Đi tìm mộ cha

Mỗi lần về thôn Đông, thắp hương lên bàn thờ gia tiên, ông Bùi Văn Tín, 85 tuổi, nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Công an TP Hà Nội, đều rưng rưng. Trong làn khói hương thoang thoảng, ông Tín đứng lặng hồi lâu trước án thờ ông bà nội cùng cha-liệt sĩ Bùi Văn Gia và những người thân trong dòng họ. Bao ký ức cứ thế ùa về trong ông...

Cậu bé Bùi Văn Tín sinh tháng 3-1939, nhưng từ tháng 1 năm ấy, ông Bùi Văn Gia đã đi phu ở đồn điền cao su mãi tận Tây Ninh. Có lẽ khi ấy, cụ Phạm Thị Rượm không thể nghĩ người con trai út trong 5 người con của mình lại trở thành chiến sĩ cách mạng ở cái nơi mà cụ mới chỉ nghe đến tên vài lần trong đời. Cũng mãi sau này, Bùi Văn Tín mới biết cha đã gửi thư về nhà đặt tên cho mình, còn lại hai cha con chưa từng có thông tin về nhau. Sau ngày đất nước thống nhất, qua họ hàng, ông mới được biết cha mình đã hy sinh năm 1966, tại Tây Ninh.

Năm 1976, sắp xếp công việc ổn thỏa, niềm đau đáu tìm thông tin của cha thôi thúc ông Bùi Văn Tín vào Tây Ninh. Sau nhiều ngày tháng lần theo thông tin của các cơ quan chức năng cũng như tìm gặp được đồng đội của cha ở huyện Tân Biên, ông được biết cha mình đã tham gia cách mạng và có thời gian là cán bộ của Trung đoàn 311 (tiền thân của Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh ngày nay). đồng đội của cha như ông Bảy Báo (nguyên Bí thư Huyện ủy Tân Biên) và các ông Năm Phấn, Hai Hải, Bảy Phăng, Sáu Sáng... cùng hoạt động với ông Bùi Văn Gia đã kể cho Bùi Văn Tín nghe về cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi của cha mình.

leftcenterrightdel

Ông Bùi Văn Tín trên con đường mang tên Bà mẹ Việt Nam anh hùng Vũ Thị Sen tại TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang. Ảnh do gia đình cung cấp

Trong những ngày làm phu cao su, chứng kiến sự đánh đập, đối xử tàn nhẫn của bọn phu cai, ông Bùi Văn Gia được giác ngộ cách mạng. Là một người thông minh, được học hành đầy đủ (ở quê, ông đã tốt nghiệp trường Pháp, làm nghề dạy học, được gọi là khóa Gia), với tính cách hiền lành, vui vẻ, ông được đồng đội cũng như người dân quanh vùng yêu quý. Năng nổ hoạt động, ông được giao súng ngắn phòng thân và thường về các thôn, xã vận động nhân dân đóng góp vật chất ủng hộ cách mạng.  

Ông Bảy Phăng cho Bùi Văn Tín biết thêm, trên đường cùng nhau vào Trại Bí (Tân Phong, Tân Biên) để vận động nhân dân ủng hộ cách mạng, hai ông bị địch phục kích. Ông Gia đã hy sinh bởi một viên đạn bắn lén của kẻ thù, còn ông Bảy Phăng bị thương, sau đó bị địch bắt, đày ra nhà tù ở Côn Đảo. Từ những thông tin của ông Bảy Phăng, ông Tín đã tìm đến nơi cha mình hy sinh và được người dân trong vùng đưa đến đúng nơi ông Bùi Văn Gia được chôn cất. Năm 1979, ông Tín và gia đình đã đưa được hài cốt ông Bùi Văn Gia về an táng tại xã Tân Hưng, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh (nơi gia đình người vợ thứ hai của ông Gia ở). Nhờ sự chứng thực của đồng đội, năm 1980, ông Bùi Văn Gia được công nhận là liệt sĩ.

Những người con kiên trung

Chuyến đi tìm hài cốt của cha cũng để lại cho ông Bùi Văn Tín nhiều thông tin về các thành viên trong dòng họ. Những năm 1941-1942, chính quyền thực dân Pháp chiêu mộ hàng trăm hộ nông dân ở các tỉnh Thái Bình, Nam Định vào quận Châu Thành, tỉnh Rạch Giá (nay là huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang) lập làng, mở ấp. Theo làn sóng di dân ấy, năm 1942, gia đình người bác Bùi Văn Tiết (người con thứ hai của cụ Rượm) cùng vợ là Vũ Thị Sen và 3 người con vào Châu Thành sinh sống. Tại đây, vợ chồng ông Tiết sinh thêm 4 người con nữa. Cũng từ đây, vợ chồng ông Tiết và các con: Bùi Tấn Linh, Bùi Thị Ngấn, Bùi Xuân Đào... đều tham gia cách mạng. Ông Bùi Văn Tiết từng là Huyện ủy viên huyện Châu Thành A (nay là huyện Hòn Đất) những năm chống Mỹ, cứu nước.

Khi tìm tư liệu cho bài viết này, chúng tôi đã liên hệ với anh Bùi Thái Bằng (ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Vĩnh Thanh, TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang), cháu nội bà Sen và biết thêm nhiều thông tin quý. Khi ông Bùi Văn Gia biết gia đình anh trai ở Kiên Giang, ông đã dò tìm qua nhiều kênh thông tin. Năm 1960, họ biết được thông tin của nhau qua đài phát thanh. Bà Vũ Thị Sen đã từ Kiên Giang đi Tây Ninh thăm em chồng. Lúc ấy, với bí danh Tư Quán, ông Bùi Văn Gia dựng một quán phở ở Trại Bí làm cơ sở hoạt động cách mạng.

leftcenterrightdel
Ông Bùi Văn Tín kể chuyện về gia đình. Ảnh: THỦY TIÊN 

Bà Vũ Thị Sen không chỉ là cán bộ của địa phương mà còn tích cực nuôi giấu, che chở cán bộ cách mạng. Nhưng những việc làm ấy không che mắt được quân địch. Tháng 1-1968, đánh hơi thấy có một cán bộ huyện về nghỉ lại đây, địch đã gài mìn trong nhà nhằm thủ tiêu. Khi bà Sen cùng một người hàng xóm trở về nhà đã dính phải mìn của địch nên bà hy sinh, người hàng xóm may mắn chỉ bị thương. Ông Bùi Văn Tiết, chồng bà hy sinh sau đó không lâu, vào tháng 6-1968, khi máy bay Mỹ đánh sập hang nơi ông và đồng đội đang họp. 3 người con của bà Sen sau đó cũng lần lượt hy sinh, anh Bùi Xuân Đào hy sinh năm 1967, anh Bùi Tấn Linh và chị Bùi Thị Ngấn hy sinh năm 1969. Bà Vũ Thị Sen đã được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng năm 1994. Tên bà hiện được đặt cho một con đường tại TP Rạch Giá.

Kể về gia đình, anh Bằng cho biết: “Bố tôi - Bùi Tấn Linh là con trai cả của ông bà nội Bùi Văn Tiết - Vũ Thị Sen. Ông lập gia đình với mẹ tôi là Đỗ Thị Đát, người xã Thái Học (nay là xã Tân Học), cũng theo gia đình di dân vào đây. Bố tôi tham gia cách mạng và là cán bộ ở địa phương. Ông hy sinh năm 1969 tại rừng U Minh khi địch đi càn. Tiếp nối truyền thống gia đình, anh trai tôi là Bùi Thái Lệ cũng nhập ngũ và hy sinh năm 1972. Nén mọi đau thương, mẹ tôi đã vững vàng chèo lái gia đình, nuôi dưỡng anh em tôi trưởng thành. Bà được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng năm 2014”.

Ông Bùi Văn Tín cho biết thêm, cụ Phạm Thị Rượm còn có 1 người con trai là lão thành cách mạng, 2 người cháu ngoại là liệt sĩ trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Năm 2015, cụ Phạm Thị Rượm được truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

HOÀI SƠN THỦY