Cuối năm 1945, hưởng ứng Phong trào “Nam tiến” giết giặc cứu nước, chàng trai Võ Tá Thông vừa tròn 18 tuổi, đang học tú tài II (tương đương lớp 12 bây giờ) tình nguyện gác bút nghiên, rời quê Hà Tĩnh hành quân bộ vào Quảng Ngãi. Nhờ có kiến thức văn hóa, ông được biên chế vào Bệnh viện Nam Quảng Ngãi làm công tác tuyên huấn. Năm 1949, Võ Tá Thông vinh dự được kết nạp Đảng. Năm 1950, ông được cử ra Bắc học tại Trường Quân y sĩ Việt Nam ở Thái Nguyên. Chưa hoàn thành khóa học, lớp của ông được điều động tham gia phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông được biên chế về Đội Điều trị 1 thuộc Cục Quân y.

Từ Thái Nguyên, Võ Tá Thông cùng đồng đội hành quân bộ lên Điện Biên Phủ. Ông Thông kể: “Chúng tôi hành quân theo tổ 3 người. Mỗi người được cấp ruột tượng gạo, một hăng gô. Khi dừng lại thì 3 anh em cắt cử nhau đi hái rau rừng, măng non để cải thiện. Thiếu thốn, vất vả là vậy nhưng ai cũng hăng hái, phấn khởi, bởi giữa núi rừng trùng điệp mà các đoàn người cứ nườm nượp, rầm rập tiến lên Điện Biên. Hôm chúng tôi tới Điện Biên cũng là lúc trận đánh mở màn. Đội Điều trị 1 đóng quân cách mặt trận khoảng 2km, ở bộ phận của tôi, ngoài 3 anh em chúng tôi còn bổ sung thêm một số chị em dân công để cứu thương, tải thương. Có ngày đêm, chúng tôi tiếp nhận gần 30 thương binh, vừa phân loại vừa tổ chức triển khai mổ các ca bị thương nặng. Có trường hợp bị thương thủng bụng, khi mở được ổ bụng thì thuốc mê hết tác dụng, thương binh tỉnh lại. Trong khi đó, thuốc mê cũng không còn. Ê kíp phẫu thuật chúng tôi rất bối rối. Lúc đó, anh thương binh nói: “Hết thuốc mê rồi các đồng chí cứ mổ, đừng ngại!”. Nghe vậy, chúng tôi làm tiếp, còn anh thương binh cắn răng chịu đựng, không hề kêu la. Ca mổ đó thành công, anh thương binh sống đến ngày giải phóng”.

leftcenterrightdel
Bác sĩ Võ Tá Thông (giữa) cấp cứu thương binh ở U Minh (Cà Mau) trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu

Ông Võ Tá Thông cho biết, một số thương binh khi chuyển về Đội Điều trị 1 bị giòi bọ lúc nhúc ở vết thương. Lúc đó, anh em có “sáng kiến” là dùng ether đổ vào vết thương cho giòi bò đi, sau đó mới băng bó lại. Hồi đó, giữa chiến trường ác liệt, lương thực, thực phẩm rất thiếu thốn. Tuy chế độ dành cho thương binh có khá hơn so với đối tượng khác, nhưng các nhu yếu phẩm bồi bổ sức khỏe sau mổ như thịt, cá, đường, sữa vẫn không bảo đảm. Sau này, khi ta siết chặt vòng vây Điện Biên Phủ, quân Pháp tiếp vận bằng cầu hàng không, song do lực lượng phòng không của ta khóa chặt bầu trời, khiến chúng phải thả vũ khí, đạn dược, hàng hóa, nhu yếu phẩm từ trên cao xuống. “Trong số hàng hóa chúng thả xuống, có thuốc men, dụng cụ y tế, đường, sữa, thịt hộp... Bộ đội ta thu được chiến lợi phẩm đưa về bồi dưỡng cho thương binh và chúng tôi cũng được cải thiện bữa ăn. Tôi nhớ khoảng 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, khi hai bàn mổ của Đội Điều trị 1 đang hoạt động thì được tin ta chiến thắng, quân Pháp đã đầu hàng, anh em cả Đội Điều trị lẫn thương binh đều mừng rỡ, nhưng vẫn phải tiếp tục mổ vì còn một số ca cần phẫu thuật. Một tuần sau, tôi được cử làm trưởng đoàn phụ trách 100 dân công chuyển 80 thương binh về bệnh viện hậu phương tại Phú Thọ. Chúng tôi hành quân vào ban đêm, còn ban ngày thì nghỉ, khoảng một tháng mới về đến nơi”, ông Thông nhớ lại.

Hơn 70 năm trôi qua kể từ ngày Thầy thuốc Ưu tú Võ Tá Thông tham gia Đội Điều trị 1, phục vụ Chiến dịch Điện Biên Phủ, nhưng câu chuyện về một thời tuổi trẻ vẫn không phai mờ trong ký ức ông. “Với tôi, vất vả nhiều nhưng vui cũng không ít. Lứa tuổi đôi mươi của chúng tôi cứ hừng hực tiến về phía trước mặc cho mưa bom bão đạn của kẻ thù. Đặc biệt, ở đó tôi còn thu được nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu hỗ trợ công tác chuyên môn từ đồng nghiệp, nhất là các vết thương về sọ não, thủng bụng. Nhờ vậy, tôi đã áp dụng vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, trong chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam của Tổ quốc và làm nghĩa vụ giúp bạn Campuchia thành công, cứu được rất nhiều anh em thương binh qua cơn nguy hiểm, tiếp tục chiến đấu hoặc trở về gia đình”, ông Thông nở nụ cười hạnh phúc.

HỒ KIÊN GIANG