Ngay từ lần đầu tiếp xúc, chúng tôi đã rất ấn tượng bởi sự chỉn chu, hiền hậu cùng những hiểu biết sâu sắc về Quân đội của bà Thục Chi. Sau này, thêm nhiều lần được gặp và trò chuyện với bà, chúng tôi hiểu hơn về người phụ nữ đã đồng hành với một trong những vị tướng tài ba của Quân đội ta. Vừa phấn đấu công tác tốt, bà vừa thay chồng nuôi dạy con cái trưởng thành để ông yên tâm với việc quân...
Nên duyên từ sự vun vén của anh trai
Bà Bùi Thục Chi sinh năm 1933, trong một gia đình viên chức nhỏ ở Hà Nội, cha mẹ bà theo đạo Phật và rất ủng hộ cách mạng. Là con út nên Thục Chi lớn lên trong sự yêu thương, chiều chuộng của cha mẹ và các anh chị. Vốn rất ham học nên cô mong muốn học xong đại học, có công việc ổn định trong xã hội mới xây dựng gia đình. Chính vì vậy, khi được anh trai Bùi Nam Hà (sau này là Thiếu tướng, Phó tổng thanh tra Quân đội) giới thiệu người bạn chiến đấu là Nguyễn Hữu An, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, vừa lập công xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, cô đã do dự. Bởi bấy giờ, Thục Chi đang học năm cuối cấp ba (THPT ngày nay). “Thế nhưng chính ông anh trai quý hóa đã “bày mưu” để tôi đến với anh An đấy. Hôm ấy, anh Nam Hà rủ tôi đi xem phim. Thiếu nữ nào thời ấy được đi xem phim mà chả thích vô cùng, nên tôi nhận lời ngay. Đến cửa rạp chiếu phim Đại Nam, anh trai tôi ăn mặc bình thường đứng bên cạnh một người đàn ông trong bộ quân phục rất trang trọng, chính là anh Nguyễn Hữu An. Lúc ấy, tôi rất bối rối, ngồi xem mà chỉ mong phim hết thật nhanh. Trong khi đó, anh An cũng lặng lẽ ngồi bên cạnh, không nói gì”-bà Chi kể.
Sau buổi xem phim hôm đó, được sự nhiệt tình vun vén, động viên của anh trai Thục Chi cùng những người bạn chiến đấu, anh bộ đội Nguyễn Hữu An thường tới nhà cô gái trẻ Bùi Thục Chi chơi. Hai người cũng dần trở nên thân thiết hơn. Hai anh trai là quân nhân, Thục Chi có điều kiện tiếp xúc nhiều với các đồng đội của họ nên cô rất có cảm tình với bộ đội. Khi quen biết Nguyễn Hữu An, nghe anh tâm sự về hoàn cảnh gia đình: Mồ côi mẹ từ sớm, bố đi làm cách mạng biền biệt, anh sống với mẹ kế và bầy em nhỏ; năm 16 tuổi, thoát ly gia đình, tự lập thân từ hai bàn tay trắng, rồi đi theo cách mạng và trưởng thành... Thục Chi càng thấy đồng cảm và dần quý mến anh hơn. Biết Thục Chi còn muốn tiếp tục việc học tập nên Nguyễn Hữu An rất tôn trọng. Tâm sự với chúng tôi, bà Chi kể rằng, ông đã đến với bà bằng sự chân thành, kiên trì, rất giản dị và khiêm nhường. Từ sự xúc động đến cảm phục, bà đã yêu ông lúc nào không hay.
|
|
Vợ chồng đồng chí Nguyễn Hữu An thời trẻ. Ảnh tư liệu |
Sau hai năm tìm hiểu và yêu mến, ngày 28-9-1956, Trung tá, Tham mưu phó Quân khu Tây Bắc Nguyễn Hữu An và cô sinh viên năm nhất Khoa Hóa, Trường Đại học Sư phạm Bùi Thục Chi chính thức nên duyên chồng vợ. “Trong cuộc sống thường ngày, anh An rất chu đáo. Anh nhường tất cả thuận lợi cho tôi, nhất là khi Thu Hương, đứa con gái đầu lòng của chúng tôi ra đời năm 1958. Anh sung sướng vì được làm cha, đến mức chị gái tôi phải thốt lên: “Chú An mê con chú ấy quá!”-nhà giáo Bùi Thục Chi bồi hồi.
“Ngày chiến thắng anh sẽ trở về”
Giữa bộn bề công việc, dù rất thương yêu vợ con nhưng hầu như đồng chí Nguyễn Hữu An không có nhiều thời gian ở bên cạnh họ. Tranh thủ khi được về Hà Nội họp, ông mới ghé thăm nhà một vài ngày, có khi chỉ được vài giờ rồi lại phải về đơn vị ngay. Sau này có thêm hai con trai, một mình nuôi 3 con nhỏ trong khi chồng cứ biền biệt xa vắng, bà Thục Chi không tránh khỏi những lúc tâm trạng buồn tủi. Nhất là khi nhận được lá thư viết trước lúc lên đường vào chiến trường B của chồng-Sư đoàn trưởng Sư đoàn 325, tháng 4-1964 với lời nhắn nhủ: “Chia tay em đã nhiều, tạm biệt em cũng lắm, nhưng lần này anh thấy bịn rịn hơn lúc nào hết... Em hãy cố gắng nuôi con, chờ ngày chiến thắng anh sẽ trở về!”.
Thương và lo cho chồng bước vào cuộc chiến đấu đầy gian nan, thử thách, bà Thục Chi lại lo cho mình-cô giáo dạy cấp ba, một nách 3 con nhỏ sẽ phải bươn chải ra sao. Nhưng rồi gác lại bộn bề lo toan ấy, cô giáo Thục Chi hết lòng ủng hộ, chia sẻ, vượt qua mọi khó khăn để chồng yên tâm ở nơi chiến tuyến.
Bốn năm chiến đấu ở Tây Nguyên với bao nhiêu gian nan vất vả, thiếu thốn cả thức ăn và giấc ngủ, vật lộn với những cơn sốt rét rừng hành hạ, đồng chí Nguyễn Hữu An vẫn tranh thủ viết thư về cho gia đình. Bà Thục Chi bảo, ông vốn sống nội tâm, giàu tình cảm nhưng đôi khi trong cách thể hiện lại vụng về, thiếu tâm lý. Chính ông nhiều lần thú nhận rằng bản thân rất muốn chiều, làm vợ vừa ý nhưng không hiểu sao lại không làm được. “Lính chiến là thế đấy, nên tôi chẳng bao giờ than phiền gì. Nhưng có lẽ, hoàn cảnh đã khiến con người ta thay đổi. Có một lần nhận được thư anh An viết với nội dung rất tình cảm, pha chút lãng mạn cách mạng, tôi không khỏi nao lòng. Hẳn lúc ấy anh đang cô đơn và nhớ nhà da diết lắm. Thương anh vô chừng!”-bà Thục Chi xúc động nói rồi đọc một đoạn trong bức thư đã phai màu mực mà theo phỏng đoán của chúng tôi, hẳn bà đã đọc đi đọc lại nhiều lần lắm. Thư viết: “Anh đang thức để viết thư cho em vào cái giờ thiêng liêng của dân tộc, trong một căn nhà toàn bằng nứa giữa một khu rừng trùng điệp. Cảnh vật ở đây cũng biến đổi theo ngày, tháng như ở ngoài Bắc nên đêm nay mưa xuân đã lất phất. Bầu trời chẳng có trăng sao và cái rét ngọt đến lúc nào không hay nữa. Chỉ có núi rừng là yên lặng, cái yên lặng mà êm ả lạ thường. Xung quanh anh, mấy chú công vụ đã yên giấc và có lẽ đang mơ về nơi cố hương xa xăm nào đó. Chỉ còn một mình anh của em vẫn thức, vẫn hướng về em và các con thân yêu với tất cả niềm thương nhớ dào dạt!”...
|
|
Gia đình Thượng tướng Nguyễn Hữu An, năm 2010. Ảnh chụp lại |
39 năm chồng vợ thì có đến hai phần ba thời gian ông bà ở cách xa nhau. Những lúc vắng chồng, hình ảnh ông với những việc làm, sự quan tâm rất đỗi dung dị lại hiện lên trong tâm trí. Bà Thục Chi trải lòng: “Chúng tôi sống với nhau bằng thư từ là chính. Đồng đội anh nói với tôi rằng, Nguyễn Hữu An thường được cử đến những nơi khó khăn, chiến trường ác liệt và anh luôn sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Thương anh bao nhiêu thì tôi càng ủng hộ anh bấy nhiêu. Tôi sẵn lòng thay anh gánh vác mọi việc. Ngược lại, anh rất hiểu và luôn cảm thông với nỗi vất vả của vợ con. Nhiều lần anh ra đứng trước hiên vào giờ tôi sắp ở trường về. Trông thấy vợ từ xa, anh chạy như bay từ trên gác xuống, đỡ xe đạp và vui vẻ hỏi tôi có mệt không, đã đói chưa... Đi bên anh, tôi thấy ấm lòng và thầm mong anh ở nhà dài ngày hơn một chút. Nhiều khi không dám hỏi anh về họp bao lâu vì sợ rằng sẽ nghe được câu trả lời mà tôi có thể đoán trước sẽ làm mình buồn!”.
Như bao đôi lứa thời ấy, tình yêu của họ dồn nén theo những diễn biến trận mạc. Chiến trường Tây Nguyên, Trị Thiên rồi khi hành quân thần tốc tiến thẳng vào Sài Gòn đánh chiếm Dinh Độc Lập-sào huyệt cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn, đến khi đất nước thống nhất, ông lại cuốn theo công cuộc xây dựng, đổi mới đất nước. Đồng chí Nguyễn Hữu An miệt mài với công việc nhà binh, còn nhà giáo Thục Chi vẫn lặng thầm ở hậu phương thay chồng quán xuyến việc nhà để ông yên tâm công tác. Cho đến khi ông đột ngột về với “thế giới người hiền” đầu năm 1995, lời động viên của ông như vẫn văng vẳng bên tai bà: “Anh biết vắng anh, em thật vất vả, vừa nuôi con vừa phải công tác trọn vẹn. Anh rất thương em nhưng biết làm sao được, vì anh cũng như em, phải hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao!”. Sau này, thay ông, bà đã cùng con cháu hoàn thành những việc dang dở ông để lại trong niềm tự hào của gia đình và đồng đội.
HƯỚNG NAM