Má Thống quê ở thôn Tập An Bắc, xã Phổ Văn, huyện Đức Phổ (nay là tổ dân phố Tập An Bắc, phường Phổ Văn, thị xã Đức Phổ), tỉnh Quảng Ngãi.
Tháng 6-1967, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 2, Sư đoàn 3, Quân khu 5 chúng tôi hoạt động đánh địch ở tỉnh Quảng Ngãi. Tiểu đoàn tôi được giao nhiệm vụ ban ngày bí mật giấu quân ở nhà dân, ban đêm tìm Mỹ, dừng ở đâu thì đánh tập kích ở đó. Lúc đó, tôi là Chính trị viên phó Đại đội 2, Tiểu đoàn 1. Với việc ẩn giấu dưới hầm bí mật vào ban ngày, nếu địch càn quét, tìm ra hầm bí mật là bộ đội sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì nhiệm vụ.
Thời gian giấu quân đã hơn một tuần mà chưa được chiến đấu, mỗi ngày càng mong có giặc để đánh, nhưng không may vào buổi tối, như thường lệ, địch bắn pháo cầm canh. Tối hôm đó, địch bắn nhiều vào khu vực đóng quân. Với kinh nghiệm chiến đấu, Ban chỉ huy Đại đội họp, nhận định ngày mai địch đi càn. Đại đội báo cáo Tiểu đoàn xin chuyển quân đi nơi khác, nhưng Tiểu đoàn không đồng ý. Ban chỉ huy Đại đội nhắc nhở bộ đội chuẩn bị mai ăn cơm sớm, bố trí tổ tuần tra và tiểu đội cảnh giới, khi địch đến thì xuống hầm bí mật theo phương án sẵn sàng chiến đấu khi có lệnh.
Đến 5 giờ sáng hôm sau, bộ đội đã ăn sáng xong. Tôi và hai đồng chí liên lạc, trinh sát ẩn nấp cùng một nhà. Tôi ăn xong trước, ra kiểm tra hầm bí mật. Muốn tới hầm phải đi qua khoảnh đất trống rộng khoảng 20m, đến một con mương, rồi đi qua chiếc cầu tre, vào bụi tre trên gò đất to như con đê. Trong gò đất là hầm bí mật chỉ đủ cho 3 người ngồi và súng đạn. Xuống hầm kiểm tra súng đạn xong, khi mới nhô đầu lên trong bụi tre, tôi thấy đoàn người hành quân cách đó chỉ vài mét.
Khi tôi còn đang phán đoán quân ở đâu đến thì nghe có tiếng hô: “Stop”. Ngay lúc đó, tổ chiến đấu của đơn vị bạn bắn vào đội hình địch, khiến chúng bất ngờ, hoảng loạn chạy tản ra, bám vào gò đất bắn trả. Tôi bình tĩnh ngụy trang nắp hầm, trong lúc đóng nắp hầm, cảm giác có độ rung trong gò đất nên tôi đã nghi ngờ, nhưng vẫn bình tĩnh ngồi dưới hầm, mong sao trời sáng hẳn để quan sát rõ.
Khi trời đã sáng rõ, qua lỗ thông hơi nhìn thấy tên lính ngụy đặt khẩu trung liên trên nắp hầm cách nơi mình trú khoảng 1m, tôi rất bình tĩnh, im lặng, chỉ cần một tiếng động nhẹ hay tiếng ho khẽ là địch sẽ phát hiện ra căn hầm. Tôi cầm khẩu tiểu liên AK đã lên đạn sẵn, cùng các băng đạn dự phòng và 4 quả lựu đạn mang trên người, sẵn sàng đẩy nắp hầm lên chiến đấu, dù phải hy sinh chứ nhất định không để địch bắt.
Trong lúc căng thẳng ngồi dưới hầm, tôi còn nghe rõ tiếng kêu của má trong nhà. Mấy thằng lính ngụy vừa đánh đập má, vừa truy hỏi: “Việt cộng ở đâu?”. Tôi nghe rõ tiếng kêu đau đớn của má và tiếng trả lời: “Tau không biết! Tau già rồi, đi đâu mà biết Việt cộng là ai”. Nó đánh má ngất đi. Tôi căm thù đến sôi máu và thương má, nhưng phải nén chịu dưới hầm, không có cách nào lên cứu má.
Bọn chúng càn quét trong làng, đốt nhà, xăm hầm, bắt phụ nữ về đồn. Tôi vẫn dõi theo qua lỗ thông hơi những hành động của chúng. Khoảng 10 giờ, tên lính ngụy thu súng, tên người Mỹ chỉ tay rút quân. Tôi vẫn ở dưới hầm chờ tín hiệu của má. Chờ mãi 20 phút sau vẫn không có tín hiệu, tôi cẩn thận mở nắp hầm, bò ra phía con mương, mang theo khẩu AK đã lên đạn. Mới bò được một đoạn thì nhìn thấy má. Tôi khẽ gọi má, má quay lại, vẫy tay ra hiệu cho tôi quay về hầm vì địch còn ở gần. Tôi vội vàng vào hầm, chờ đến 20 phút sau mới thấy má gọi...
Rời khỏi hầm, tôi vẫn cảnh giác cầm khẩu AK vừa đi vừa quan sát trong nhà, lát sau thấy má mặt đầy máu tựa vào cột nhà. Tôi vội chạy tới nâng má dậy, đi lấy khăn lau cho má. Đợi má hồi sức, tôi hỏi má về hai người đồng đội của mình. Má bảo: Cái thằng quê miền Bắc chạy về phía đơn vị chiến đấu. Còn thằng Nhu nhỏ con vào nhà đắp mền giả vờ ngủ. Địch kéo nó ra sân đánh đau lắm. Vì thằng Nhu người miền Nam nên bị bắt về đồn rồi. Tao xin nó không cho...
Rồi má bảo: “Hôm nay tao không nhanh trí thì mày chết hay bị nó bắt đi rồi. Khi mày xuống hầm thì súng nổ. Tao dắt con bò ra cột vào bụi tre để nó ăn lá và chắn lối vào hầm. Tao còn tháo cái cầu tre cho nó trôi đi theo mương nước. Thế nhưng tao vẫn thấy bọn địch ngồi lên trên hầm, tao lo quá”!
Tôi quỳ xuống ôm chặt lấy má, nước mắt tự nhiên chảy từng giọt trên vai má. Tôi cảm ơn má đã cứu mình, má là người mẹ sinh ra tôi lần thứ hai. Nhìn lại trong nhà đã thấy các đồng chí chỉ huy Đại đội tập trung đông đủ, sau khi nghe tôi báo cáo tình hình thì quyết định chuyển quân qua làng khác vì lo ngại địch sẽ quay lại càn quét.
|
|
Tác giả và má Thống bên cây dừa trồng nơi căn hầm bí mật năm xưa (ảnh chụp năm 1994). Ảnh do tác giả cung cấp |
Thế rồi tôi mải đi chiến đấu liên tục, không có dịp nào về thăm má.
Sau ngày 30-4-1975, tôi đi học và chuyển ra miền Bắc công tác. Mãi đến năm 1994, tôi nghỉ phép, dành hẳn một tuần vào Đức Phổ tìm thăm má Thống. Tôi quay trở lại ngôi nhà xưa. Ngôi nhà bấy giờ đã được dựng lại chắc chắn hơn, nhưng má già quá rồi. Tôi chào và ôm chầm lấy má. Má hỏi: “Con là thằng Tiêu à?”. Tôi cảm động: “Vâng, con là Tiêu đây, má cứu con ở hầm bí mật ngày xưa đây!”. Má thốt lên “Trời ơi, má tưởng con hy sinh rồi chứ, má mong mày hoài mà chẳng có tin”.
Tôi ân hận vì đã để má chờ trông. Rồi má chỉ tay về phía vị trí căn hầm bí mật năm xưa, có cây dừa to cao với chữ “Tiêu” được khắc trên thân. Tôi cảm động, bao nhiêu năm má vẫn nhớ. Tôi mời má đi Đà Nẵng chơi, má bảo già rồi, không đi nữa, ở nhà thôi. Tôi tạm xa má, nhưng vẫn tiếc không mời được má đi để tỏ lòng biết ơn.
Cả cuộc đời tôi vô cùng biết ơn má, cũng là kỷ niệm sâu sắc nhất trong đời quân ngũ của tôi.
VŨ KHÁNH TIÊU