Nguyễn Đức Chuyển sinh năm 1951 tại xã Đức Phong, huyện Mộ Đức (Quảng Ngãi). Thời niên thiếu, anh theo học thầy giáo Nguyễn Mai ở cùng làng, một cán bộ cách mạng hoạt động bí mật. Những lần đến thăm, thi thoảng anh lại gặp và có thiện cảm với cô con gái đầu của thầy, ít hơn mình 4 tuổi, một cô bé nhỏ nhắn, xinh xắn, nói năng, chào hỏi lễ phép.
Khi mới 15 tuổi, anh xung phong nhập ngũ với khát khao đánh đuổi quân xâm lược, giải phóng quê hương. Lập nhiều chiến công xuất sắc, anh được kết nạp Đảng khi mới bước sang tuổi 18 và được bổ nhiệm làm Đại đội trưởng khi mới tròn 20 tuổi; 8 lần là Dũng sĩ diệt Mỹ và Dũng sĩ diệt ngụy, được thưởng Huy hiệu Bác Hồ. Năm 1974, sau 3 năm được tổ chức cử ra miền Bắc học tập, anh về căn cứ địa cách mạng của Cơ quan Khu ủy Khu 5 đóng tại Nước Oa (xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam) chuẩn bị nhận công tác. Hay tin Bệnh viện Khu ủy ở cách đó không xa, một buổi chiều, anh xin phép đến chơi, mong gặp đồng hương trò chuyện. Bệnh nhân ở đây thuộc nhiều đơn vị, đón khách rất niềm nở, tận tình. Biết ý định của anh, mọi người giới thiệu ngay: Có cô gái làm ở Xưởng Dược (Ban Dân y Khu 5) đang điều trị sốt rét ở đây, chính hiệu con gái Đức Phong, tuổi vừa đôi chín, rất ưa nhìn. Ngặt nỗi cô ấy vừa đi đâu vắng. Có người còn tiết lộ thêm: “Mục tiêu này không dễ hạ đâu, đã giới thiệu mấy đám mà cứ một mực: Em còn nhỏ, chưa đến tuổi yêu”. Nghe chuyện, anh Chuyển cười tươi, đỡ lời: “Người dân quê tôi chân chất, nghĩ sao nói vậy à”. Mọi người cười vang: “Xem ra đôi này được đấy, chưa gặp mà đã bênh nhau chằm chặp”.
|
|
Anh hùng Nguyễn Đức Chuyển cùng vợ đọc lại những lá thư ông gửi cho vợ trên đường đi công tác. Ảnh: ĐỖ NGỌC
|
Khi anh Chuyển vừa rời đi thì cô gái trở về phòng bệnh. Nãy giờ cô bận phụ giúp bộ phận nhà bếp nấu ăn và thu hoạch rau. Nghe kể có anh bộ đội đồng hương, đẹp trai, đánh giặc giỏi, lại vui tính, hóm hỉnh đến tìm, má cô cứ ửng hồng.
Sau ngày thống nhất đất nước, Nguyễn Đức Chuyển mang quân hàm Thượng úy, công tác tại Phòng Quân báo Quân khu 5, đóng quân tại thành phố Đà Nẵng. Lân la dò hỏi, biết cô gái gặp hụt năm nào giờ đang làm việc ở Công ty Dược phẩm Trung ương 3, chung thành phố với mình, anh tức tốc đạp xe đến, quyết gặp cho bằng được. Hóa ra chẳng phải ai xa lạ, cô chính là con gái thầy giáo Nguyễn Mai đã quen biết ngày trước. Ngày 28 tháng Chạp năm Ất Mão (1975), một đám cưới nhà binh giản dị và vui tươi được tổ chức. Cô dâu bẽn lẽn nép vào vai chú rể khi nghe lời chúc “Vui duyên mới không quên nhiệm vụ”.
Cũng vì lo phấn đấu công tác, thời gian đầu, Kim Anh thường lấy cớ “bận trực”, đến cơ quan ngủ riêng để thư thư chuyện con cái. Rồi người chồng bận đi công tác dài ngày, hơn một năm chung sống, hai người vẫn chưa thấy “tin vui”. Thấy nội, ngoại đều sốt ruột, đôi vợ chồng trẻ liền thay đổi chiến thuật: Tăng cường “đánh giáp lá cà”. Kết quả là, tháng 2-1978, con trai đầu lòng Nguyễn Đức Cường chào đời. Ngày sinh con, chồng bận công tác không về, chị tủi thân nghĩ thầm, chắc mình chỉ sinh một đứa. Nào ngờ, khi con sắp biết bò thì anh về nhà cùng một vết thương trên đầu. Hỏi ra mới biết, trong chuyến công tác ở Tây Nguyên, đơn vị anh đã đụng độ ác liệt với tàn quân Khmer Đỏ tại huyện biên giới Đắk Mil (Đắk Nông). Thương chồng đến thắt ruột, chị sốt sắng nấu đủ món ngon chiêu đãi và hôm nào cũng tâm tình với anh đến tận khuya. Rồi chị mang bầu lần hai khi con đầu chưa đầy năm. Anh chị đặt tên con thứ là Nguyễn Đức Min để ghi nhớ trận đánh đã làm anh bị thương.
Chồng bận việc nhà binh cứ đi biền biệt, Kim Anh vừa gánh việc cơ quan vừa chăm hai con nhỏ nhưng cánh thư nào chị cũng bảo, mọi việc ở nhà rất tốt, mong anh chân cứng đá mềm, mạnh khỏe, bình an. Ngày 29-1-1996, được Chủ tịch nước ký quyết định tuyên dương danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, anh xúc động nói với vợ: “Cảm ơn em, cảm ơn hậu phương vững chắc, điểm tựa tinh thần, nguồn động viên to lớn giúp anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Năm 2007, Anh hùng Nguyễn Đức Chuyển nghỉ hưu với quân hàm Đại tá, Phó trưởng phòng Quân báo Quân khu 5. Từ đó đến nay, bà xã Kim Anh luôn ủng hộ và có lúc đồng hành với chồng trong các hoạt động nghĩa tình: Tham gia Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam, Hội Hữu nghị Việt-Lào, Ban liên lạc Quân tình nguyện Việt Nam thành phố Đà Nẵng... Chị bảo, vợ chồng chị luôn giáo dục con cháu thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn, tự hào và sống xứng đáng với sự hy sinh cao cả của các thế hệ đi trước.
ĐỖ THỊ NGỌC DIỆP