Chiến đấu ở vùng Đất Mũi
Chúng tôi về ấp Cái Giếng, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước (Cà Mau) tìm gặp ông Ba Hiền, một trong những cán bộ làm nhiệm vụ tiếp quản thị xã Cà Mau sau khi giải phóng. Ông Ba Hiền sinh năm 1943, tham gia cách mạng khi mới 16 tuổi. Năm 1962, ông nhập ngũ vào Đại đội địa phương quân Cái Nước. Năm 1963, ông được kết nạp Đảng. Cuộc đời ông gắn liền với binh nghiệp từ đó cho đến khi nghỉ hưu năm 1998.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông Ba Hiền chiến đấu và công tác ở địa bàn huyện Cái Nước (nay là hai huyện Cái Nước và Phú Tân). Từ khi Mỹ-Diệm dựng lên chính quyền tay sai ác ôn, khủng bố cách mạng, Cái Nước là một trong những trọng điểm chúng thi hành nhiều chính sách tàn độc. Chúng xây dựng ở Cái Nước biệt khu Hải Yến-Bình Hưng, Chi khu quân sự Cái Nước có công sự kiên cố, hỏa lực mạnh, từng được coi là “bất khả xâm phạm”. Song, theo ông Ba Hiền, dù địch xây dựng những biệt khu, chi khu quân sự, đồn, bốt dày đặc ở Cái Nước nhưng chúng không trấn áp được phong trào cách mạng ở địa phương. Sau Phong trào Đồng khởi ở miền Nam, quân và dân Cái Nước đã tổ chức nhiều trận đánh đồn, bốt, căn cứ quân sự của địch, lập nên những chiến thắng vang dội, trong đó có chiến thắng Chi khu quân sự Cái Nước ngày 10-9-1963.
Năm 1970, ông Ba Hiền là Chính trị viên Đại đội địa phương quân Cái Nước. Ông cùng Ban chỉ huy Đại đội lãnh đạo, tổ chức nhiều trận kỳ tập đồn giặc. Ông cho biết: “Chủ trương của ta là đánh nhanh, thắng nhanh, thu toàn bộ chiến lợi phẩm và rút về căn cứ. Có những đồn đầu tháng ta đánh xong, giặc quay lại đóng, cuối tháng ta tiếp tục đánh sập. Hai năm 1972-1973, Đại đội địa phương quân Cái Nước phối hợp với các LLVT liên tục tổ chức đánh địch, tiêu diệt các đồn, bốt ở Quảng Phú, Thứ Vải, Cái Bát, Rạch Chèo, Sào Lưới... Sau mỗi trận công đồn thắng lợi, anh em chúng tôi lại được bà con mần heo khoản đãi ăn mừng chiến thắng”.
|
|
Ông Ba Hiền (bên phải) giới thiệu về những phần thưởng trong quá trình công tác của mình. |
Tiếp quản thị xã Cà Mau
Năm 1975, huyện Cái Nước có hai tiểu đoàn địa phương quân. Ông Ba Hiền làm Chính trị viên Tiểu đoàn 1 và ông Sáu Dũng (Dương Văn A) làm Tiểu đoàn trưởng. Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, Tiểu đoàn 1 nhận nhiệm vụ tiến công ở hướng Nam Cà Mau, mục tiêu chính là căn cứ hải quân địch. Tiểu đoàn được bổ sung quân từ lực lượng du kích các xã và khẩn trương làm công tác chuẩn bị chiến đấu, quyết tâm rất cao để giải phóng Cà Mau.
Đêm 30-4-1975, Tiểu đoàn 1 cơ động về phía kinh Rạch Rập sát căn cứ hải quân địch. Chuẩn bị đến giờ G thì Tiểu đoàn nhận được chỉ thị của trên: “Không nổ súng, chuẩn bị tiếp quản mục tiêu được giao”.
Hơn 5 giờ ngày 1-5-1975, ông Ba Hiền được cử vào sở chỉ huy căn cứ hải quân của địch để bàn thảo việc địch đầu hàng, giao nộp vũ khí. Đi cùng ông Ba Hiền là một chiến sĩ để bảo vệ. Gần 6 giờ ngày 1-5, Tiểu đoàn 1 đã tiếp quản toàn bộ căn cứ hải quân và khu vực xung quanh. Ngày 2-5, huyện Cái Nước báo cáo về tỉnh là binh lính đồn Bình Hưng không chịu buông súng đầu hàng. Ông Ba Hiền và Tiểu đoàn 1 địa phương quân Cái Nước được lệnh hành quân theo đường thủy tiến đánh đồn Bình Hưng. Nhưng khi lực lượng của ta đến nơi thì địch đầu hàng. Tiểu đoàn 1 tiếp quản và đóng quân ngay tại đồn Bình Hưng. Sau một tuần, Tiểu đoàn hành quân về Cái Nước, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Những ngày vào tiếp quản thị xã Cà Mau, ông Ba Hiền nhớ như in hình ảnh người dân nô nức đổ ra đường mừng quê hương giải phóng. Cờ đỏ, ảnh Bác Hồ rợp trời, không ai có thể tả hết niềm vui, hạnh phúc của người dân khi đó.
Sau ngày Cà Mau giải phóng, ông Ba Hiền tiếp tục tham gia chiến đấu ở biên giới Tây Nam và được cử đi đào tạo, rồi về công tác tại Bộ CHQS tỉnh Minh Hải (cũ). Năm 1986, ông được bổ nhiệm Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Cái Nước cho đến khi nghỉ hưu năm 1998. Về địa phương, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Hưng gần hai nhiệm kỳ. Ông là một cựu chiến binh gương mẫu, nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, luôn xứng danh Bộ đội Cụ Hồ...
Bài và ảnh: NGỌC THẢO