Vào cuối tháng 3-1954, bộ đội ta đang chuẩn bị tích cực về mọi mặt để tiêu diệt toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ vào thượng tuần tháng 5, trước khi mùa mưa về. Đặc điểm quan trọng nhất của đợt tiến công thứ 2 này là thời gian dài, bộ đội phải chiến đấu liên tục nên tinh thần mệt mỏi, căng thẳng. Sau mấy tháng chuẩn bị khó khăn, gian khổ, nay bước vào chiến đấu trong điều kiện ở hầm hào giao thông và hầm trận địa dài ngày, đặc biệt là những trận mưa đầu mùa làm cho trận địa nhiều nơi sạt lở hoặc ngập nước, khiến việc sinh hoạt và chiến đấu của bộ đội thêm khó khăn. Một vấn đề nữa đặt ra, sau thắng lợi của các đợt tiến công giai đoạn 1, một số cán bộ, chiến sĩ nảy sinh tư tưởng chủ quan, khinh địch...

Trong tình hình ấy, công tác chính trị tư tưởng đã đóng một vai trò rất quan trọng. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Mặt trận và Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, Cơ quan Chính trị mặt trận đã giáo dục sâu rộng về ý nghĩa chính trị to lớn của chiến dịch, quán triệt quyết tâm của Trung ương Đảng là tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; lấy thắng lợi của quân ta, thất bại của thực dân Pháp để động viên, khích lệ cán bộ và chiến sĩ; lấy những tấm gương chiến đấu, hy sinh anh dũng của các cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận để phát huy cao độ chủ nghĩa anh hùng cách mạng của bộ đội, giữ vững và nêu cao tinh thần quyết chiến quyết thắng.

leftcenterrightdel
 Tranh của họa sĩ Nguyễn Bích đăng trên Báo Quân đội nhân dân xuất bản tại Mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954.

Trong điều kiện chiến đấu ác liệt, công tác văn hóa-văn nghệ đã được phát huy cao độ. Các báo tường, báo liếp liên tục xuất hiện bên cạnh Báo Quân đội nhân dân được xuất bản ngay tại mặt trận. Cùng với các nhà thơ, nhà văn chuyên nghiệp thì nhiều cán bộ, chiến sĩ cũng tham gia sáng tác thơ ca, hò vè, tranh cổ động, tranh châm biếm, đả kích quân Pháp... góp phần động viên, khích lệ tinh thần của bộ đội ở chiến trường. Văn công của các Đại đoàn 308, 304, 312, 316 và 351 luôn bám sát cán bộ, chiến sĩ để phục vụ. Những lời ca tiếng hát và tiếng đàn của đội ngũ văn nghệ sĩ đã đóng góp không nhỏ trong công tác chính trị ở mặt trận, động viên tinh thần chiến đấu của bộ đội ta. Ai nấy đều nhận rõ thắng lợi của chiến dịch cũng như thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp chỉ có thể giành được bằng sự chiến đấu anh dũng, vượt qua gian khổ, khắc phục khó khăn với tinh thần quyết chiến quyết thắng rất cao.

leftcenterrightdel
Tranh cổ động tại Mặt trận Điện Biên Phủ. 

Cùng với đó, công tác chính trị ở mặt trận đi sâu giáo dục và kiểm tra việc thực hiện cụ thể như: Chấp hành kỷ luật ở chiến trường; tổ chức sinh hoạt trong trận địa; bảo đảm bữa ăn, giấc ngủ, giữ gìn vệ sinh, phòng bệnh cho bộ đội; củng cố, xây dựng trận địa theo đúng yêu cầu của trên; bổ sung quân số, đề bạt, điều động, bổ nhiệm cán bộ, kiện toàn các chi bộ và công tác phát triển Đảng... để không ngừng nâng cao tinh thần chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ trên mặt trận...

HOÀNG QUÝ LÊ (Theo lời kể của Đại tá Vũ Thành, nguyên cán bộ Ban Ký sự, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam)