Chúng tôi từng gặp và trò chuyện với đồng chí Hoàng Anh (1912-2016) tại nhà riêng của ông ở quận Ba Đình, TP Hà Nội. Mỗi lần kể về những ngày hoạt động cách mạng tại quê hương hồi kháng chiến chống thực dân Pháp, giọng ông đều trở nên hào hứng. Ông bảo, đó là thời kỳ hoạt động tích cực, sôi nổi với nhiệt huyết tuổi trẻ, lại làm việc bên cạnh các đồng chí: Nguyễn Chí Thanh, Hà Văn Lâu, Lê Tự Đồng, Trần Quý Hai... nên bản thân học tập được rất nhiều điều. Sau cuộc họp Thường vụ Tỉnh ủy, trên cương vị là Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến-Hành chính tỉnh Thừa Thiên, ông đã nhanh chóng tổ chức tìm và vận động các cơ sở trở lại hoạt động. Đến tháng 3-1947, với sự vào cuộc quyết liệt của trên cùng sự ủng hộ của quần chúng cách mạng, chiến khu Hòa Mỹ đã ổn định cơ bản. Nhất là việc bảo đảm lương thực, thực phẩm cung cấp cho bộ đội và dự trữ ở chiến khu lâu dài.

Sau đó, cuộc họp của Tỉnh ủy Thừa Thiên dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Tỉnh ủy đã khai mạc. Tại hội nghị, nhiều ý kiến cho rằng cần phải đánh một, hai trận gây tiếng vang để khẳng định bộ đội ta còn, kháng chiến vẫn còn, không phải đã bị tiêu diệt hết hoặc đánh bật ra ngoài tỉnh như quân địch rêu rao, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân vào kháng chiến. Nhiệm vụ này, Tỉnh ủy giao cho Ủy ban Kháng chiến-Hành chính tỉnh dưới sự chủ trì của đồng chí Hoàng Anh.

leftcenterrightdel

Đồng chí Hoàng Anh trong một lần báo cáo công tác với Bác Hồ, năm 1965. Ảnh tư liệu 

Thực hiện chủ trương ấy, sau một thời gian nghiên cứu, ta quyết định đánh đồn Hộ Thành trong thành nội Huế và đồn Đất Đỏ ở thôn Lưu Phước trước mặt chiến khu Hòa Mỹ. Để bảo đảm cho hai trận đánh nhất định thắng lợi, Chủ tịch Ủy ban Hoàng Anh trực tiếp chỉ đạo, tập trung những cán bộ, chiến sĩ hăng hái nhất của Trung đoàn Trần Cao Vân (Trung đoàn 101, do đồng chí Hà Văn Lâu làm Trung đoàn trưởng) bổ sung cho đội biệt động đánh đồn Hộ Thành và cho đại đội chủ công địa phương đánh đồn Đất Đỏ.

“Ngày 24-3-1947, nhờ sự giúp đỡ tận tình của Huyện ủy Hương Trà và sự cộng tác chặt chẽ của biệt động Huế, đội biệt động của tỉnh tập kích mãnh liệt quân địch đóng trong đồn Hộ Thành. Bị đánh bất ngờ, quân địch trong đồn chưa kịp phản ứng đã bị diệt gọn. Bộ đội ta rút về căn cứ an toàn. Các đồn địch trong thành phố Huế hoảng hốt bắn súng làm náo động cả một vùng. Pháo sáng cũng bắn lên khắp nơi, tưởng chừng Việt Minh đang tấn công mạnh vào thành phố. Trận Hộ Thành tuy là một trận nhỏ nhưng lại nổ ra trong khi địch đang tiến công ra phía trước và ngay trong thành nội Huế có tường cao, hào sâu nên đã gây tiếng vang trong nhân dân”, đồng chí Hoàng Anh kể.

Đến chiều 29-3-1947, bộ đội ta tiếp tục tấn công đồn Lưu Phước (tên gọi khác của đồn Đất Đỏ) thuộc xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền. Đồn này đóng ngay trong nhà của ông lý Cảnh, là ngôi nhà ngói duy nhất trong vùng bấy giờ. Dù rất bất mãn muốn bỏ đi biệt xứ nhưng nghe theo lời động viên của ta, ông Cảnh đã ở lại làm phục vụ cho địch nhằm giúp ta nắm nội tình của chúng. Chính nhờ ông lý Cảnh sắp xếp, một số chiến sĩ của ta đã cải trang làm người dân trong thôn vào đồn giúp việc mà không bị địch phát hiện. Nhân lúc quân số của địch trong đồn còn hơn một trung đội, ta quyết định đánh đồn. Theo trí nhớ của đồng chí Hoàng Anh, chỉ sau một đêm chiến đấu anh dũng, bộ đội ta đã diệt gọn trung đội lính sơn cước tinh nhuệ của Pháp, bắt một số tù binh, đồng thời thu toàn bộ vũ khí, quân trang, quân dụng trong đồn. Ông khẳng định: “Những trận đánh trên đã đánh dấu một chuyển biến rất quan trọng tình hình kháng chiến chống thực dân Pháp ở Thừa Thiên Huế. Bộ đội ta từ chỗ phải rút lui để cho địch đánh chiếm hết vùng này đến vùng khác, nay có thể tổ chức những trận tấn công tiêu diệt địch”.

Đi đôi với những hoạt động của bộ đội chủ lực, các đội quyết tử quân của các huyện, đội biệt động của thành phố Huế cũng được bố trí, tăng cường hỗ trợ cho du kích xã chặn đánh những toán địch lẻ tẻ đi cướp phá trong thôn xóm, trừ gian, phá tề, quấy rối các đồn địch. Hoạt động ngày càng mạnh và có hiệu quả của bộ đội và du kích của ta làm cho địch thấy rằng dù đánh chiếm được thành phố Huế, chiếm đóng những vùng xung yếu nhưng chưa phải chúng đã đánh bại được Việt Minh.

leftcenterrightdel

Thành phố Huế yên bình. Ảnh: ĐÌNH HOÀNG 

Cay cú trước những thất bại, nhằm uy hiếp tinh thần của nhân dân ta, đồng thời để trấn an binh lính, tay sai, thực dân Pháp đã tập trung quân mở một trận càn và khủng bố ác liệt xã Phong Thái, trọng điểm là thôn Phò Ninh và thôn Hiền Sĩ. Chúng sát hại hơn 200 đồng bào, đốt cháy hàng trăm nhà dân. “8 giờ ngày 3-4, tôi đến gặp anh Hà Văn Lâu để bàn một số việc trước khi đưa một số cán bộ, tài sản và dụng cụ về cất giữ ở chiến khu Hòa Mỹ. Khi đi ngang qua chỗ ở của Ban chỉ huy Tiểu đoàn 18 (Trung đoàn Trần Cao Vân) thì một chiến sĩ chạy đến báo tin quân địch càn quét và khủng bố ác liệt xã Phong Thái, hàng trăm người bị giết trong đó có bố tôi. Nghe tin, tôi sửng sốt, nhiều đồng chí có mặt đến chia buồn với tôi. Trong cuộc chiến đấu chống quân thù, làm sao tránh được những mất mát! Dù sao trước khi chết, bố tôi cũng đã được thấy Cách mạng Tháng Tám thành công, biết rằng quân ta đã trở lại đánh cho giặc Pháp những đòn đau. Như vậy cũng thỏa chí bình sinh của cụ”, đồng chí Hoàng Anh kể trong niềm xúc động.

Nén thương đau, ông tiếp tục cùng các đồng chí của mình chiến đấu chống kẻ thù xâm lược. Đồng chí Hoàng Anh tự hào kể rằng, sau khi Mặt trận Thừa Thiên Huế phục hồi, ta liên tiếp tiêu diệt đồn địch, tinh thần bộ đội phấn khởi và tin tưởng. Trung đoàn Trần Cao Vân, lực lượng chủ lực của Mặt trận Thừa Thiên Huế, được trang bị thêm nhiều vũ khí thu được của địch. Từ đó, phong trào kháng chiến ở Thừa Thiên Huế phát triển, vững bước tiến lên, góp phần vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.

VĂN TÁM