Sự lạc quan thái quá

Cho đến cuối năm 1967, giới lãnh đạo chính trị, quân sự Mỹ vẫn đưa ra những tuyên bố lạc quan về chiến tranh Việt Nam. Giáo sư Don Oberdorfer, giảng viên Trường Nghiên cứu quốc tế cao cấp Paul H.Nitze, Đại học Johns Hopkins (Mỹ), nguyên phóng viên chiến trường của nhật báo The Washington Post, người có mặt ở miền Nam Việt Nam từ năm 1965 và trực tiếp chứng kiến sự kiện Tết Mậu Thân, trong bài báo nhan đề “Tet: Who won?” (Tết: Ai là người thắng cuộc?) đăng trên Smithsonian Magazine (tháng 11-2004) đã viết: “Trong khi cộng sản chuẩn bị tiến công, thì Nhà Trắng đã tạo ra thảm họa chính trị cho chính họ khi huênh hoang rằng chiến thắng của họ ở Việt Nam đã trong tầm tay. Từ boong tàu sân bay USS Enterprise, Tổng thống Lyndon B.Johnson tuyên bố, cuộc chiến ở Việt Nam sẽ nhanh chóng kết thúc. Nổi bật nhất là phát biểu của tướng William Westmoreland, Tổng tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam trước Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ở Washington DC rằng: “Từ năm 1968, một giai đoạn mới đang bắt đầu. Chúng ta đã đạt đến một điểm quan trọng khi sự kết thúc bắt đầu hiện ra”.

Giáo sư, nhà văn, nhà hoạt động xã hội Jerold M.Starr trong cuốn sách “The lessons of the Vietnam war” (Những bài học của chiến tranh Việt Nam), do Trung tâm Giáo dục xã hội sinh viên Đại học Pittsburgh xuất bản năm 1988, đã viết: “Vài tuần trước Tết Mậu Thân, Phó tổng thống Hubert Humphrey thậm chí còn tuyên bố rằng: “Chúng ta đang bắt đầu chiến thắng trong cuộc chiến tranh này. Chúng ta đang ở thế chủ động. Chúng ta đang giành được đất đai. Chúng ta đang đạt được những tiến bộ vững chắc”. Còn Đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker cũng khẳng định: “Những báo cáo của tướng Westmoreland gửi cho tôi đều viết rằng, về mặt quân sự, Mỹ đang kiểm soát tình hình” (theo tác giả Michael Maclear trong sách “Vietnam: The ten thousand day war” - Việt Nam, cuộc chiến mười nghìn ngày, Nhà xuất bản Methuen, London, 1981). Tướng Bruce Palmer, Phó tư lệnh lục quân Mỹ tại Việt Nam còn tuyên bố trên chương trình Today của Đài NBC: “Việt cộng đã bị đánh bại từ Đà Nẵng đến tận các khu dân cư” (“The Tet offensive: The turning point in the Vietnam war” - Cuộc tiến công Tết: Bước ngoặt trong cuộc chiến tranh Việt Nam).

leftcenterrightdel
Quân Giải phóng cùng lực lượng vũ trang, quần chúng nhân dân quận 6 đánh địch trên đường phố Sài Gòn, năm 1968. Ảnh tư liệu 

Tuy nhiên, ngay khi các nhà lãnh đạo chính trị, quân sự Mỹ ở Washington và Sài Gòn tuyên bố lạc quan về chiến thắng của họ thì Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã khẩn trương chuẩn bị một cuộc tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam, dự kiến bắt đầu vào dịp Tết Nguyên đán.

Cú sốc chính trị làm rung chuyển nước Mỹ

Với sự tự tin như trên của giới chính trị, quân sự Mỹ thì không có gì đáng ngạc nhiên khi sự kiện đêm 30 rạng sáng 31-1-1968, cuộc tiến công đồng loạt của Quân Giải phóng và các lực lượng vũ trang, quần chúng nhân dân vào các thành phố, thị xã, thị trấn, quận lỵ  cùng hàng loạt căn cứ, kho tàng, sở chỉ huy, sân bay, bến cảng... của Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn trên khắp miền Nam Việt Nam đã tạo ra cú sốc chính trị làm rung chuyển nước Mỹ.

leftcenterrightdel
 Những cuộc biểu tình liên tiếp tại các bang của nước Mỹ phản đối chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam sau sự kiện Tết Mậu Thân 1968. Ảnh tư liệu

Cũng theo Don Oberdorfer, do tin vào những tuyên bố của các nhà lãnh đạo chính trị, quân sự nên sự kiện Tết Mậu Thân đã “tạo ra cú đánh chết người cho nỗ lực chiến tranh của Mỹ, tạo ra một cuộc khủng hoảng tâm lý trong lòng nước Mỹ”. Đánh giá về sự kiện Tết Mậu Thân, cuốn “Dictionary of the Vietnam war” (Từ điển chiến tranh Việt Nam) do Marc Leepson và Helen Hannaford biên tập, xuất bản năm 1996, viết: “Cuộc tiến công Tết Mậu Thân đã tạo nên một bầu không khí ảm đạm và tình trạng mất ổn định trên khắp nước Mỹ. Những nhà chính trị được bầu, các quan chức chính phủ, những người lãnh đạo kinh doanh đều tỏ vẻ bi quan về việc Mỹ không hoàn thành mục tiêu đề ra cho cuộc chiến tranh”. Còn trong cuốn hồi ký “My life” (Đời tôi), Nhà xuất bản Vintage, năm 2005, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã viết: “Như giọt nước tràn ly, Tết Mậu Thân đã làm bộc lộ sự phân hóa mạnh mẽ trong chính giới Mỹ, khiến năm 1968 trở thành một năm đau đớn và hỗn loạn nhất nước Mỹ”.

Theo Don Oberdorfer: “Cuộc tiến công Tết Mậu Thân là một thành công lớn đối với Bắc Việt. Được đưa vào phòng khách của người Mỹ bởi các vệ tinh thông tin mới trên Thái Bình Dương, những hình ảnh về trận chiến, nhất là tại Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn, đã làm tổn hại nghiêm trọng niềm tin của nước Mỹ vào các chính sách của Tổng thống Johnson. Nó đặt Tổng thống vào tình cảnh trớ trêu khi vừa phải đối phó với những diễn biến quân sự không thuận lợi ở Việt Nam, vừa phải đối phó với tình hình chính trị rối ren ở Mỹ trong năm bầu cử tổng thống.

Sự kiện Tết Mậu Thân đã biến thành một thất bại chính trị và tâm lý đối với Mỹ, một thất bại không có cơ hội sửa chữa, tạo ra sự phân liệt trong xã hội Mỹ về vấn đề chiến tranh Việt Nam”. Tác giả Merle L.Pribbenow II trong bài viết nhan đề “General Vo Nguyen Giap and the mysterious evolution of the plan for the 1968 Tet offensive (Tướng Võ Nguyên Giáp và tiến trình bí ẩn của kế hoạch tiến công Tết 1968) đã viết: “Cuộc tiến công Tết Mậu Thân đã thuyết phục cử tri Mỹ và Tổng thống Johnson rằng, khó lòng mà thắng được cuộc chiến tranh Việt Nam” và rằng: “Cần phải bắt đầu đàm phán giải quyết và rút dần quân Mỹ. Đó là một bước ngoặt trong chiến tranh, một xu thế không thể đảo ngược”. Ngày 31-3-1968, từ Phòng Bầu dục tại Nhà Trắng, Johnson đã đọc bài diễn văn quan trọng được truyền hình trực tiếp, đề nghị Việt Nam ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ; đồng thời thông báo quyết định sẽ không ra tranh cử thêm một nhiệm kỳ tổng thống nữa.

Cú sốc chính trị do sự kiện Tết Mậu Thân gây ra làm trầm trọng thêm những rạn nứt trong lòng nước Mỹ, khiến Quốc hội và nhân dân không ủng hộ nỗ lực của chính quyền Mỹ trong vấn đề chiến tranh Việt Nam và trở thành một trong những nhân tố dẫn đến sự sụp đổ của ngụy quyền Sài Gòn năm 1975.

Đại tá VŨ HỒNG KHANH