Từ ngày 27-4-1975, đơn vị tôi nhận nhiệm vụ đánh vào căn cứ cầu Bình Thủy, Cần Thơ. Trước đó đã có hai trung đoàn của ta nằm ở đây để chuẩn bị các phương án tác chiến. Nhưng rồi, địch đưa máy bay rải thảm, xóa sổ gần như toàn bộ một tiểu đoàn của ta. Những mất mát ấy khiến chúng tôi quyết tâm chuẩn bị trận đánh thật kỹ lưỡng, quyết tâm tiêu diệt địch, trả thù cho đồng đội.

Chúng tôi tiến vào lộ Vòng Cung. Mỗi người được giao 15kg thuốc nổ và một khẩu K2 với 60 viên đạn. Địch phát hiện, đưa xe thiết giáp chặn đánh trên đường. Chúng tôi buộc phải nằm lại bên bờ Bắc cầu để tìm cách đánh. Tình hình lúc đó khá căng thẳng. Địch có xe lội nước, bộ binh có hỏa lực mạnh đi kèm. Dưới sông, các đội tàu tuần tra, canh gác cẩn mật, cứ khoảng 30 phút chúng lại lượn một vòng, chưa kể lực lượng chủ lực của Sư đoàn 7, Sư đoàn 9 của địch cũng bố trí dày đặc. Nhưng không vì thế mà anh em nao núng, lo sợ. Thực tế, lực lượng địch tuy đông nhưng đa số đều là tàn quân từ Tây Nguyên được điều về Vùng 4 chiến thuật. Quân địch đang trong tình trạng hoang mang, tan rã nên sức kháng cự khá yếu ớt.

leftcenterrightdel

Tác giả - cựu chiến binh Nguyễn Văn Bộ. Ảnh: NGỌC MAI 

Đêm 29-4, đơn vị tôi tiến vào lộ Vòng Cung. Chúng tôi chia làm hai mũi, hành quân về ngã ba Bàu, kênh Vàm Xáng và kênh Chà Lo cạn. Mục tiêu của chúng tôi là đánh mở cửa lộ Vòng Cung, tạo cơ hội cho quân ta tiến vào trung tâm thành phố. Theo phân công của trên, có 2 đại đội ở ngã ba Bàu, 2 đại đội ở Chà Lo cạn chiến đấu với Trung đoàn 32, Sư đoàn 7 ngụy. Lúc này, ta và địch chỉ cách nhau khoảng 60-70m. Đến 20 giờ cùng ngày, một trung đoàn địch ngăn chặn, không cho ta tiến vào Vòng Cung.

Chúng tôi giằng co với chúng cả đêm. Đúng 5 giờ sáng 30-4, Tỉnh đội cho phép ta ở các hướng đồng loạt đánh mạnh vào các vị trí của Trung đoàn 32. Đến trưa hôm ấy, khi hay tin Dương Văn Minh đầu hàng, lực lượng của địch ở lộ Vòng Cung hoang mang cao độ. Chúng không còn ý chí chiến đấu và nhanh chóng đầu hàng. Do đa số là lính của Sư đoàn 7 ngụy thất thủ ở Tây Nguyên, chúng về đây vừa củng cố vừa ngăn chặn tuyến lộ Vòng Cung, không cho ta vào, nên ngay từ đầu chúng đã có tâm lý rất lo sợ, rệu rã dẫn đến dễ dàng đầu hàng. Ta giành thắng lợi nhanh chóng, thu được nhiều súng đạn, xe tăng của địch.

Tiếp đến, chúng tôi có 15 ngày giữ vị trí cầu Bình Thủy rồi trở về trung tâm Cần Thơ để tuyên truyền, vận động nhân dân ủng hộ cách mạng và vận động binh lính địch còn lẩn trốn ra đầu hàng. Bà con đều vô cùng phấn khởi vì từ nay đất nước đã thống nhất, cha mẹ, vợ con đều được sum họp.

Đến tháng 9-1975, từ Cần Thơ, chúng tôi trở về vùng Bảy Núi, An Giang để xây dựng vùng kinh tế mới. Chúng tôi đã cùng thau chua, rửa mặn, xây dựng nên kênh Tám Ngàn, giúp bà con vùng Bảy Núi thuận lợi trong canh tác nông nghiệp. Sau đó, tháng 5-1976, chúng tôi lại được lệnh ra đảo Phú Quý, Hòn Khoai làm nhiệm vụ giữ đảo một thời gian ngắn rồi quay về đóng quân trên địa bàn tỉnh An Giang.

Năm 1979, đơn vị tôi lên đường sang Campuchia làm nhiệm vụ quốc tế. Những tháng ngày làm nhiệm vụ quốc tế, tôi bị thương ở bụng, phải điều trị 3 tháng, được xếp hạng thương tật 4/4. Nhận thấy sức khỏe còn tốt, tôi làm đơn xin thủ trưởng đơn vị cho được trở lại đội hình tiếp tục chiến đấu. Chúng tôi đã đi khắp các vùng từ Kampot qua Takeo đến Kampong Chhnang, Koh Kong... để giúp nước bạn bảo vệ thành quả cách mạng. Năm 1981, tôi xuất ngũ, trở về với đồng ruộng, cùng gia đình xây dựng quê hương.

NGUYỄN VĂN BỘ