Chúng tôi đến nhà riêng của Anh hùng Uông Xuân Lý ở khu phố 2, phường Trần Phú, TP Hà Tĩnh. Căn nhà nằm trong khu phố yên tĩnh, có nhiều cây xanh và cũng lặng lẽ như chủ nhân của ngôi nhà. Do đã liên hệ trước nên ông cùng vợ, bà Nguyễn Thị Lục đã chờ đón chúng tôi.
Bên chiếc bàn nước đơn sơ, Anh hùng Uông Xuân Lý mở đầu câu chuyện: “Tuổi trẻ của tôi có ý nghĩa nhất là những ngày sôi nổi trong lực lượng thanh niên xung phong (TNXP). Ngày ấy, giữa sự sống và cái chết dường như không có ranh giới, nhưng chúng tôi không nề hà. Ai cũng muốn được cống hiến, đóng góp sức mình cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà. Tôi cũng vậy, bất kỳ công việc gì, dù khó khăn, gian khổ đến đâu, thậm chí vào phá bom biết là có thể hy sinh nhưng tôi không nhụt ý chí. Cũng nhờ những năm tháng tham gia lực lượng TNXP, tôi mới gặp được o Lục, vợ tôi bây giờ. O Lục là y tá của Đội TNXP 53 tỉnh Hà Tĩnh, người đã quan tâm chăm sóc tôi những ngày tôi bị thương phải điều trị ở bệnh xá...”.
Đồng chí Uông Xuân Lý sinh năm 1940, ở xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 1960, ông trúng tuyển vào Trường Cơ giới Hòa Bình thuộc Bộ Giao thông vận tải, đào tạo ngành lái máy công trình. Trước khi tốt nghiệp năm 1962, ông được đi thực tập thi công Đường 6 đoạn từ Điện Biên lên Tây Trang. Sau khi ra trường, ông được điều động tham gia xây dựng Thủy điện Thác Bà. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, không quân Mỹ điên cuồng đánh phá giao thông các tỉnh miền Trung, nhất là khu vực đầu tuyến đường Trường Sơn.
Tháng 2-1966, ông xung phong tham gia Đội TNXP chống Mỹ, cứu nước của Bộ Giao thông vận tải. Sau đó ông được tăng cường cho Đội TNXP N39 và phụ trách Tổ thi công cơ giới. Đội của ông tham gia mở đường từ cây số 0 đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An). Những năm công tác trong Đội TNXP N39, ông luôn nỗ lực phấn đấu, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được kết nạp vào Đảng tháng 4-1967.
|
|
Anh hùng Uông Xuân Lý (giữa) kể chuyện với cán bộ trẻ. Ảnh: HỒNG HƯƠNG |
Trước yêu cầu bảo đảm giao thông trên Đường 15, một trong những con đường huyết mạch chi viện cho chiến trường miền Nam, tháng 5-1967, Tổ thi công cơ giới của ông được trên điều động tăng cường cho Ty Giao thông vận tải Hà Tĩnh. Bắt đầu từ đây, ông gắn bó với những địa danh, những trọng điểm mà không quân Mỹ đánh phá ác liệt, như: Ngã ba Đồng Lộc, phà Linh Cảm, Khe Giao... Sau Tết Mậu Thân 1968, đế quốc Mỹ điên cuồng đánh phá tuyến đường Trường Sơn và các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, đặc biệt là Ngã ba Đồng Lộc.
“Từ tháng 3-1968 đến tháng 10-1968, Tổ cơ giới do tôi phụ trách có 2 bộ phận. Bộ phận máy húc có 8 người và máy gạt có 10 người. Ban ngày địch đánh phá ác liệt, chúng tôi giấu máy. Ban đêm chúng tôi đưa máy ra sửa đường, san gạt, lấp hố bom, thông đường cho các xe chở hàng vào miền Nam. Chúng tôi phối hợp nhịp nhàng với các đội TNXP làm nhiệm vụ bảo đảm giao thông. Ngày 13-6-1968, phát hiện đoàn xe chở hàng của ta di chuyển vào miền Nam, không quân Mỹ điên cuồng trút bom đánh phá khu vực Ngã ba Đồng Lộc. Chúng sử dụng các loại bom phá, bom bi, bom nổ chậm, bom từ trường. Ban ngày, các lực lượng đếm bom, công binh đã đánh dấu, phá được nhiều quả bom, nhưng chưa thể phá hết. Theo lực lượng cảnh giới trên tuyến đường báo về, khu vực cầu Tối còn hai quả bom chưa nổ nằm ở giữa đường. Lệnh của trên là phải khẩn trương, bằng mọi cách để phá bom, thông đường cho xe qua trong đêm.
Đồng chí Trần Quang Đạt, Phó chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Hà Tĩnh giao nhiệm vụ cho Tổ máy cơ giới khắc phục hai quả bom này. Chúng tôi chưa biết đó là bom gì. Một cuộc họp bàn, thống nhất cách khắc phục bom là lái máy đến gần quả bom, chà đi rà lại, nếu là bom từ trường sẽ nổ; nếu không phải bom từ trường thì là bom nổ chậm, phải “xúc” cả hai quả bom ra xa đường 30-50m. Nhiều người xung phong lái máy vào khắc phục bom. Là tổ trưởng, tôi quyết định mình sẽ làm việc đó, vì tôi có nhiều kinh nghiệm, lại chưa cưới vợ, anh em trong tổ hầu hết là có vợ con rồi. Trước khi tôi lên buồng lái, anh em đứng thành hai hàng như làm lễ truy điệu. Tôi bước lên buồng lái với tinh thần điềm tĩnh rồi nổ máy tiến vào khu vực có hai quả bom, đến gần rồi lùi lại, rồi tiến gần hơn. Bom không nổ, tôi chắc chắn đó là bom nổ chậm. Tôi quyết định dùng máy đào, di chuyển hai quả bom ra đến vị trí an toàn trước sự phấn khởi của đồng đội...”, Anh hùng Uông Xuân Lý kể.
Sau lần khắc phục bom nổ chậm đó, ông còn nhiều lần xử lý các tình huống bom nổ chậm nữa và bị thương hai lần, tỷ lệ thương tật 56%. Sau khi bị thương, ông được đưa vào bệnh xá của Tổng đội TNXP và ông đã quen, nên duyên với nữ y tá Đội TNXP 53 tỉnh Hà Tĩnh...
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ ở Ngã ba Đồng Lộc, tháng 9-1970, Uông Xuân Lý được điều về làm cán bộ Phòng Quản lý máy Công ty Cơ giới giao thông Hà Tĩnh. Ông được cử đi tiếp nhận máy mới, hiện đại để phục vụ bảo đảm đường giao thông cơ giới. Sau năm 1975, ông đi học văn hóa và ngành quản lý kinh tế. Năm 1981, ông được bổ nhiệm Phó giám đốc Công ty Cơ giới giao thông Hà Tĩnh, đến năm 1992, ông nghỉ hưu do ảnh hưởng của những vết thương. Về địa phương, ông tích cực tham gia các hoạt động xã hội, làm bí thư chi bộ, Phó hội trưởng Hội Người cao tuổi của khu phố... Năm 2010, ông được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân về thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
XUÂN GIANG