Cựu chiến binh Nguyễn Văn Chế sinh năm 1944, tại huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Yên (nay là tỉnh Vĩnh Phúc), trong gia đình giàu truyền thống cách mạng.

Năm 1964, tạm gác bút nghiên, Nguyễn Văn Chế tham gia thanh niên xung phong. Tháng 9-1964, Nguyễn Văn Chế chính thức là đội viên Đội Thanh niên xung phong 59. “Chúng tôi lên đường nhận nhiệm vụ xây dựng tuyến đường bộ nối dài từ Yên Bái đến Lào Cai, thuộc một phần Quốc lộ 70. Những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi chúng tôi làm việc bất chấp nắng mưa, động viên nhau sớm hoàn thành nhiệm vụ để con đường nối các tỉnh vùng Tây Bắc nhanh chóng hoạt động, bảo đảm giao thông”, ông Chế chia sẻ.

Vốn là người khỏe mạnh, nhanh nhẹn, lại có kiến thức về cầu đường, tháng 12-1967, ông Chế được đơn vị cử đi học ở Trường Đào tạo lái xe. Sau khi hoàn thành chương trình học, ông ở lại trường giảng dạy và nhận nhiệm vụ lái xe phục vụ chiến trường. Những chuyến xe cùng ông vào Nam, ra Bắc vận chuyển lương thực, thực phẩm, hàng hóa tiếp tế, đưa cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường, đón thương binh, liệt sĩ về hậu phương...

Ông xúc động kể: “Cuối tháng 12-1968, đơn vị tôi sơ tán về khu hồ Đại Lải, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phú (nay là TP Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc). Buổi sáng cuối năm se lạnh, gió rít, khoảng 5 giờ, tôi cùng đồng chí Khước (người tỉnh Hà Bắc trước đây) đi lấy đồ ăn sáng về Đại đội. Vừa ra khỏi cổng đơn vị khoảng 100m, Khước đi trước, tôi đi sau, chỉ cách nhau vài bước chân. Bỗng tôi nghe tiếng máy bay trên đầu, sau đó là loạt bom bi thả ngay xuống trước mặt chúng tôi.

Bị bất ngờ, tôi chỉ kịp hô lên: “Khước nấp đi!” thì đã thấy cậu ấy ngã khuỵu xuống, máu chảy thấm tấm áo do bị mảnh bom bắn vào ngực trái. Tôi nhanh chóng xốc Khước lên vai, chạy vào trong cầm máu rồi quay về Đại đội báo cáo. Ra đến cửa, gặp một chiến sĩ bị thương, tôi lại cõng lên vai đưa vào phòng quân y và cùng đồng đội chuyển hai đồng chí tới Viện Quân y 105. Nhưng do vết thương mất máu quá nhiều, đồng chí Khước đã hy sinh. Hình ảnh vui tươi của Khước trước khi hy sinh vẫn hiện rõ trong trí nhớ tôi về một người đồng đội nhanh nhẹn, gan dạ và rất tình cảm”.

leftcenterrightdel
Cựu chiến binh Nguyễn Văn Chế kể chuyện với thế hệ trẻ tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam, tháng 11-2024. Ảnh: NINH NHI 

Ông Chế chia sẻ, những con người “sống bám đường, chết kiên cường, dũng cảm” đã nhiều lần trải qua ranh giới giữa sự sống và cái chết.

Vẫn nhớ như in kỷ niệm về lần thoát chết của mình, ông Chế kể: “Ngày 18-12-1972, từ vị trí đóng quân của đơn vị ở Sơn Tây, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội), tôi được đơn vị giao nhiệm vụ lái xe lên nhận hàng hóa ở xã Tam Quan, huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phú (nay là xã Tam Quan, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc). Sau khi hàng hóa được chất lên xe, tôi chuẩn bị quay về đơn vị thì nhận được tin máy bay địch đang oanh tạc Thủ đô. Tôi nhanh chóng chuyển hướng đi xuống phà Chèm sang cầu Long Biên. Khi tới bến Chương Dương (nay thuộc Thường Tín, Hà Nội), tôi bỗng thấy máy bay địch bay lượn trên bầu trời, xung quanh là bãi cát trống.

Thấy có điều chẳng lành, tôi ngụy trang xe rồi chui ra phía sau, ẩn nấp dưới bánh xe dự phòng. Chỉ khoảng 5 phút sau, địch bắt đầu ném bom bến Chương Dương. Sau tiếng nổ lớn, tôi mở mắt ra mới biết mình vẫn còn sống, cách đấy không xa là những mảnh bom vẫn còn nằm ngổn ngang trên bãi cát. Đợi một giờ đồng hồ sau không thấy động tĩnh của địch, tôi tiếp tục cho xe lăn bánh. Về tới đơn vị mới biết mọi người đang đi tìm bởi lo tôi gặp điều chẳng lành khi thấy bom đạn của địch rải khắp nơi”.

Với những năm tháng cống hiến trong quân ngũ, ông Nguyễn Văn Chế vinh dự được tặng Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Nhất, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Ba. Năm 1985, ông Nguyễn Văn Chế về nghỉ hưu. Dù tuổi cao song ông luôn phát huy truyền thống cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ. Hiện nay, ông là Phó chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong tỉnh Vĩnh Phúc.

PHƯƠNG NINH