QĐND - Trong Chiến dịch Quảng Trị năm 1972, Trung tướng Phạm Hồng Cư là Thượng tá, Cục phó Cục Tuyên huấn được Tổng cục Chính trị cử làm phái viên tại Mặt trận Trị Thiên. Được sống và làm việc với các danh tướng Văn Tiến Dũng, đại diện Quân ủy Trung ương; Lê Trọng Tấn, Tư lệnh và Lê Quang Đạo, Chính ủy Mặt trận, nên ông chứng kiến những giây phút căng thẳng và hệ trọng ở cơ quan chỉ huy cao nhất của chiến dịch.
 

Trung tướng Phạm Hồng Cư.  Ảnh: Trung Nguyên

Phóng viên (PV): Thưa Trung tướng, làm phái viên của Tổng cục rất quan trọng, nhưng thực chất nhiệm vụ cụ thể của ông là gì?

Trung tướng Phạm Hồng Cư: Tôi có ba nhiệm vụ cơ bản: Thứ nhất là giúp đồng chí Lê Quang Đạo về công tác chính trị tại mặt trận; Thứ hai là phát tin chiến sự về cho Cục Tuyên huấn; Thứ ba là báo cáo trực tiếp tình hình mặt trận hằng ngày cho Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Song Hào, rồi nhận chỉ thị từ đồng chí báo lại với Chính ủy Mặt trận.

PV:  Với những năm tháng kéo dài ác liệt và hào hùng đó, với những ngày tháng bên cạnh những tướng lĩnh trận mạc tài ba đó, chắc để lại trong ông những kỷ niệm không bao giờ quên…

Trung tướng Phạm Hồng Cư: Nhiệm vụ của phái viên đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc: Hồi 11 giờ ngày 31-3-1972,  một ngày sau khi ta nổ súng mở màn Chiến dịch tiến công giải phóng Quảng Trị, tôi nhận trực tiếp từ Tổng cục Chính trị Lời kêu gọi của Trung ương Đảng về cuộc Tiến công chiến lược năm 1972; Ngày 4-4, sau khi ta đánh vỡ tuyến vòng ngoài của địch ở Quảng Trị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp điện vào cho Bộ tư lệnh Mặt trận khen đánh thắng trận đầu; còn một kỷ niệm giờ đây ít người nhắc đến là ngày 2-4, trước uy lực lớn của Đoàn pháo binh Bông Lau (Trung đoàn 38), toàn bộ Trung đoàn 56 của Quân đội Sài Gòn do Trung tá Phạm Văn Đính, Trung đoàn trưởng và Trung tá Vĩnh Phong, Trung đoàn phó ra hàng. Nhận được tin ấy, tôi báo cáo ngay với đồng chí Song Hào. Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị chỉ thị ngay: Chuyển việc đầu hàng thành phản chiến, đối xử không phải tù binh, hàng binh mà là những người phản chiến về với cách mạng, giữ nguyên cấp bậc cho họ. Tôi nghĩ, đó là sự chỉ đạo rất nhạy bén, rất hay, làm phân hóa tư tưởng đối với binh sĩ Quân đội Sài Gòn…

PV: Chiến dịch Quảng Trị kéo dài hết năm 1972 cho đến sang đầu năm 1973. Nhưng thưa ông, bây giờ nói đến chiến dịch đó, hầu như người ta chỉ chú ý đến sự kiện 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ?

Trung tướng Phạm Hồng Cư: Bởi vì “81 ngày đêm” là Khúc tráng ca về Chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là sự hy vinh vô bờ bến của một thế hệ “thanh niên vàng” vì Tổ quốc, cho nên các phương tiện truyền thông, văn học, hoặc nghiên cứu lịch sử chú ý khai thác nhiều.

Thực ra, nói Chiến dịch Quảng Trị năm 1972 là nói đến hai chiến dịch: Chiến dịch tiến công giải phóng Quảng Trị từ ngày 30-3 cho đến 1-5, sau đó phát triển qua sông Mỹ Chánh (Thừa Thiên-Huế) đến ngày 27-6 kết thúc; Ngày 28-6 địch bắt đầu phản công thì ta chuyển thành chiến dịch phòng ngự. Chiến dịch này chia thành ba giai đoạn: Giai đoạn 1 từ ngày 28-6 đến ngày 16-9, khi ta rút khỏi Thành cổ (nên mới gọi là 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ); Giai đoạn 2 từ đó cho đến Hiệp định Pa-ri (27-1-1973), các đơn vị của ta chủ động phòng ngự bảo vệ vững chắc vùng giải phóng; Giai đoạn 3 là trước khi Hiệp định Pa-ri có hiệu lực, Quân đội Sài Gòn mở cuộc hành quân lấn chiếm Cửa Việt, ta dùng Sư đoàn 320B đánh bại chúng.

Tôi nghĩ, nhân Kỷ niệm 40 năm Ngày chiến thắng Quảng Trị, nên tuyên truyền một cách toàn diện cuộc tiến công chiến lược này. Quảng Trị đâu chỉ có 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ.

Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng gặp các nghệ sĩ tại mặt trận Quảng Trị năm 1972 (đồng chí Hồng Cư ngoài cùng, bên phải). Ảnh tư liệu

PV: Thưa ông, tôi nghĩ rằng: Nếu như Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971 ta dụ lực lượng chủ lực của địch vào địa hình rừng núi, nơi ta phát huy được cách đánh sở trường nên thắng lớn, thì Chiến dịch Quảng Trị năm 1972 chúng ta tiến công nơi địch có tuyến phòng ngự mạnh nhất do Mỹ xây dựng, lại là nơi đối phương mạnh về tác chiến đồng bằng, nên tổn thất nhiều…

Trung tướng Phạm Hồng Cư: Năm 1972, ta mở cuộc tiến công chiến lược trên ba hướng: Mặt trận Trị Thiên, Tây Nguyên (Kon Tum), Đông Nam Bộ (Lộc Ninh), trong đó Mặt trận Trị Thiên là hướng chủ yếu.

Như vậy, chúng ta phải đặt cuộc tiến công giải phóng Quảng Trị vào thế tiến công của toàn miền mới thấy hết được tầm vóc và ý nghĩa của chiến thắng này. Việc Quảng Trị là tỉnh đầu tiên của miền Nam được giải phóng đã cổ vũ rất lớn quân dân hai miền Nam-Bắc.

Trung tướng Phạm Hồng Cư tên thật là Lê Đỗ Nguyên, sinh năm 1926 tại Thanh Hóa, nhập ngũ năm 1945. Ông từng giữ các chức vụ: Phó chính ủy Trung đoàn 36 (Đại đoàn 308), Cục phó Cục Tuyên huấn, Cục trưởng Cục Văn hóa, Phó tư lệnh về chính trị Quân khu 2, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị.

Chiến dịch Quảng Trị cũng cần đặt trong bước tiến về nghệ thuật quân sự của quân đội ta. Nếu như cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1968 ta đánh bằng đặc công, bằng bộ đội địa phương, kết hợp với nổi dậy của nhân dân, thì ở trận này, ta đánh bằng chủ lực, đánh tiêu diệt cấp sư đoàn của địch bằng tác chiến hiệp đồng binh chủng. Nói theo các nhà nghiên cứu quân sự, đó là chiến tranh quy ước, tác chiến chính quy. Ta tung ra các sư đoàn mạnh: 308, 304, 320, 324, 325… với 7 trung đoàn pháo binh, 2 lữ đoàn xe tăng-thiết giáp (202 và 203), 3 sư đoàn pháo phòng không (365, 367, 377). Có những cuộc tiến công tiêu hao lớn lực lượng địch như vậy mới làm quân đội chúng suy yếu và suy sụp về tinh thần, để sau này khi thời cơ thuận lợi, ta có những trận quyết định làm địch sụp đổ hoàn toàn.

Tôi nhớ, ngày 30-3 năm ấy, sau khi Tư lệnh Lê Trọng Tấn hạ mệnh lệnh: “Bão táp”, lập tức cụm pháo chiến dịch gồm 247 khẩu pháo, trong đó có pháo 130mm của Đoàn Bông Lau đồng loạt nhả đạn. Cuộc bắn pháo này kéo dài 36 tiếng đồng hồ với 8 nghìn viên đạn. Sau đó có một cảnh tượng rất hào hùng mà từ trước đến lúc bấy giờ chưa có trong tác chiến của quân đội ta: Trong tiếng pháo gầm, xe tăng và bộ binh ta đồng loạt xuất phát. Ngay lập tức, ta đã bẻ gãy tuyến phòng ngự của địch ở hướng tây và tây bắc.

Ngày 27-4, ta mở đợt 2 chiến dịch, đợt quyết định chiến trường: Sư đoàn 308 tiến công Đông Hà, Sư đoàn 304 tiến công Ái Tử, một bộ phận của Sư đoàn 304 cắt cầu Quảng Trị. Phối hợp với đòn tiến công của bộ đội chủ lực, nhân dân Quảng Trị nổi dậy giải phóng tỉnh Quảng Trị vào 18 giờ ngày 1-5-1972.

Chiến dịch Quảng Trị kéo dài bởi vì ở thời điểm đó, ta và Mỹ giằng co trên bàn đàm phán. Nên nhớ, tháng 2-1972 Tổng thống Mỹ thăm Trung Quốc, tháng 5 thăm Liên Xô hòng cô lập Việt Nam. Cho nên, để có ngày Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri 27-1-1973 thì cùng với trận “Điện Biên Phủ trên không”, Chiến dịch tiến công và giải phóng Quảng Trị có đóng góp vô cùng to lớn vào thắng lợi, thực hiện lời dạy của Bác Hồ: “Đánh cho Mỹ cút”!

PV: Thắng lợi là vậy, nhưng lực lượng của ta cũng bị tổn thất nhiều. Chúng ta có chủ quan duy ý chí không khi quyết giữ Thành cổ Quảng Trị bằng được, khi ở đó chỉ có đống gạch vụn, là mục tiêu vô cùng thuận lợi cho hỏa lực của Mỹ-ngụy?

Trung tướng Phạm Hồng Cư: Theo tôi, bên cạnh những ưu điểm lớn, chiến dịch này chúng ta có hai khuyết điểm và nhược điểm: Thứ nhất là trong giai đoạn tiến công chỉ đánh vỗ mặt mà không có vu hồi. Thực chất khi chuẩn bị chiến dịch, ta có làm đường cho mũi vu hồi vào Huế, nhưng trước khi vào chiến dịch lực lượng này lại được điều đi làm đường ở Tây Nguyên, nên khi ta giải phóng Quảng Trị, địch rút chạy hỗn loạn về Huế nhưng do ta không có mũi vu hồi nên bỏ lỡ thời cơ.

Khi địch quay trở lại phản công thì khuyết điểm thứ hai bộc lộ: Chúng ta không chủ động phòng ngự mà bước vào phòng ngự một cách bị động và lúng túng. Nguyên nhân không phải do các đơn vị mà ở cơ quan cấp cao hơn. Hồi ấy ở cơ quan Mặt trận nên tôi biết, có một số cán bộ cao cấp cứ quan niệm một cách máy móc rằng, Cách mạng là tiến công, cho phòng ngự là tiêu cực, là hữu khuynh, là điều cấm kỵ! Họ sai về nhận thức, không phân biệt được giữa tư tưởng chiến lược của chiến tranh Cách mạng là tiến công còn hình thức tác chiến là có tiến công và phòng ngự, như câu thơ Bác Hồ viết trong bài “Học đánh cờ”: Tấn công, phòng thủ không sơ hở/Đại tướng anh hùng mới xứng danh. Cho nên lúc đầu ta bị tổn thất. Hồi ấy khi tình thế rất cấp bách, ở Mặt trận còn tranh luận có phòng ngự hay không cơ mà. Chỉ đến lúc Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lệnh dứt khoát chuyển sang phòng ngự, bấy giờ ta mới tổ chức phòng ngự khu vực, ngăn chặn các cuộc tấn công của địch, bảo vệ vững chắc vùng Giải phóng.

Thành cổ Quảng Trị chỉ có một ô vuông như ô bàn cờ mà Mỹ-ngụy dùng pháo hạm, dùng B-52 băm nát  như vậy thì làm sao chúng ta tránh được tổn thất. Chúng ta giữ Thành cổ là để phối hợp với đấu tranh ngoại giao trên bàn đàm phán. Ca ngợi 81 ngày đêm là ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, còn về phương diện tác chiến thì chúng ta có tổn thất…

PV: 40 năm đã trôi qua mà giờ đây nhắc lại chiến dịch này, tôi thấy ông vẫn rất xúc động…

Trung tướng Phạm Hồng Cư: Tôi đã từng tham gia nhiều chiến dịch quân sự lớn trong chống Pháp và chống Mỹ như: Chiến dịch Điện Biên Phủ, Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975… nhưng chưa có chiến dịch nào ác liệt và kéo dài như Chiến dịch Quảng Trị. Hai bên đọ sức 304 ngày bằng sức mạnh cao nhất lúc bấy giờ. Căng thẳng đến nỗi, lúc ta bước vào phòng ngự, đồng chí Lê Trọng Tấn và Lê Quang Đạo phải rút ra Hà Nội do sức khỏe giảm sút (Tư lệnh Lê Trọng Tấn vì nghe điện thoại nhiều nên bị loét tai do dị ứng), thay thế bằng Tư lệnh Trần Quý Hai và Chính ủy Song Hào. Biết bao đồng chí, đồng bào đã đổ máu, đã hy sinh trong chiến dịch để tạo nên bản anh hùng ca bất tử.

Có chiến thắng, nhưng không tránh khỏi tổn thất. Đó là một quy luật tất yếu của chiến tranh. Nhìn lại Chiến dịch Quảng Trị, cần có cái nhìn biện chứng để đúc rút những kinh nghiệm quý báu cho nghệ thuật quân sự Việt Nam, nhưng trước hết là tấm lòng biết ơn vô hạn của chúng ta đối với những người đã ngã xuống vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

PV: Xin cảm ơn Trung tướng!

Hồng Sơn (thực hiện)