Từ những ngày xây dựng lực lượng
Mở đầu câu chuyện với chúng tôi, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Cục trưởng Cục TC-ĐL-CL giới thiệu: Quyết định số 355/QĐ-KT của Tổng cục Kỹ thuật ngày 3-6-2005 công nhận ngày 3-7-1971 là Ngày truyền thống của ngành TC-ĐL-CL Quân đội. Tuy nhiên, công tác TC-ĐL-CL luôn gắn liền với sự ra đời và phát triển của Quân đội ta. Trước đó, để bảo đảm vũ khí, trang bị phục vụ huấn luyện và chiến đấu, Phòng Quân giới (tiền thân của Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng) được thành lập ngày 15-9-1945, sau đó là Cục Quân giới (tháng 3-1946) và các công binh xưởng trong căn cứ kháng chiến, chúng ta đã quan tâm đến công tác đo lường, thử nghiệm chất lượng để chế tạo vũ khí, trang bị kỹ thuật (VKTBKT) cho bộ đội chiến đấu. Cách đây 60 năm, trước sự phát triển lực lượng và vũ khí, khí tài được trang bị ngày càng mới, hiện đại hơn, ngày 7-6-1963, Thường trực Quân ủy Trung ương đã thông qua báo cáo, đề xuất của Cục Nghiên cứu kỹ thuật, Tổng cục Hậu cần (sau này phát triển thành Viện Kỹ thuật Quân sự, nay là Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự, Bộ Tổng Tham mưu) về xây dựng ngành đo lường Quân đội và hệ thống tổ chức quản lý phương tiện đo lường từ BQP đến các đơn vị.
|
|
Cán bộ, nhân viên Trung tâm Kiểm chuẩn-Đo lường cơ động kiểm định, sửa chữa phương tiện đo tại các đơn vị thuộc Quân chủng Phòng không-Không quân, năm 1985. Ảnh do đơn vị cung cấp
|
Khi đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc và sử dụng nhiều loại VKTBKT quân sự mới, tiên tiến trên chiến trường Việt Nam, để chống lại chúng, Quân đội ta đẩy mạnh công tác nghiên cứu phát triển, chế tạo vũ khí và sản xuất quốc phòng, đồng thời khai thác hiệu quả VKTBKT do Liên Xô, Trung Quốc và các nước trong hệ thống xã hội chủ nghĩa viện trợ, các cơ quan đo lường được thành lập ở các quân chủng: Phòng không-Không quân, Hải quân và một số binh chủng kỹ thuật. Nhớ về những ngày này, năm 2003, Đại tá Nguyễn Nầy, khi đó là Cục trưởng Cục TC-ĐL-CL kể: “Ngày 3-7-1971, Thiếu tướng Nguyễn Đôn, Thứ trưởng BQP ký Quyết định số 103/QĐ thành lập Phòng Kiểm tra đo lường thuộc Viện Kỹ thuật Quân sự. Phòng có nhiệm vụ kiểm chuẩn, chuẩn hóa các máy đo điện và vô tuyến điện có cấp chính xác cao trong toàn quân; nghiên cứu đề xuất, xây dựng kế hoạch tổ chức công tác đo lường trong Quân đội. Phòng là một trong những tổ chức tiền thân của Cục TC-ĐL-CL.
Ngay sau đó, được sự giúp đỡ của bạn, cán bộ, nhân viên nỗ lực tham gia xây dựng phòng thí nghiệm kiểm chuẩn máy đo điện, vô tuyến điện; triển khai Công trình 75621 do Liên Xô giúp đỡ. Viện Kỹ thuật Quân sự thành lập tổ máy đo để theo dõi tiến độ, kỹ thuật và tiếp nhận, lắp đặt máy móc, thiết bị, khí tài chuyên ngành đo lường. Tổ biên chế 4 cán bộ, nhân viên gồm: Tôi-Thiếu úy Nguyễn Nầy, kỹ sư Lê Nguyên Sanh, trung cấp kỹ thuật Bùi Minh Tuấn, do Trung úy Trương Huỳnh Tương làm tổ trưởng. Cán bộ, nhân viên của Phòng Kiểm tra đo lường cùng lực lượng của Viện Kỹ thuật Quân sự phối hợp với Cục Kỹ thuật Quân chủng Phòng không-Không quân và chuyên gia của bạn khẩn trương sửa chữa, cải tiến, hiệu chỉnh gần 1.000 phương tiện đo, bộ máy đo... góp phần làm nên Chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” tháng 12-1972”.
Sau ngày miền Nam giải phóng, thực hiện chỉ đạo của BQP, Viện Kỹ thuật Quân sự đã tổ chức các đoàn cán bộ vào tiếp nhận những cơ sở nghiên cứu kỹ thuật quân sự của Mỹ-ngụy, trong đó có việc tiếp quản các cơ sở đo lường của địch để lại. “Năm 1976, cùng với việc tiếp nhận, xây dựng cơ sở đo lường phía Nam, chúng tôi tiếp tục xây dựng, hoàn thành và nghiệm thu Công trình 75621 đưa vào khai thác. Qua thực tiễn hoạt động và yêu cầu bảo đảm ĐL-CL cho VKTBKT, các cơ sở ĐL-CL được nâng cấp, ngày 8-6-1988, Cục Đo lường trực thuộc BQP được thành lập, mở ra chương mới của ngành TC-ĐL-CL Quân đội... Gắn bó và trưởng thành trong ngành TC-ĐL-CL nên tôi hiểu những khó khăn, vất vả nhưng rất tự hào về các chiến công, thành tích trên những chặng đường đã qua”, Đại tá Nguyễn Nầy kể.
... Đến không ngừng phát triển nhiệm vụ
Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng kể câu chuyện thú vị: “Tháng 4-2023, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum có thông báo kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong lĩnh vực TC-ĐL-CL sản phẩm, hàng hóa đối với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên (TNHH MTV) 732 (Binh đoàn 15, BQP). Binh đoàn 15 đã có công văn xin ý kiến chỉ đạo của BQP. Thanh tra BQP có công văn đề nghị Cục TC-ĐL-CL cho ý kiến tham mưu, đề xuất với thủ trưởng BQP. Đây là một trong những nhiệm vụ mới của Cục trong việc chỉ đạo, hướng dẫn báo cáo công tác TC-ĐL-CL sản phẩm, hàng hóa của các đơn vị làm kinh tế trong Quân đội. Ngày 10-5-2023, Cục có công văn gửi Thanh tra BQP để hướng dẫn Công ty TNHH MTV 732 thực hiện báo cáo với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Kon Tum”.
Từ câu chuyện trên, tôi nhớ đến những lần đi cùng các đoàn công tác của Cục TC-ĐL-CL thực hiện nhiệm vụ đánh giá công nhận năng lực cơ sở ĐL-CL trong toàn quân. Đại tá Nguyễn Văn Tách, Cục trưởng Cục TC-ĐL-CL từ năm 2005 đến 2010, từng trao đổi với tôi: “Giai đoạn 1999-2009, cùng với việc kiện toàn tổ chức biên chế, xây dựng các cơ sở ĐL-CL ở cả 3 miền Bắc-Trung-Nam, Cục tập trung đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, đầu tư chiều sâu công nghệ, xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để quản lý, triển khai thống nhất đo lường trong toàn ngành. Cục thực hiện tốt công tác giữ chuẩn, truyền chuẩn, bảo đảm liên kết chuẩn cho các phương tiện đo toàn quân và liên thông với ngành TC-ĐL-CL ngoài Quân đội. Cùng với bảo đảm kỹ thuật, sửa chữa phương tiện đo tại các cơ sở cấp BQP, Cục còn tổ chức các đoàn công tác, tổ, đội kiểm định, sửa chữa cơ động đến các đơn vị toàn quân để huấn luyện, đào tạo, hướng dẫn cán bộ, nhân viên và trực tiếp thực hành kiểm định, sửa chữa. Nhờ đó, chất lượng VKTBKT, sản phẩm quốc phòng ngày càng nâng lên, đáp ứng yêu cầu huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ của Quân đội”.
Năm 2010, Cục TC-ĐL-CL được điều động trở lại trực thuộc BQP và đến năm 2018 trực thuộc Bộ Tổng Tham mưu, nhiệm vụ của Cục ngày càng phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong tình hình mới. Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: “Từ năm 2011 đến nay, Cục TC-ĐL-CL đã chỉ đạo và triển khai xây dựng hệ thống cơ quan, cơ sở ngành thống nhất ở cả 3 cấp với 50 đầu mối cơ quan và 155 cơ sở ĐL-CL hoạt động hiệu quả, có chiều sâu, giúp chỉ huy các đơn vị nắm chắc tình trạng chất lượng VKTBKT, sản phẩm, hàng quốc phòng phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. Công tác quản lý nhà nước về TC-ĐL-CL và đăng kiểm quân sự được triển khai toàn diện, đồng bộ, phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước, đặc thù trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng. Cục tổ chức biên soạn trình Bộ ban hành nhiều văn bản pháp lý quy phạm pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động TC-ĐL-CL và đăng kiểm quân sự... Chỉ tính trong giai đoạn 2019-2023, Cục đã hoàn thiện hồ sơ trình BQP ban hành hơn 200 thông tư ban hành tiêu chuẩn quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng; hơn 500 tài liệu công nghệ và tiêu chuẩn cơ sở. Những văn bản quy phạm pháp luật đã thực sự là công cụ hữu hiệu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về TC-ĐL-CL, đăng kiểm quân sự trong BQP; giúp Cục và ngành TC-ĐL-CL triển khai, hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao...”.
Để thực hiện tốt chức năng tham mưu giúp Quân ủy Trung ương, BQP, Bộ Tổng Tham mưu quản lý nhà nước về công tác TC-ĐL-CL và đăng kiểm trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng; kiểm soát toàn diện chất lượng VKTBKT, sản phẩm, hàng quốc phòng ở các trạng thái; triển khai đồng bộ các mặt công tác kỹ thuật đo lường trong toàn quân, Cục tiếp tục kiện toàn tổ chức, biên chế theo hướng tinh, gọn, mạnh; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhân viên; tăng cường xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm thực hiện thống nhất trong toàn quân; đầu tư, khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị công nghệ; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong lĩnh vực TC-ĐL-CL; xây dựng các cấp ủy, tổ chức đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; xây dựng Cục vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”... Phát huy truyền thống “Trung thực, chính xác, khoa học, tỉ mỉ”, Cục TC-ĐL-CL nỗ lực thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, chỉ đạo ngành quản lý toàn diện chất lượng VKTBKT, sản phẩm, hàng quốc phòng, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ Bộ Tổng Tham mưu và BQP giao”, Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định.
HƯƠNG HỒNG THU