Chiếc bi đông làm bằng kim loại, hình bầu dục màu cỏ úa, dung tích 1 lít, không có nắp. Chum tương sành có màu vàng chanh, hình bầu dục, chiều cao 50cm, đường kính rộng 30cm. Khi còn sống, đích thân đồng chí Hoàng Khắc Dược đã trao tặng kỷ vật của mình cho Bảo tàng Hậu cần Quân đội.

Đồng chí Hoàng Khắc Dược sinh năm 1917, quê ở huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định. Khi toàn quốc kháng chiến chống thực dân Pháp (tháng 12-1946), là tự vệ thành phố Nam Định, ông đã cùng với bộ đội chiến đấu liên tiếp 13 ngày đêm, nhiều lần xung phong đưa đồng đội bị thương ra nơi an toàn, rồi trở lại tiếp tục chiến đấu. Trong một trận đánh giáp lá cà tháng 1-1947, Hoàng Khắc Dược đã dũng cảm dùng mã tấu chém 3 tên địch, thu 2 chiếc dù và 2 khẩu súng cối cá nhân. Từ tháng 7-1947, Hoàng Khắc Dược nhập ngũ về Trung đoàn 66 và được cử làm nuôi quân. Mặc dù nguyện vọng là được cầm súng chiến đấu trực tiếp với kẻ thù nhưng khi cấp trên giao nhiệm vụ, ông sẵn sàng nhận mà không một lời phàn nàn. Trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, đời sống bộ đội ta rất kham khổ, thiếu thốn, Hoàng Khắc Dược trăn trở và cùng tổ cấp dưỡng tìm mọi cách bảo đảm bữa ăn cho bộ đội. Để tạo thêm nguồn thực phẩm, ông nghĩ cách làm tương nước, chế biến từ hai nguyên liệu chính là đậu tương và bột ngô, khoai, sắn... Chiếc chum mà ông hiến tặng Bảo tàng đã được sử dụng để ủ tương nước trong nhiều năm.

Trong Chiến dịch Trần Hưng Đạo, quân số của tiểu đội nuôi quân ít. Đã vậy, người thì đảm nhiệm việc đưa cơm ra trận địa, người thì đau yếu, chợ lại xa vị trí đóng quân hàng chục cây số, trong khi máy bay địch thường xuyên hoạt động bắn phá. Không ngại khó khăn, hằng ngày, Tiểu đội trưởng Hoàng Khắc Dược quẩy quang gánh vượt đường xa đi mua thực phẩm. Thấy anh em ăn uống đạm bạc, nhất là thiếu rau xanh, ông tranh thủ tìm kiếm các loại rau rừng có giá trị dinh dưỡng đưa thêm vào khẩu phần ăn suốt thời gian hoạt động. Khi đơn vị được lệnh cấp tốc đi tham gia Chiến dịch Tây Bắc, không thể để bộ đội hành quân đường dài vất vả mà ăn uống kém, ảnh hưởng đến sức chiến đấu, mặc dù trên vai gánh nặng hàng chục cân hàng, ông vẫn bám sát đội hình, vừa tận dụng điều kiện kiếm hái rau tươi và mua của dân được 10 con bò về tự chăn nuôi. “Có thời điểm, số anh em đau yếu lên tới 30 người, nếu cứ để đi phân tán thì việc chăm sóc sẽ khó khăn. Ông Dược quyết định xin cấp ủy và chỉ huy đơn vị cho tập trung số anh em ốm yếu lại, rồi xung phong đứng ra đảm nhiệm việc nuôi dưỡng. Để có thêm thức ăn bồi dưỡng, ông đi bắt cua, bắt cá ở suối, kiếm hái rau, củ, quả trong rừng. Anh em khát không đi lại được, ông cho nước vào bi đông cá nhân của mình mang đến tận giường cho họ. Có lần, một đồng chí thương binh ao ước được ăn bát cháo trai.

leftcenterrightdel
Chiếc bi đông và chum tương của đồng chí Hoàng Khắc Dược được lưu giữ tại Bảo tàng Hậu cần Quân đội. Ảnh: TUẤN TÚ 

Ở giữa vùng núi rừng trùng điệp này thì kiếm đâu ra trai! Tuy khó là vậy nhưng sau khi hoàn thành việc nấu ăn phục vụ đơn vị, ông vội tìm đến các bản xa hỏi nhân dân. Được dân chỉ bảo, ông lặn lội mò tìm cho kỳ được trai đem về nấu cháo. Thấy Tiểu đội trưởng Hoàng Khắc Dược bưng bát cháo trai bốc hơi nghi ngút, mùi thơm lan tỏa, đồng chí thương binh nọ vô cùng cảm động, nước mắt rưng rưng, không nói thành lời”, Đại tá Nguyễn Việt Chiến, nguyên Trưởng ban Quân nhu phục vụ Chiến dịch Tây Bắc, sau này là Giám đốc đầu tiên của Bảo tàng Hậu cần Quân đội kể lại.

Cũng theo lời kể của Đại tá Nguyễn Việt Chiến, bước vào đợt chỉnh quân đầu năm 1953, vừa làm cấp dưỡng vừa học tập, Hoàng Khắc Dược cùng tiểu đội nuôi quân vẫn tìm mọi cách bảo đảm cho bộ đội ăn ngon, ăn đủ. “Mùa hè oi bức, nóng nực, bộ đội tranh thủ ngày đêm học tập khẩn trương, nhưng nhờ ăn uống tốt nên không ai bị đau ốm. Mức ăn “đại táo” của bếp Dược, ai đến ăn cũng tưởng là mức “trung táo”, đồng chí Nguyễn Việt Chiến mỉm cười nhớ lại. Tiếng lành đồn xa, các đơn vị bạn cử người đến học tập kinh nghiệm. Cũng từ đây, phong trào thi đua nuôi quân giỏi trong toàn Trung đoàn 66 trở thành một phong trào rộng rãi, đem lại hiệu quả tốt. Cá nhân Hoàng Khắc Dược trong 10 năm làm công tác nuôi quân đã vinh dự được bầu là đại biểu chính thức của 121 hội nghị mừng công các cấp, được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc và danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân (1955).

TRẦN SÂM - NGUYỄN THƠM