Trận đánh quyết định

Sau Tết Nguyên đán năm 2022, hay tin bệnh tình Trung tướng Lê Nam Phong trở nặng, chúng tôi vội đến thăm. Ông mệt nhiều nhưng vẫn tỉnh táo. Xưa, tính ông vốn nóng nảy nhưng luôn hài hước với giọng xứ Nghệ thân quen. Nay, bệnh tình mệt nhọc thế mà khi tỉnh lại, ông vẫn hài hước như xưa. Tôi hỏi: “Sao bố ở viện lâu thế?”. Ông hóm hỉnh: “Bà nhà tau hay hờn. Mỗi lần bà hờn, tau vô đây vài ngày. Hết hờn, hết giận lại về. Có chi mô. Cả đời trận mạc, xa nhau. Giờ hòa bình, đời nào tau muốn rời bà ấy!”.

Thấy ông tỉnh táo, tôi gợi chuyện Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Năm ấy, Tư lệnh Sư đoàn 7 Lê Nam Phong được giao chỉ huy mũi tiến công chủ yếu hướng Đông chiếm Xuân Lộc, phòng tuyến cuối cùng của địch. Và ông hào hứng kể về trận đánh ác liệt trong thời khắc quyết định, xốc tới dinh lũy cuối cùng.

Ngày đó, Sư đoàn 7 đang đà tiến công Đà Lạt thì nhận lệnh gấp rút quay về xuôi. Ngày 3-4-1975, ông có mặt tại Sở chỉ huy Quân đoàn 4 (đóng ở bờ sông La Ngà) nhận nhiệm vụ. Tại đây, cuộc họp của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân đoàn bàn cách đánh Xuân Lộc diễn ra. “Cần hiểu Xuân Lộc là mắt xích phòng ngự quan trọng nhất trong toàn bộ phòng tuyến vòng ngoài cuối cùng nội đô Sài Gòn. Dù chúng không biết ý định ta đánh, nhưng Tổng thống Thiệu đã sử dụng những viên tướng chỉ huy giỏi nhất, đổ vào đây khoảng 50% lực lượng bộ binh, 60% pháo binh và hầu hết xe tăng, thiết giáp cùng lực lượng dự bị. Chúng đoán quân ta ở phía Bắc đang trên đà tiến vào chứ không nghĩ quân chủ lực Miền đủ sức tiến đánh và đánh từ phía trong khi ta có 3 sư đoàn chủ lực và các đơn vị chiến đấu khác đã sẵn sàng”, Trung tướng Lê Nam Phong cho biết.

Nhận rõ thời cơ đến, ta quyết định mở chiến dịch theo phương án tập trung binh, hỏa lực mạnh đột phá Xuân Lộc. Đánh được Xuân Lộc “giập đầu” thì toàn bộ Quân khu 3, Quân đoàn 3 địch rã đám. Ngày 4-4, Sư đoàn 7 đã có mặt tại vị trí tập kết, chuẩn bị mọi mặt tiến công hướng chủ yếu, đánh thọc sâu, chiếm giữ Sở chỉ huy Sư đoàn 18 ngụy. “Nhiệm vụ này vô cùng khó khăn vì thời gian tương đối gấp.  Đảng ủy Sư đoàn phân tích kỹ thuận lợi, khó khăn, xây dựng quyết tâm, làm tốt mọi công tác chuẩn bị, đúng giờ nổ súng”, ông nhớ lại.

Theo hiệp đồng, đúng 5 giờ 40 phút sáng 9-4, các hướng, mũi ta nổ súng tiến công. Từ ngày 9 đến 11-4, hướng chủ yếu Sư đoàn 7 tiến công liên tục. Ta chiếm được một số mục tiêu, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, giữ những bàn đạp quan trọng, nhưng không lường hết quân địch đông, liên tục tăng viện, hỏa lực mạnh, công sự, hầm hào, boong ke kiên cố. Sau 3 ngày tiến công đột phá nhưng ta chưa xóa sổ được lực lượng địch, chưa đánh giá đúng sức kháng cự của chúng, gây ra thương vong lớn. Ta nhanh chóng tổ chức hội nghị rút kinh nghiệm và tìm cách đánh khác. Đó là tổ chức lực lượng đánh cắt rời Xuân Lộc với Biên Hòa tại điểm Dầu Giây, đánh chặn và ghìm chân địch ở Túc Trưng, cắt Đường số 1 và 20, cắt đứt Xuân Lộc với Bàu Cá, không cho địch co cụm, tiếp tế chi viện, không cho địch rút về Đường số 2 đi hướng Bà Rịa...

Liên tục hơn 11 ngày đêm chiến đấu, Quân đoàn 4 phối hợp với các lực lượng đã giải phóng Xuân Lộc. Từ đây, cửa ngõ hướng Đông Sài Gòn mở toang, 5 cánh quân ta siết chặt vòng vây, xốc tới dinh lũy cuối cùng của địch.

leftcenterrightdel

Đồng chí Lê Nam Phong (bên phải) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp (năm 1997). Ảnh tư liệu 

Cắm cờ thấp vẫn là cờ chiến thắng

Khi tôi hỏi trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ông nhớ nhất điều gì, Trung tướng Lê Nam Phong cười, bảo: “Nhiều lắm. Nhớ anh em đồng đội. Nhớ nhất là cắm cờ Giải phóng thấp phía dưới nhưng vẫn vui sướng!”.

Tuy tổn thất đáng kể trong trận Xuân Lộc nhưng lúc ấy “một ngày bằng 20 năm”, quân ta khí thế bừng bừng xốc tới, không gì cản được. Ngày 29-4-1975, Sư đoàn 7 nhận nhiệm vụ mới. Trước lúc xuất quân, Tư lệnh Quân đoàn 4 Hoàng Cầm trao Cờ “Quyết chiến, Quyết thắng”, chỉ thị Tư lệnh Sư đoàn 7 Lê Nam Phong cắm cờ lên nóc Dinh Độc Lập. “Lúc đó, tau dõng dạc: “Thay mặt cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 7, tôi xin hứa sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, ông kể.

Chỉ tiếc là khi đến Biên Hòa, địch còn nhiều ổ đề kháng ẩn nấp trong thành phố, nhà cao tầng chống trả quyết liệt. Đơn vị nhanh chóng vượt qua các chướng ngại, vượt cầu Ghềnh thẳng tiến Sài Gòn. Nhưng cầu nhỏ và yếu quá, xe tăng, thiết giáp không thể qua được, ông hạ lệnh chuyển hướng tiến quân, đi tắt ra xa lộ Biên Hòa. Sáng 30-4, dòng người đổ về chen kín xa lộ khiến bộ đội, xe pháo cơ động rất chậm. Lập tức, ông nhảy khỏi xe thiết giáp, trao đổi nhanh với Chính ủy Nguyễn Văn Thái, gọi chiến sĩ dùng xe gắn máy chở ông lách qua dòng người chạy thẳng vào Dinh Độc Lập. “Đến cầu Thị Nghè, gặp Trợ lý tác chiến Sư đoàn, tau hỏi ngay: “Đại đội 7 có cắm cờ được không”? Lắc đầu: “Quân đoàn 2 cắm rồi. Xe tăng của Đại đội 7 vào trễ 30 phút”. Một phút tiếc nuối hiện lên. Ngước thấy cờ Giải phóng tung bay trên nóc dinh, ông nói: “Quân đoàn 2 cắm cờ trên cao thì ta cắm cờ thấp, đều là “Quyết chiến, Quyết thắng” cả. Tất cả chúng ta đều là người chiến thắng!”.

 NGUYỄN MINH ĐỨC