Với vị trí trọng yếu cùng địa hình phức tạp, đoạn đường này được giao cho hai đơn vị mạnh của Đội 63 thuộc Tổng đội Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước tỉnh Nghệ An chốt giữ bảo đảm giao thông. Phía Nam Truông Dong và đoạn Đường 15A thuộc xã Giang Sơn, huyện Đô Lương được giao cho Đại đội 307, phần đường còn lại đi qua truông và phía Bắc do Đại đội 328 đảm nhận.
Tôi là giáo viên chuyên trách thuộc đoàn của Ty Giáo dục tỉnh Nghệ An tham gia lực lượng Thanh niên xung phong, được biên chế vào Đại đội 328 của Đội 63. Đại đội tôi quân số gần 180 người, hơn 70% là nữ, chủ yếu quê ở huyện Anh Sơn, sau có thêm một số người của các huyện: Yên Thành, Diễn Châu và Thanh Chương được điều từ Truông Bồn bổ sung cho Đại đội. Do cách xa nhà dân nên chúng tôi phải làm lán trại ở ngay trong rừng rậm của truông, phía Nam khe Cấy và nằm khuất hoàn toàn dưới tán cây. Ở đây, ban ngày, máy bay địch bay lượn kiểm soát gắt gao, ném bom bắn phá thường xuyên nên mọi hoạt động giao thông đều diễn ra vào ban đêm. Hơn nữa, đã nhiều tháng không mưa, với khối lượng xe cộ qua lại lớn, tuyến đường không còn giữ được bề mặt mà lượng đất bột đã phủ dày khắp từ đầu đến cuối...
    |
 |
Vợ chồng tác giả Nguyễn Tâm Cẩn và bà Cẩm Lê đều là các cựu thanh niên xung phong. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Tôi được cấp trên điều động bổ sung cho Đại đội 328. Để bảo đảm mạch máu giao thông, Đại đội 328 chúng tôi chia làm hai ca: Ca đầu làm từ 18 giờ đến 24 giờ và ca 2 làm từ nửa đêm đến 6 giờ. Điều vất vả chung là cứ mỗi lần ra hiện trường về, từ cán bộ cho đến chiến sĩ lại lo giặt giũ quần áo để kịp khô mà thay đổi cho những ngày sau.
Khoảng 14 giờ 30 phút ngày 27-5-1968, các tiểu đội đang triển khai công việc thì 3 chiếc máy bay phản lực F-105 từ phía Đông bay đến. Mấy quả rốc két bắn vào khu vực Tiểu đội 1. Đất đá bắn tung lên, trạm gác bốc cháy... Theo lệnh của đồng chí Đại đội trưởng Nguyễn Bá Giáp, mọi người theo đường hào rút xuống lòng khe Cấy. Một tốp 3 chiếc nữa xuất hiện, chúng bay lượn nhiều vòng, rồi mấy loạt bom nổ phía ngoài đường rẽ vào khu vực đơn vị, tiếp đến, có mấy quả rốc két bắn vào khu vực Tiểu đội 4. Toàn đơn vị đã rút xuống khe và di chuyển vào phía trong. Đoàn chúng tôi đi sau cùng có khoảng 30 người, chủ yếu là nữ. Mọi người cúi sát, chật vật theo lòng khe tiến bước thì bất ngờ một loạt bom của địch nổ bên cạnh... Thật không may, cách tôi vài người, đồng chí Nguyễn Thị Thỏa bị một mảnh bom phạt mất một phần lưng, mấy người khác bị thương ở chân, tay, đầu... Chúng tôi nhanh chóng dìu các đồng chí bị thương vào phía trong.
Sau khi oanh tạc khu vực đóng quân của đơn vị, dường như không phát hiện được gì quan trọng, lại bị pháo của bộ đội ta bắn trả ác liệt, máy bay địch phải tháo chạy. Tin đồng chí Thỏa hy sinh nhanh chóng lan ra, ai cũng buồn, không khí đau thương bao trùm cả đơn vị. Chị Nguyễn Thị Thỏa là người con gái xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn, sinh ra trong một gia đình neo đơn, cha mất sớm, phải nghỉ học từ cuối cấp 1. Chị hiền lành, chất phác, có mái tóc dài, nước da trắng, được mọi người yêu mến. Chị vĩnh biệt chúng tôi khi tuổi đời vừa mới hai mươi!
Chúng tôi chôn cất chị Thỏa và không quên đặt lên mộ chị những bó hoa rừng. Đồng chí Nguyễn Văn Trí, Đội phó Đội 63 ra viếng mộ chị Thỏa, sau khi thắp hương xong, anh đã dán lên tấm bia gỗ mà đồng chí Hoành cùng anh em khắc vội hai dòng họ tên và thời gian mất tờ giấy đã viết sẵn dòng chữ: “Sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”. Chúng tôi xúc động nhìn theo khói hương bay...
NGUYỄN TÂM CẨN (Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam)