Chúng tôi gặp Anh hùng Lê Văn Kiệm tại nhà riêng của ông ở phường 5, thành phố Cà Mau. Thấy ông nâng niu, lần giở từng trang trong tập giấy khổ A4 được đóng, bao bìa cẩn thận như một cuốn sách, trong đó ghi họ tên, đơn vị và địa điểm hy sinh của hơn 500 cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn D10 (Trung đoàn Sông Hương) từng chiến đấu ở Cà Mau. Danh sách được chia cột và đánh máy trên một mặt giấy, mặt sau để trống dành cho phần ghi chú địa chỉ, số điện thoại liên hệ của người thân, kèm theo ngày, tháng và số lần mà họ đi tìm hài cốt liệt sĩ.
Trưởng thành từ chiến sĩ, từng giữ chức vụ Đại đội phó Đại đội 4, rồi Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 7 Đặc công, hiện nay là Trưởng ban liên lạc của Trung đoàn D10 ở Cà Mau, Anh hùng Lê Văn Kiệm có thể kể cặn kẽ từng trận đánh và hoàn cảnh hy sinh của nhiều đồng đội, từ Chi khu Thới Bình cho đến đồn Lộ Mới, Rau Dừa... Có người ông còn thuộc làu cả quê quán. Ông không sao quên được những giọt nước mắt của thân nhân khi may mắn tìm được hài cốt và xác định được họ tên liệt sĩ.
Anh hùng Lê Văn Kiệm có người anh và người cậu hy sinh trong các trận chiến đấu ở Cà Mau. Cả 3 cậu cháu cùng nhập ngũ vào D10 năm 1970. Chưa đầy 6 tháng sau, anh trai và cậu của ông Kiệm đều hy sinh. Ông Lê Văn Cần, anh trai của ông Kiệm hy sinh năm 19 tuổi ngay tại quê nhà, chính tay ông đã chôn cất anh ở ấp Rạch Láng, xã Phú Mỹ A, huyện Cái Nước (trước đây), có bia mộ ghi danh rõ ràng. Do bị bom đạn làm xáo trộn nên năm 1977, khi quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bạc Liêu (tỉnh Minh Hải trước đây), ông phải dò tìm mãi mới thấy mộ của anh trai. “Lúc anh trai hy sinh, tôi mới 17 tuổi, tự tay tôi chôn cất mà còn thất lạc, thế mới hiểu việc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ là vô cùng khó khăn”, ông Kiệm bày tỏ.
|
|
Anh hùng Lê Văn Kiệm (thứ hai, từ trái sang) cùng đồng đội thắp hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ ở Cà Mau.
|
Lật giở từng trang danh sách, ông Lê Văn Kiệm dừng lại ở dòng tên của liệt sĩ Nguyễn Văn Tân, quê ở Ninh Bình. Ông kể, trong trận đánh Chi khu Thới Bình năm 1972, chiến sĩ Tân bơi qua sông Trẹm và trúng đạn hy sinh. Thời điểm đó, đơn vị đã tìm kiếm nhưng không thấy thi thể. Mẹ của liệt sĩ Nguyễn Văn Tân đã rất nhiều lần vào Cà Mau cùng ông Kiệm đi tìm nhưng vẫn chưa thấy. Nay người mẹ đã mất, người em của liệt sĩ Nguyễn Văn Tân lại tiếp tục hành trình tìm kiếm. Có lần nghe tin ở nơi trận địa năm ấy, bà con tìm được thi thể liệt sĩ dưới sông, đã đem về an táng ở nghĩa trang, xác định là bộ đội D10 nhưng không rõ danh tính. Người em cũng đã vượt hàng nghìn cây số đến tận nơi nhưng sau đó xác định vẫn không phải liệt sĩ Nguyễn Văn Tân.
Trường hợp của liệt sĩ Nguyễn Viết Cảnh, Chính trị viên Đại đội 4, Tiểu đoàn 7, hy sinh trong trận đánh Chi khu Thới Bình năm 1972 thì khác. Lúc ông Cảnh hy sinh, mộ bia ghi danh đầy đủ. Ông Cảnh là một trong rất ít liệt sĩ D10 hy sinh tại Cà Mau còn rõ danh tính cho đến ngày được đưa về quê, an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên.
Trường hợp liệt sĩ Lại Đình Chung, quê ở Hà Bắc (trước đây), may mắn là hồi ấy có người dân tham gia an táng liệt sĩ, biết ông Lại Đình Chung vì đơn vị của ông đóng quân tại làng của gia đình họ nên bia mộ được ghi tên đầy đủ. Gia đình ông Chung đã đi khắp nơi ở miền Trung, miền Đông để tìm mộ, nhờ đến sự chỉ dẫn của “nhà ngoại cảm” thì tìm được hài cốt ở miền Đông và đưa về nghĩa trang liệt sĩ quê nhà. Nhưng sau đó có đồng đội cùng đơn vị, cùng quê báo tin thời điểm ấy ông Lại Đình Chung đã xuống Cà Mau, nếu hy sinh thì phải ở chiến trường miền Tây. Sau khi xác nhận lại thông tin thì biết đồng chí Lại Đình Chung hy sinh ngày 27-10-1970, trong trận đánh đồn Lộ Mới, Rau Dừa. Khi ông Thịnh, em ruột của liệt sĩ Lại Đình Chung vào tìm, đối chiếu chính xác thông tin với ngôi mộ liệt sĩ đã được quy tập về Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bạc Liêu. Khi đưa anh trai về quê, ông Thịnh đã tổ chức thờ cúng cả hai liệt sĩ: Một là ông Lại Đình Chung và một liệt sĩ chưa xác định được danh tính mà gia đình nhận nhầm trước đó.
“Giai đoạn chiến đấu ở Cà Mau, Trung đoàn D10 hy sinh hơn 500 cán bộ, chiến sĩ. Các liệt sĩ D10 phần lớn được quy tập về những nghĩa trang ở Bạc Liêu, Cà Mau, Cái Nước, Trần Văn Thời... Tuy nhiên, số liệt sĩ xác định rõ danh tính, quê quán rất ít. Điều đó khiến chúng tôi quyết tâm tiếp tục đi tìm để ấm lòng người còn sống và an ủi anh linh người nằm xuống”, ông Lê Văn Kiệm trăn trở.
Bài và ảnh: NGỌC THẢO