Trương Định sinh năm 1820 tại xã Tư Cung, phủ Bình Sơn (nay là xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Lúc nhỏ, ông theo học chữ Nho, sau đó từ bỏ đèn sách để chuyển sang học nghề võ và tỏ ra rất am hiểu binh thư đồ trận. Năm 1844, Trương Định theo cha vào Gia Định, sau đó lấy vợ ở Tân An.

Thập niên 1850, ông xuất tiền chiêu mộ “dân ấp, dân lân” lập đồn điền ở Gia Thuận, được triều Nguyễn phong chức Phó quản cơ, sau đó lên Quản cơ, nhân dân trong vùng quen gọi ông là Quản Định. Sau khi Đại đồn Chí Hòa thất thủ (ngày 25-2-1861), quân đội triều đình rút về Biên Hòa, Trương Định không theo họ mà đưa lực lượng của mình về xây dựng căn cứ kháng chiến ở Tân Hòa.

So với các địa phương ở vùng Gia Định, Tân Hòa thuận lợi để xây dựng căn cứ địa, bởi gần Sài Gòn, nghĩa quân có thể tiến công địch hoặc phối hợp chiến đấu với nghĩa quân ở các vùng: Tân An, Gò Công, Mỹ Tho. Tân Hòa lại là nơi đông người, nhiều của, nghĩa quân có thể phát triển được lực lượng và huy động lương thực dễ dàng. Hơn nữa, Tân Hòa còn là nơi giặc Pháp chưa đặt chân tới, có nhiều sông ngòi, thuận tiện cơ động lực lượng và vận chuyển vũ khí. Vì thế, Trương Định tổ chức nghĩa quân và nhân dân khẩn trương xây dựng hệ thống đồn lũy ở Tân Hòa cùng các nhánh sông Rạch Lá, Soài Rạp... nối với Tân Hòa.

leftcenterrightdel

Đền thờ Anh hùng dân tộc Trương Định tại xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: XUÂN GIANG

Ngày 16-12-1861, quân Pháp tiến công thành Biên Hòa. Triều đình cử Nguyễn Túc Trưng đến bàn với Trương Định chiếm lại Biên Hòa. Thế nhưng, khi được Trương Định giao giữ chức Tổng chỉ huy liên quân triều đình và nghĩa quân, Nguyễn Túc Trưng không tìm địch để đánh mà chỉ cố thủ ở Tân Hòa, trái với tư tưởng kháng chiến của Trương Định. Do đó, ông không hợp tác với Nguyễn Túc Trưng nữa và chỉ huy nghĩa quân tiến công địch, giải phóng một vùng rộng lớn từ Gò Công đến Chợ Lớn, được triều đình phong chức Phó lãnh binh tỉnh Gia Định. 

Giữa lúc hoạt động của nghĩa quân Trương Định cũng như phong trào kháng chiến của nhân dân Nam Kỳ đang sôi nổi thì triều đình Huế ký Hiệp ước Nhâm Tuất (ngày 5-6-1862), nhượng 3 tỉnh: Gia Định, Định Tường, Biên Hòa cho Pháp; đồng thời ra lệnh cho Trương Định ngừng bắn, giải tán nghĩa quân và buộc ông nhận chức Lãnh binh tỉnh An Giang. Trương Định không tuân lệnh triều đình, cũng không theo lời dụ dỗ của giặc Pháp. Ngay sau đó, nhân dân và nghĩa quân liền cử Phạm Tuấn Phát chỉ huy nghĩa quân huyện Tân Long, đem thư của các nghĩa hào đến Tân Hòa ngỏ ý suy tôn Trương Định làm chủ soái. Ngay sau đó, “nghĩa quân đắp đàn, làm lễ, đem nhiễu điều choàng lên vai nhà yêu nước, tôn ông làm “Bình Tây Đại nguyên soái” lãnh đạo nghĩa quân và nhân dân tiếp tục chống Pháp (theo “Lịch sử Việt Nam”, tập II, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội, 1985, trang 46). 

Thoát khỏi sự ràng buộc của triều đình, Trương Định truyền hịch hô hào nhân dân, nghĩa sĩ xây dựng Tân Hòa-Gò Công thành trung tâm căn cứ kháng chiến mạnh, trải rộng từ mặt Đông Nam ra tới biển, mặt Tây đến giồng Ông Huê. Xung quanh khu căn cứ, từ động Cây Đa đến đập Ông Canh, nghĩa quân đắp lũy, đào hào. Tại những nơi xung yếu trong khu căn cứ, Trương Định bố trí từng đội nghĩa quân trấn giữ. Bên ngoài có các đội nghĩa quân của Phạm Tấn Phát đóng ở Gò Đen (Tân An), Bùi Duy Hiệu ở Cần Đước, Nguyễn Văn Trung ở Tân Thạnh, bố trí theo thế tam giác, bảo vệ cho đại bản doanh của Trương Định đóng ở Tân Hòa. Ngoài ra còn có nhiều đội nghĩa quân đóng ở các vùng Mỹ Tho, Tân An, Chợ Lớn, Gia Định, Biên Hòa, Bà Rịa cũng sẵn sàng phối hợp chiến đấu theo lệnh của Trương Định.

Dựa vào căn cứ Tân Hòa-Gò Công, cuối năm 1862, Trương Định phát động đợt tiến công địch ở Biên Hòa, Gia Định và Mỹ Tho nhằm tiêu diệt sinh lực địch, thu hẹp phạm vi chiếm đóng của chúng. Ngày 17-12-1862, Trương Định chỉ huy nghĩa quân bất ngờ tiến công đồn Rạch Tra, trên đường Sài Gòn-Tây Ninh, diệt Đồn trưởng Thourude và nhiều binh lính địch. Hôm sau, 18-12, trên sông Vàm Cỏ Đông, nghĩa quân Trương Định vận dụng kinh nghiệm của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực trong trận Nhật Tảo, tiến công 3 pháo hạm Pháp, gây cho chúng thiệt hại nặng. Cùng ngày, khoảng 1.200 nghĩa quân tiến công đồn Thuộc Nhiêu (Mỹ Tho), diệt nhiều địch, làm chủ đoạn đường Cây Mai-Mỹ Tho. Tiếp đó, nghĩa quân do Trương Định chỉ huy phối hợp với đồng bào Kinh và Thượng nổi dậy, làm chủ con đường huyết mạch Sài Gòn-Biên Hòa; tiến đánh huyện lỵ Long Thành (Bà Rịa), diệt địch ở Cần Giuộc, Gò Đen. Ngoài ra, nghĩa quân còn tiến công nhiều đồn địch ở Biên Hòa, Định Tường, Mỹ Tho, gây cho chúng thiệt hại nặng.

Cùng với việc tập kích bất ngờ, Trương Định còn chỉ huy nghĩa quân vận dụng hình thức phục kích để tiêu diệt địch. Đó là các trận phục kích một toán địch trên đường đi Thanh Mỹ (ngày 1-1-1863); phục kích một đội quân Pháp ở Gò Đen (ngày 8-1-1863); phục kích một toán địch hành quân từ Long Khê đi Cần Đước (ngày 11-1-1863), gây cho chúng một số thiệt hại và luôn phải lo đối phó.

Trước tình hình nghĩa quân Trương Định hoạt động ngày càng mạnh mẽ, lan rộng, Đô đốc Bonard phải xin viện binh từ Pháp sang và yêu cầu đưa hạm đội Pháp từ Trung Quốc về Nam Kỳ, đồng thời 800 quân Tây Ban Nha cũng được điều động từ Philippines về tăng cường cho Pháp mở cuộc tiến công lớn vào căn cứ Tân Hòa-Gò Công nhằm tiêu diệt nghĩa quân và lãnh tụ Trương Định, triệt phá khu căn cứ, dập tắt phong trào kháng chiến của nhân dân Nam Kỳ.

Được tin Pháp chuẩn bị mở cuộc tiến công vào khu căn cứ, Trương Định liền truyền lệnh cho các đội nghĩa quân từ Tân Long, Bình Dương, Bình Long đến Biên Hòa... đồng thời tiến công Mai Sơn phía Tây Thuận Kỳ; lại truyền cho các đồn Thái Phúc, Trung Bình, An Long đến đánh để chia sức địch. Như vậy, trước khi địch tiến công vào Tân Hòa, Trương Định đã lệnh cho các đội nghĩa quân bên ngoài đánh vào sau lưng địch nhằm phân tán lực lượng của chúng. Nhưng với quân số đông, vũ khí mạnh, ngày 25-2-1863, giặc Pháp vẫn cố đánh vào Tân Hòa-Gò Công.

Dưới sự chỉ huy của Trương Định, nghĩa quân lập kế dụ địch vào đầm lầy, chiến đấu trong 3 ngày liền, diệt được nhiều tên, đẩy lùi các đợt tiến công của chúng vào khu căn cứ. Khi cuộc chiến đấu tại đây diễn ra quyết liệt, các đội nghĩa quân bên ngoài theo lệnh của Trương Định đã đánh vào một số đồn địch, nhưng chưa đủ sức làm phân tán lực lượng và hạn chế sức tiến công của địch vào Tân Hòa-Gò Công. Nghĩa quân Trương Định chiến đấu trong thế bị cô lập. Trước tình hình đó, Trương Định chủ trương rút nghĩa quân sang vùng khác, củng cố lại lực lượng để khi có thời cơ thuận lợi sẽ trở lại chiến đấu. Theo lệnh của Trương Định, ngày 28-2-1863, một bộ phận nghĩa quân chuyển sang vùng Biên Hòa, Thủ Dầu Một rồi lên Tây Ninh an toàn; đại bộ phận nghĩa quân còn lại cùng Trương Định bí mật chuyển về xây dựng căn cứ tạm thời ở Phước Lộc (Định Tường). Sau một thời gian củng cố và đang chuẩn bị kế hoạch đánh chiếm lại căn cứ Tân Hòa-Gò Công thì giặc Pháp biết được Trương Định cùng 25 nghĩa quân ở

Tân Phước, ven sông Soài Rạp, liền cử tên tay sai Huỳnh Công Tấn (trước đây dưới quyền chỉ huy của Trương Định ra hàng giặc) đem quân vây đánh bất ngờ. Trong cuộc giao chiến quyết liệt đêm 20-8-1864, Trương Định bị thương nặng và đã rút gươm tự sát để không rơi vào tay quân thù (theo sách “Danh nhân quân sự Việt Nam”, tập 3, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2008, trang 47).

Trương Định đã có đóng góp rất to lớn trong phong trào chống Pháp xâm lược ở Nam Kỳ nửa cuối thế kỷ 19, trong đó vai trò nổi bật của ông gắn liền với việc lãnh đạo xây dựng và chỉ huy nghĩa quân chiến đấu bảo vệ căn cứ Tân Hòa-Gò Công. Ghi nhớ, tri ân công lao to lớn của Trương Định, các tỉnh: Tiền Giang, Đồng Nai, Quảng Ngãi đều lập đền thờ ông. Ngày 27-2-2023, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định xếp hạng Di tích quốc gia đối với Đền thờ Trương Định tại xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi. Hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ giỗ để tưởng nhớ anh hùng dân tộc Trương Định ở xã Tịnh Khê vào hai ngày 17 và 19-8 (âm lịch); còn tại thị xã Gò Công tổ chức lễ hội văn hóa anh hùng Trương Định trong hai ngày 19 và 20-8 (âm lịch), với mục đích tưởng nhớ công lao to lớn của “‘Bình Tây Đại nguyên soái” Trương Định đối với dân tộc và đất nước.

Đại tá DƯƠNG ĐÌNH LẬP