Đồng chí Nguyễn Đình Triều, sinh năm 1931, quê ở xã Cát Sơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định; nhập ngũ và tập kết ra Bắc năm 1954, hy sinh năm 1962. Sau nhiều năm vất vả tìm kiếm, mãi gần đây, gia đình mới được tin phần mộ của liệt sĩ đã được quy tập về Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt-Lào ở huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An. Liệt sĩ Nguyễn Đình Triều có con gái là Nguyễn Thị Phước, năm nay 70 tuổi, hiện sinh sống tại xã Cát Sơn.

Bà Phước cho biết: “Ngày cha đi tập kết, tôi còn rất nhỏ nên không thể nhớ mặt. Tôi luôn mơ ước sớm tìm được phần mộ của cha và đưa về quê để tiện bề hương khói, thờ phụng. Khi tìm được mộ cha, gia đình tôi rất mừng nhưng trên bia mộ lại có một số thông tin chưa đúng. May nhờ các cơ quan chức năng hướng dẫn, trợ giúp gia đình tôi chứng thực thông tin, hoàn thiện mọi thủ tục để có thể di dời phần mộ. Tôi bị tật nguyền từ nhỏ, không xây dựng gia đình nên hoàn cảnh rất khó khăn. Dành dụm mãi được vài triệu đồng, tôi chỉ có ý định ra Bắc và xin phép Ban quản lý nghĩa trang cho cất bốc mộ, gói ghém hài cốt cha tôi cho vào ba lô rồi đi xe khách về quê. Không ngờ, khi tôi đặt vấn đề thì được cho biết, Hội Hỗ trợ GĐLS Việt Nam đã cử hai cán bộ chính sách vào Nghệ An giúp gia đình tôi”.

Sáng 13-4-2023, gia đình bà Phước đã hoàn thành công việc và chiều hôm sau, HCLS đã được đưa về quê. Bên cạnh sự góp sức của các cơ quan chức năng, các cán bộ Ban Tổ chức-Chính sách, Hội Hỗ trợ GĐLS Việt Nam, gia đình bà Phước còn có sự đồng hành của các nhà hảo tâm. Anh Đỗ Tuấn Đạt, một hội viên của Hội đã trực tiếp lái xe riêng đưa HCLS Nguyễn Đình Triều về quê. Đoàn du lịch tâm linh Việt Trì-Phú Thọ quyên góp giúp bà Nguyễn Thị Phước 10 triệu đồng làm lộ phí... Hành trình đưa HCLS Nguyễn Đình Triều từ Nghĩa trang Liệt sĩ quốc tế Việt-Lào về xã Cát Sơn không chỉ là quãng đường dài hơn 700km mà còn là hành trình của những trái tim với tấm lòng tri ân người có công với đất nước.

leftcenterrightdel

Trung tướng Hoàng Khánh Hưng, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam (thứ hai, từ phải sang) tham gia tìm mộ liệt sĩ. Ảnh: VĂN MINH

Trường hợp thứ hai, liệt sĩ Nguyễn Văn Chiều, sinh năm 1954, quê ở xã Tân Thịnh (nay là thị trấn Kép), huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang. Năm 1972, khi vừa tròn 18 tuổi, anh lên đường nhập ngũ. Ngày 18-7-1974, anh hy sinh anh dũng. Tuy nhiên, phần bia mộ liệt sĩ chỉ ghi đúng nơi sinh ở tỉnh Bắc Giang và ngày anh hy sinh, còn tên, tuổi và các thông tin khác đều bị sai lệch. Vì thế, nhiều năm qua, gia đình đã tốn không ít công sức và tiền của nhưng không thể tìm được mộ của liệt sĩ. Gia đình đã tìm đến Hội nhờ giúp đỡ. Với sự phối hợp của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Lâm Đồng và Bắc Giang, sau 4 tháng tìm kiếm, xác minh, các thông tin đã được kết nối, đính chính rõ ràng. Liệt sĩ Nguyễn Văn Chiều đã được trả lại đúng tên, tuổi, quê quán và HCLS đã được cất bốc, xác định ADN, đưa về quê hương an táng. Buổi lễ đón HCLS trở về quê tại thị trấn Kép đã được tổ chức rất trang trọng và cảm động. Ngoài gia đình và thân nhân liệt sĩ Nguyễn Văn Chiều còn có đại diện chính quyền, ban, ngành, đoàn thể cùng đông đảo nhân dân địa phương.

Anh Nguyễn Văn Thu (em trai của liệt sĩ Nguyễn Văn Chiều) kể: “Năm 2010, qua giới thiệu của người quen, gia đình tôi đã nhờ nhà ngoại cảm vào Lâm Đồng đào đất đưa về Nghĩa trang Liệt sĩ của xã Tân Thịnh an táng, chi phí cho chuyến đi tìm kiếm này lên tới hơn 70 triệu đồng. Nhưng không ngờ đó không phải là hài cốt hay phần mộ thật của anh tôi. Cho đến cuối năm 2022, nhờ Hội Hỗ trợ GĐLS Việt Nam chắp nối thông tin, điều chỉnh thông tin trên bia mộ và thực chứng giám định ADN, gia đình đã tìm được đúng hài cốt của anh tôi. Ngày 28-4-2023, sau 49 năm, gia đình tôi đã đón được anh về”.

Thượng tá Trần Thị Oanh Lan, chuyên viên Ban Tổ chức-Chính sách, Hội Hỗ trợ GĐLS Việt Nam, chia sẻ: “Hơn 10 năm gắn bó với công tác chính sách, mỗi lần có thân nhân liệt sĩ đến nhờ tìm kiếm, xác định danh tính hay hỗ trợ xác định ADN, nghe những câu chuyện với niềm hy vọng thiết tha mong tìm được người thân, lòng tôi quặn lại. Khi được lãnh đạo Hội cử đi công tác, chúng tôi xác định như bước vào trận đánh, bởi biết rằng do điều kiện khách quan nên việc tìm kiếm hài cốt, xác định danh tính liệt sĩ hiện đang gặp muôn vàn khó khăn. Chúng tôi không sợ vất vả, mà chỉ lo không thực hiện được kỳ vọng, lòng mong đợi của thân nhân liệt sĩ. Với cái tâm, cái tình và trách nhiệm của những người đang thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng, chúng tôi sẵn sàng vượt đường sá xa xôi, địa hình hiểm trở, tìm kiếm mộ chí ở khe suối, rìa suối, sườn đồi, bụi luồng hay thậm chí ở những nơi có thể vẫn còn bom, mìn sót lại. Mỗi khi tìm được một phần mộ, làm xong các thủ tục, đưa HCLS trở về, chúng tôi đều nghẹn ngào xúc động...”.

Bài và ảnh: ĐOÀN VIỆT