Năm 2020, chúng tôi gặp Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Hữu Bào, nguyên Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 968 (Quân khu 4) tại Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh do tỉnh Nghệ An tổ chức. Ông quê ở làng Lương Thiện, xã Hiến Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An và là đại diện cho những người con quê hương phát biểu tại buổi lễ. Mới đây, gặp và trò chuyện với ông tại nhà riêng, kỷ niệm về những năm tháng quân ngũ và chiến đấu khiến ông bồi hồi...

leftcenterrightdel

Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Hữu Bào. Ảnh: VÕ ĐÔNG

Cách đây 55 năm, từ ngày 20-1-1968, ta mở Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh để buộc địch phải phân tán lực lượng tham chiến, tạo điều kiện phối hợp với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy trên toàn miền Nam. Đồng chí Trần Hữu Bào lúc đó là chiến sĩ hỏa lực B40 của Tiểu đội 3, Trung đội 1, Đại đội 5, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66, Sư đoàn 304-đảm nhiệm tác chiến trên địa bàn chủ yếu của chiến dịch ở Hướng Hóa, Quảng Trị. “Do điều kiện thời chiến nên bấy giờ bộ đội phải chịu nhiều kham khổ, thiếu thốn đủ thứ, trong khi các trận chiến đấu diễn ra vô cùng căng thẳng. Động lực giúp chúng tôi vượt qua tất cả, quyết tâm thực hiện nhiệm vụ đến cùng chính là từ lời hiệu triệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nam Bắc thi đua đánh giặc Mỹ/ Tiến lên! Toàn thắng ắt về ta” trong Thư chúc mừng năm mới 1968”, Đại tá Trần Hữu Bào khẳng định.

Cuối năm 1967, mới 17 tuổi, Trần Hữu Bào tình nguyện nhập ngũ trong đợt tuyển quân bổ sung cho Sư đoàn 304 đang chiến đấu ở Quảng Trị. Tuổi còn trẻ và dù mới được huấn luyện kỹ thuật, chiến thuật bộ binh cấp tốc, nhưng ngay từ những ngày đầu quân ngũ, Trần Hữu Bào đã bộc lộ tố chất tốt. Sau nhiều lần vượt qua thử thách và đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cấp trên đã tin tưởng giao cho Trần Hữu Bào phụ trách tổ mũi nhọn của đơn vị chỉ sau chưa đầy 3 tháng ở chiến trường. Tham gia Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh, Tiểu đội của Trần Hữu Bào được giao nhiệm vụ chốt giữ cao điểm 595 (hay còn gọi là đồi 595) với 2 mỏm cao và 1 mỏm thấp. Cao điểm 595 có vị trí quân sự trọng yếu, nằm giữa các điểm cao 832, 689, 500, 506 và án ngữ trục phía Tây Đường số 9, cách căn cứ Tà Cơn của địch gần 2km.

leftcenterrightdel
Đại tá, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Hữu Bào. Ảnh: VÕ ĐÔNG

Tà Cơn là căn cứ quân sự có kết cấu hoàn chỉnh của địch, bao gồm sân bay, sở chỉ huy trung tâm, hệ thống tiếp tế, thông tin liên lạc đầy đủ. Trước đó, cao điểm 595 do địch chiếm đóng nhưng sau đó bị ta vây ép, chúng buộc phải rút chạy về trung tâm cứ điểm Tà Cơn. Ngay khi ta chiếm cao điểm đã nhanh chóng triển khai lực lượng làm nhiệm vụ vây ép Tà Cơn, chặn đường tiếp tế và hạn chế máy bay vận tải của địch xuống sân bay. Khi đơn vị Trần Hữu Bào vào chốt giữ, ngày nào họ cũng phải chiến đấu với những đợt tấn công bằng đủ loại hỏa lực của địch, bao gồm cả máy bay B-52 ném bom rải thảm. “Hơn một tháng trời tại đây, chúng tôi hoàn toàn không được tắm rửa. Đến bữa cơm, anh nuôi mang đồ ăn đặt sẵn dưới chân đồi, cách hầm chúng tôi khoảng 300m theo đường chim bay. Anh em trên cao điểm bò trườn xuống lấy. Nhiều hôm cả Tiểu đội phải nhịn đói vì địch đánh dữ dội quá!”, ông Bào nhớ lại.

Theo lời kể của Đại tá Trần Hữu Bào, do vị trí chiến lược về mặt quân sự của cao điểm 595 nên Mỹ, ngụy điên cuồng tấn công đánh chiếm lại hòng chọc thủng tuyến phòng ngự của ta để thông đường cho chúng tiếp tế tới Tà Cơn. Đại đội 5 và một bộ phận của đơn vị bạn có súng máy phòng không 12,7mm và cối 60mm của trên chi viện phối hợp cùng chiếm giữ 3 mỏm của cao điểm 595. Tiểu đội 3 của ông gồm 5 đồng chí (sau được tăng cường thêm 2 người), do Trung đội phó Phạm Nhất Linh chỉ huy chốt ở giữa mỏm 1 và 2, được chia làm 2 tổ do Tiểu đội trưởng Đợi và Tiểu đội phó Lời lần lượt phụ trách. Sau khi đổ quân được 4 ngày, Mỹ tổ chức đánh chiếm cao điểm 595. Chúng dùng máy bay phản lực ném bom và trực thăng, pháo binh bắn phá ác liệt vào khu vực trận địa. Dựa vào lực lượng đông, trong hai ngày 6 và 7-4-1968, địch tấn công điên cuồng, dữ dội. Đây cũng là những ngày chiến đấu trực diện khốc liệt nhất của Tiểu đội 3. Ta và địch giành giật nhau từng chiến hào, từng ụ đất. Tiểu đội trưởng Đợi, xạ thủ Phiệt và hai đồng chí khác bị thương nặng, còn lại Trung đội phó Phạm Nhất Linh, Tiểu đội phó Lời, chiến sĩ Trần Hữu Bào và Nguyễn Văn Thứ kiên cường giữ chốt.

Trong hai ngày chiến đấu, các chiến sĩ trên cao điểm 595 đã quả cảm và mưu trí đánh lui nhiều đợt tấn công của tiểu đoàn thủy quân lục chiến Mỹ. Đến cuối ngày 7-4, trong khi đồng đội đều đã bị thương, Trần Hữu Bào phải cơ động băng bó sơ cứu, đưa họ về hầm dự bị và nhanh chóng trở lại vị trí chiến đấu. Thu gom được hơn 20 quả lựu đạn, súng B40, súng trung liên và tiểu liên AK của đồng đội để sẵn ở các hố chiến đấu, ông tiếp tục nổ súng. Việc di chuyển đến các hố chiến đấu rất nguy hiểm, nhưng ông buộc phải làm để lừa địch, khiến chúng lầm tưởng quân số chiến đấu của ta còn đông. Cũng chính nhờ vậy mà Tiểu đoàn biết Tiểu đội 3 vẫn còn và cho người lên chi viện, giữ vững trận địa và chuyển thương binh, tử sĩ về tuyến sau. Trong suốt 45 ngày ở “chốt thép” 595, các chiến sĩ của ta luôn xác định là phải bằng mọi cách khắc phục khó khăn để chiến đấu, giữ chốt và bảo vệ đồng đội. Với lối đánh gần và hiệp đồng chặt chẽ, Tiểu đội 3 đã chiến đấu kiên cường. Tiểu đội diệt hàng trăm tên địch, bắn cháy 1 máy bay trực thăng. Cá nhân đồng chí Trần Hữu Bào diệt được 78 tên địch.

leftcenterrightdel
Đời thường của Anh hùng LLVT nhân dân Trần Hữu Bào. Ảnh: VÕ ĐÔNG

“Chúng tôi đảm nhiệm vị trí tiền tiêu của cả cao điểm, là mắt xích quan trọng của cả hệ thống phòng ngự, nên anh em hạ quyết tâm trong bất cứ tình huống nào cũng phải giữ vững vị trí chiến đấu. Quá trình giữ chốt, chúng tôi được quán triệt chiến thuật phải đánh địch ở khoảng cách gần nhất có thể, để hạn chế hỏa lực và pháo bắn tọa độ của địch. Khi vào trận, ngoài khẩu B40 được biên chế, tôi còn được trang bị thêm một khẩu AK. Nhưng quá trình tác chiến thực tế, chúng tôi bắn AK rất ít, chủ yếu là ném lựu đạn. Vì vậy, địch không phát hiện được lực lượng của ta còn rất mỏng, nên không dám tiến vào sâu”, Đại tá Trần Hữu Bào cho biết.

Chiến công của chiến sĩ Trần Hữu Bào và đồng đội sau đó được nhiều đơn vị phổ biến, học tập kinh nghiệm trong chiến đấu. Trong số báo ra ngày 20-8-1968, Báo Quân đội nhân dân có bài viết “Trên điểm cao 595” của tác giả Xuân Sơn gửi từ miền Nam ra. Theo đó, chỉ trong hai ngày chiến đấu, các chiến sĩ trên cao điểm 595 đã chiến đấu với 600 tên lính thủy đánh bộ Mỹ, diệt 205 tên, thu nhiều vũ khí và đồ dùng quân sự. Tiểu đội 3 lập kỷ lục 1 diệt 40.

Ngày 25-8-1970, đồng chí Trần Hữu Bào vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Sau này, khi tham gia 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, dù bị quả đạn M79 phát nổ ngay gần, mảnh đạn găm ở gót chân và một bên hốc mắt, đã có quyết định về hậu phương, nhưng ông vẫn quyết tâm rèn luyện phục hồi sức khỏe để được trở lại đơn vị. Ông tiếp tục cùng đồng đội tham gia Chiến dịch Thượng Đức rồi đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975. Giờ đây, ở tuổi 73, ông sống vui vẻ bên gia đình tại xóm 24, xã Nghi Phú, thành phố Vinh (Nghệ An). Khi có dịp, ông lại dành thời gian đi kể chuyện chiến đấu tại các trường học ở địa phương để tiếp lửa truyền thống cho thế hệ trẻ hôm nay.

VĂN TÁM - AN ĐÔNG