Tháng 6-1967, Trung đoàn 1 được lệnh hành quân từ Quảng Ngãi ra chiến trường Quảng Nam. Tiểu đoàn 90 (nay là Tiểu đoàn 3), Trung đoàn 1 đi đầu đội hình. Khi hành quân tới cách làng Vạn Xuân (nay là thôn Vạn Xuân 1, xã Hành Thiện, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) chừng 1km thì nhận được tin báo: “Lính Mỹ ở sân bay dã chiến trên núi Tai Mèo đã rút về phía Tây theo hướng cầu Cộng Hòa”. Chấp hành mệnh lệnh của Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Quang Hiện, đồng chí Lê Cúc, Quyền Đại đội trưởng Đại đội 2 (nay là Đại đội 10) của Tiểu đoàn lệnh cho tiểu đội tôi lên chốt tại sân bay để bảo vệ hành lang cho đơn vị hành quân. Tổ nhận nhiệm vụ 3 người gồm: Anh Huỳnh Trợ-Tiểu đội trưởng (anh Trợ nguyên là tù binh trận Ba Gia tự nguyện ở lại tham gia Quân Giải phóng); anh Trần Mau là đảng viên, Tiểu đội phó kiêm xạ thủ chính; tôi là tân binh mới vào làm xạ thủ dự bị. Anh Nguyễn Văn Nhựt, trinh sát Tiểu đoàn làm nhiệm vụ dẫn đường. Chúng tôi vừa đi vừa bò vì đường rất dốc và nhiều sỏi dăm nên dễ trượt chân.

Khi anh Nhựt (đi trước chúng tôi khoảng 30m) vừa tới yên ngựa ở mé trên về phía Tây sân bay dã chiến thì gặp tổ bộ binh bảo vệ phía sau cho đội hình của địch rút quân. Anh hét to “Mỹ” và khẩu tiểu liên trong tay anh nổ một điểm xạ ngắn. Tiếng súng bắn trả của địch khá mạnh rồi xa dần. Anh Nhựt tụt giật lùi xuống vị trí khẩu thượng liên vừa chọn được địa hình giá súng chuẩn bị bắn chi viện nói: “Có một tên Mỹ, tôi bắn nó bị thương rồi. Một đồng chí cùng tôi lên bắt tù binh đi”. Anh Huỳnh Trợ liền nói: “Đồng chí Âu nhanh đi cùng trinh sát”.

leftcenterrightdel

 Tác giả (thứ hai, từ trái sang) trong lần gặp lại đồng đội và các y tá của đội phẫu năm xưa. Ảnh do tác giả cung cấp

Chấp hành mệnh lệnh, tôi bò lên theo anh Nhựt. Cũng may trước bụng tôi chỉ đeo một chiếc bao xe chứa băng đạn nên theo kịp anh Nhựt. Vừa lên tới yên ngựa là thấy ngay tên lính Mỹ đang ngồi bệt bên bờ chiến hào. Anh ta chỉ vào chân trái đang co lên, miệng xì xồ ý bảo là đã bị thương. Hai chúng tôi cùng chạy tới, mỗi người cầm một tay anh ta khoác lên vai mình dìu đi. Tên Mỹ này rất to, phải nặng tới hàng tạ mà cả hai chúng tôi đều nhỏ con, không ai được 40kg. Mỗi khi anh ta di chuyển, thân hình cao lớn như muốn đè gí cả hai chúng tôi xuống, phải cố gắng lắm mới lấy được thăng bằng để dìu hắn đi tiếp. Vừa bước tới con đường mòn, chúng tôi bị sức nặng của anh ta làm ngã bệt xuống. Anh Nhựt bảo tôi: “Cầm chặt lấy tay nó quàng vào cổ mình để tụt dốc”. Thế là hai chúng tôi kẹp chặt anh ta ở giữa và tụt dốc. Thỉnh thoảng gặp đoạn có độ dốc cao hơn, dân địa phương cuốc thành bậc để đi, mông giáng xuống nghe bình bịch, đau ê ẩm. Còn tên lính Mỹ thì giơ ngược cả hai chân lên trời kêu ầm ĩ. Cuối cùng thì cũng đưa được anh ta xuống chân dốc tiếp giáp với con đường mà đơn vị đang hành quân. Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Quang Hiện và Chính trị viên phó Tiểu đoàn Đinh Thế Phẩm đã đợi sẵn ở đó.

Sau khi nghe anh Nhựt báo cáo, Tiểu đoàn trưởng điều thêm một trung đội của Đại đội 3 do Trung đội trưởng Lê Văn Côi chỉ huy lên tăng cường. Nói là một trung đội nhưng chỉ có 10 tay súng. Tôi được giao nhiệm vụ dẫn đường cho trung đội anh Côi, rồi trở về tiểu đội thượng liên. Anh Nhựt ở lại với Tiểu đoàn trưởng. Sau này tìm hiểu tôi được biết, tên tù binh được 4 chiến sĩ vận tải của Tiểu đoàn khiêng về đội phẫu trung đoàn để cứu chữa. Về tới đội phẫu trung đoàn đã 11 giờ, anh ta rất tỉnh táo. Lấy cơm cho ăn, anh ta cứ xua tay liên tục và luôn miệng: “No, No”. Mọi người đều nghĩ có lẽ do là người Mỹ nên anh ta không biết ăn cơm và nuôi quân đã nhanh chóng triển khai nấu cho anh ta một ca súp sắn. Khi đem súp tới, anh ta vẫn làm động tác như cũ. Đồng chí đội trưởng đội phẫu cười nói: “Chắc tên này nghi là mình đầu độc bằng thức ăn nên không ăn đây”. Nói rồi anh cầm ca súp xúc mấy muỗng ăn trước rồi đưa cho anh ta. Bấy giờ, tên tù binh mới cầm ca súp ăn gần hết một cách ngon lành.

Khi anh ta lấy lại tinh thần và ổn định huyết áp, ca phẫu thuật lập tức được tiến hành. Mấy ống thuốc gây tê và cầm máu loại tốt nhất được đem dùng cho anh ta. Bác sĩ Hoàng, Đội trưởng đội phẫu là người mổ chính. Y tá Trương Thị Lai phụ mổ. Mổ vết thương ở đùi thì đơn giản vì chỉ cần dò thấy đầu đạn và gắp ra là được, nhưng vết thương ở bụng tương đối nặng. Tuy đạn K50 sức xuyên phá không mạnh nhưng cũng đủ làm rách nội tạng và do phải trượt dốc một đoạn dài tới 300m gây chảy máu trong nhiều. Ca mổ thành công, gắp được đầu đạn, vá được ruột, tên tù binh tỉnh táo. Vì đơn vị đang hành quân không thể đem theo mà phải bàn giao về tuyến sau. Để tỏ lòng biết ơn, tên tù binh đã tặng y tá Trương Thị Lai một chiếc ca bằng inox. Chị Lai đã dùng chiếc ca cho đến ngày thống nhất đất nước, khi thì đun nước sôi vô trùng dụng cụ cấp cứu, khi thì nấu canh, nấu cháo cho thương, bệnh binh dọc đường hành quân... Chiếc ca đó sau này chị Lai đã bàn giao cho đồng chí Châu Trà, ở số nhà 148, Tô Hiệu, Đà Nẵng-một địa chỉ lưu giữ những hiện vật kỷ niệm của đồng đội trong chiến tranh.

ĐẶNG KIM ÂU