Miền Nam luôn trong tôi

Năm 1975, tôi là nhạc công của Đội Tuyên văn Sư đoàn 304B, Quân khu Việt Bắc (nay là Quân khu 1). Nhiệm vụ của Đội lúc đó là xây dựng chương trình biểu diễn phục vụ bộ đội trước khi lên đường vào Nam chiến đấu.

Giữa tháng 3-1975, tin vui chiến thắng từ khắp các chiến trường miền Nam dội về. Anh Vũ Hoan, Đội trưởng Đội Tuyên văn Sư đoàn gọi tôi lên bảo: “Tình hình gấp lắm rồi, 4 ngày nữa là phải có chương trình biểu diễn phục vụ Tiểu đoàn 3 vào Nam chiến đấu, cậu chuẩn bị thật tốt tiết mục độc tấu đàn bầu”. Nói rồi, anh đưa cho tôi bản nhạc “Vì miền Nam” viết cho đàn bầu với dàn nhạc dân tộc của nhạc sĩ Huy Thục. Đội Tuyên văn chúng tôi bước vào những buổi tập với không khí lao động nghệ thuật hết sức sôi động và khẩn trương, chẳng khác nào các chiến sĩ ngoài mặt trận bước vào trận đánh.

leftcenterrightdel
Đại tướng Văn Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng biểu dương Đoàn Khánh Khê, năm 1980. Ảnh do tác giả cung cấp 

Riêng tôi thì nghiên cứu thật kỹ bản nhạc để thể hiện từng cung, từng điệu trên cây đàn bầu sao cho toát lên được cái “hồn” của tác phẩm. Từ những khúc đau thương, bi tráng đến tiết tấu rộn ràng, tươi sáng của niềm vui chiến thắng, tôi đều luyện tập thuần thục. Khi Đội đi biểu diễn phục vụ bộ đội và nhân dân, đến tiết mục độc tấu đàn bầu của tôi, khán giả nhiệt liệt hoan nghênh, cổ vũ và yêu cầu diễn lại tới lần thứ hai, thứ ba...

Sau khi đất nước thống nhất, thật vinh dự, tiết mục của tôi được lựa chọn đi tham gia hội diễn nghệ thuật quần chúng chào mừng khai mạc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (cuối năm 1976) tại Thủ đô Hà Nội. Tiết mục của tôi được tặng Huy chương Vàng toàn quốc. Có nhiều nhà báo khi phỏng vấn đã đặt câu hỏi vì sao tiết mục của tôi lại thành công như vậy? Lúc đó, tôi đã trả lời: “Vì miền Nam luôn ở trong tôi”.

Mãi nhớ Đoàn Khánh Khê

Vào những năm đầu thập niên 1980, khán giả màn ảnh rộng cả nước rất có ấn tượng với bộ phim “Tiếng hát Đoàn Khánh Khê” do Điện ảnh Quân đội nhân dân sản xuất. Đó là những thước phim nói về Đội Văn nghệ Sư đoàn 337 (Đoàn Khánh Khê) làm nhiệm vụ ở biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Ra đời cuối tháng 7-1978, tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An, hầu hết anh chị em Đội Văn nghệ đều đã qua đào tạo cơ bản tại các trường văn hóa-nghệ thuật. Nhiệm vụ của Đội lúc đó là khẩn trương xây dựng chương trình, sẵn sàng lên đường phục vụ bộ đội.

leftcenterrightdel
 Các chiến sĩ văn công Đoàn Khánh Khê trò chuyện với khách quốc tế sau buổi biểu diễn. Ảnh do tác giả cung cấp

Năm 1979, Sư đoàn 337 được lệnh hành quân bằng cả 3 phương tiện (máy bay, ô tô, tàu hỏa) từ Nghệ An lên biên giới phía Bắc. Khi đặt chân tới Lạng Sơn, Đội Văn nghệ đã bắt tay ngay vào việc xây dựng kế hoạch, chương trình biểu diễn, đồng thời phát động phong trào sáng tác, nâng cao chất lượng chuyên môn... Thời gian này, đời sống sinh hoạt của bộ đội gặp nhiều khó khăn. Các cô gái trong Đội Văn nghệ phải đi nhặt từng quả bồ hòn bóp ra nước để thay cho xà phòng giặt (vì lúc đó xà phòng rất khan hiếm). Dù vậy, các anh chị em trong Đội vẫn vô tư, lạc quan, yêu đời, hăng hái tăng gia sản xuất, trồng ngô, trồng đỗ, nuôi lợn... để nâng cao đời sống. Cứ sau mỗi lần luyện tập vất vả lại có bát chè ngô nấu theo kiểu Huế để bồi dưỡng mọi người cho lại sức. Khi đến với bộ đội, anh chị em vẫn phục vụ bằng tất cả tấm lòng và trái tim mình.

Sau mỗi lần biểu diễn, các anh chị em văn công được đón nhận những tình cảm yêu mến, trân trọng của bộ đội cũng như chính quyền địa phương và nhân dân các dân tộc tỉnh Lạng Sơn. Trong những lần tham gia hội diễn nghệ thuật quần chúng, Đội Văn nghệ Đoàn Khánh Khê giành thành tích cao với nhiều huy chương vàng, bạc cho tập thể và cá nhân. Các diễn viên xuất sắc như: Lệ Hằng, Tuấn Giảng, Minh Quang, Xuân Thảo, Minh Huệ, Văn Thắng, Thái Quý, Quỳnh Như, Anh Đào... đã để lại những tình cảm khó phai trong lòng khán giả.

NGÔ VĂN HỌC Nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Sư đoàn 337