỳnh Thị Lý kể về những năm tháng hoạt động cách mạng trong lòng địch. Ảnh: AN KHÁNH

Khoảng 20 ngày sau, biết không thể khai thác được thông tin gì nên địch đành thả bà về và âm thầm theo dõi. Đến tháng 3-1970, bà bị bắt lần thứ hai khi đang gánh mủng đi chợ, thực chất là lên xã Hòa Bình để nhận tài liệu. Lần này, bà bị một tên chiêu hồi khai báo với địch. Bà đòi đối chất nhưng để giữ bí mật danh tính tên phản bội kia nên chúng không cho gặp mặt. Tra tấn ở quận lỵ không khai thác được gì, chúng chuyển bà xuống nhà lao Hội An. Địch giam giữ, tra tấn bà suốt 5 tháng mới thả cho về. “Hồi ấy khi tham gia cách mạng, chúng tôi thường động viên nhau 3 năm tù như một giấc ngủ trưa ngoài đời, bị địch bắt thì đừng có khai báo, ráng mà chịu”, bà Lý nhớ lại.

Cuối năm 1970, bà Huỳnh Thị Lý đảm nhiệm Thư ký Ban Chấp hành Hội Phụ nữ xã Hòa Hưng. Một buổi sáng, bà đi làm nhiệm vụ thì nhận được thông tin địch cho xe bọc thép về san ủi xóm Gò Lòi, thôn Cẩm Toại Đông, xã Hòa Hưng. Đây là khu vực ta đào nhiều hầm bí mật để đưa đón cán bộ từ cứ về trú ẩn hoặc cán bộ địa phương thoát ly ban ngày cũng ẩn nấp tại đây. Vậy là bà kiên trì thuyết phục lính ngụy lái xe không nên san ủi, làm thiệt hại hoa màu của dân, trong đó có cả người thân, họ hàng của chúng. Nghe bà nói, chúng đã đưa xe ra khỏi hiện trường. Địch vận thành công, bà Lý được bà con nhân dân khen ngợi. Hôm sau, được sự hướng dẫn của cán bộ, nhân dân kéo lên quận đòi bồi thường và yêu cầu để dân được trồng lại cây cối đã bị phá.

Sau lần đó, địch theo dõi bà gắt gao hơn. Vì vậy, đến năm 1972, bà phải thoát ly hẳn. Ban ngày ở công sự, ban đêm bà đi vận động nhân dân đóng góp, ủng hộ cách mạng và động viên mọi người yên lòng. Một đêm đầu tháng 2-1972, tổ công tác gồm các đồng chí: Trần Quốc Thương (bí danh của đồng chí Trần Văn Thành), Bí thư Đảng ủy xã Hòa Hưng bấy giờ; Sáu Như (tên thật là Đỗ Thị Như, chị dâu của đồng chí Thương) và Tán Kim Lân (Phó bí thư Đảng ủy xã Hòa Hưng) bị địch phát hiện. Chúng bắn chết anh Trần Quốc Thương tại chùa Hưng Quang (thôn Bồ Bản) rồi đem ra chợ Túy Loan, ở xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang để thị uy. Còn chị Sáu Như, biết không thể sống được nên chị bảo chúng khiêng về nhà để chỉ hầm bí mật. Khi vào trong nhà, chúng vừa đặt cáng xuống, chị Như hô lớn: “Đả đảo đế quốc Mỹ!”, “Hồ Chí Minh muôn năm”... Biết bị mắc lừa, bọn lính sát hại chị ngay tại chỗ.

Biết tin anh Thương, chị Sáu Như hy sinh, bà Lý nghẹn ngào không nói nên lời. Không sợ nguy hiểm, bà ra chợ Túy Loan hạ thi thể anh Thương xuống và vuốt mắt cho anh. Bọn cảnh sát mai phục gần đó lao đến bắt bà. Chúng giải bà lên huyện, lên tỉnh và dùng nhiều thủ đoạn tra tấn, nhưng bà kiên quyết không khai. Chúng đem tài liệu thu được ra cho bà xem rồi hỏi: “Mi họp chỗ mô? Mi thu tiền nhà ai?”... Bà biết tài liệu ghi hết lịch trình nhưng chỉ ghi theo bí danh, vì vậy, bà khai: “Tôi không biết chữ. Ba mất sớm, tôi không được đi học. Tôi không biết chi hết. Tôi vô tội”. Địch bất lực, chuyển bà xuống nhà lao Hội An để cảnh sát ở đây tiếp tục tra tấn. Lần này, mặc dù không có chứng cứ, chúng vẫn giam bà tại Hội An đến tháng 5-1972 rồi chuyển vào giam tại nhà lao Thủ Đức.

Đầu năm 1974, bà được ra tù. Sau giải phóng, trở về quê hương, bà làm Trưởng ban Kinh tế-Tài chính kiêm Hội trưởng Hội Phụ nữ xã Hòa Hưng rồi đảm nhiệm nhiều vị trí công tác khác nhau. Trước khi nghỉ hưu, bà là Phó chủ tịch Hội Phụ nữ quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng. Năm 1999, bà rời nhiệm sở nhưng vẫn tích cực tham gia hoạt động tại địa phương.

NGUYỄN SỸ LONG