Năm 1972, khi 17 tuổi, Trần Đình Hùng tình nguyện nhập ngũ vào Đại đội 71, Tiểu đoàn 68, Trung đoàn 59, Bộ tư lệnh Thủ đô. Sau một thời gian huấn luyện và công tác, cuối tháng 12-1972, Trần Đình Hùng cùng đồng đội lên đường vào miền Nam chiến đấu.
Vào chiến trường, chiến sĩ Trần Đình Hùng được bổ sung vào Tiểu đội Thông tin-trinh sát, Đại đội 20 thuộc Trung đoàn 66, Sư đoàn 304, đóng quân tại khu vực Khe Van, xã Hướng Hiệp, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị. Ở đơn vị mới được vài ngày thì ông bị sốt rét. Do thuộc thể nặng nên ông được chuyển lên Đại đội 24 quân y, cách nơi đơn vị của ông đóng quân hơn 1km.
Những ngày bị cơn sốt rét ác tính hành hạ, ông sinh ra ảo giác, cứ tưởng mình đã bị địch bắt. Trong lúc mê man đó, ông chỉ có suy nghĩ làm thế nào để “trốn thoát” và vùng dậy chạy khỏi đơn vị quân y. Các đồng chí quân y rất vất vả mới chạy theo kịp để đưa ông về lại đơn vị. May mắn là sau khoảng 10 ngày điều trị thì tình trạng trên mới dứt.
Sau khi bình phục, ông trở lại Đại đội 20, mang theo tinh thần và ý chí chiến đấu mãnh liệt hơn. Sau đó, ông cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh, trong đó có nhiệm vụ tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, đánh vào sào huyệt của chính quyền ngụy Sài Gòn.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, Trung đoàn 66 được một bộ phận của Lữ đoàn Xe tăng 203, Quân đoàn 2 phối thuộc, trong đội hình mũi thọc sâu tiến vào nội đô từ xa lộ Biên Hòa. Đến cầu Sài Gòn, ta và địch đã có cuộc đối đầu ác liệt. Sau khoảng 1 giờ chiến đấu, quân ta đã đánh bật địch và tiếp tục tiến về phía cầu Thị Nghè. Đoàn quân đi theo sự dẫn đường của biệt động thành tiến thẳng vào trung tâm. Ngay trước cổng dinh Độc Lập, đội hình được phân công tách ra. Trần Đình Hùng được cử vào bộ phận nhận nhiệm vụ tiến quân sang tòa nhà Bộ Quốc phòng ngụy quyền Sài Gòn.
“Bộ phận chúng tôi ngồi trên 1 xe thiết giáp và 2 xe vận tải. Xe thiết giáp đến nơi thì nổ súng thị uy. Rồi tiếng loa vang lên: “Quân Giải phóng đã vào nội đô, yêu cầu các anh hạ vũ khí đầu hàng”. Sau tiếng loa, một sĩ quan ngụy giơ cờ trắng đầu hàng. Xe của ta đi thẳng vào trong sân tòa nhà Bộ Quốc phòng ngụy quyền Sài Gòn”, ông Hùng nhớ lại.
    |
 |
Ông Trần Đình Hùng cắm cờ giải phóng trên nóc tòa nhà Bộ Quốc phòng ngụy ngày 30-4-1975. Ảnh tư liệu |
Chiến sĩ Trần Đình Hùng nhận lệnh lên treo lá cờ giải phóng trên tòa nhà Bộ Quốc phòng ngụy. “Ngày đó, trên mỗi chiếc xe, chúng tôi đều cắm một lá cờ cỡ nhỡ. Ngay khi nghe được chỉ thị đi cắm cờ từ đồng chí Dương Đức Lợi, Trưởng ban 2 trinh sát, Trung đoàn 66, ngay lập tức tôi nhảy xuống xe, rút lá cờ và tiến thẳng vào bên trong tòa nhà Bộ Quốc phòng ngụy. Không mang theo vũ khí bên mình nhưng đã có 3 đồng chí mang súng đi ngay phía sau tôi để bảo vệ. Lúc leo lên tầng 3 bằng cột sắt, tay tôi run run, tim đập dồn. Lá cờ được cắm lên đúng vị trí, tung bay trong gió, trong khi khói súng còn luẩn quẩn dưới sân”, ông Hùng nhớ lại.
Sau ngày giải phóng, chiến sĩ Trần Đình Hùng được cử đi đào tạo tại Trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam (nay là Trường Sĩ quan Lục quân 1). Tháng 8-1975, khi đang học tại Trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam, do sức khỏe giảm sút bởi hậu quả của chất độc da cam nên ông xin chuyển ngành về làm việc tại công ty sản xuất đồng hồ ở Hà Nội, rồi thi đỗ vào Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.
Năm 2015, nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Hùng cùng đoàn cựu chiến binh trở lại chiến trường xưa. Một đồng đội thấy ảnh của ông được trưng bày trong dinh Độc Lập nên báo cho ông biết và ông đã xin chụp lại làm kỷ niệm.
Giờ đây, ở tuổi 70, ông Trần Đình Hùng vẫn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, hoạt động tích cực trong Hội Cựu quân tăng cường Thủ đô Hà Nội. Trước khi chia tay chúng tôi, ông chia sẻ: “Nếu được chọn lại, tôi vẫn đi, vẫn leo lên nóc tòa nhà đó, vẫn cắm cờ, không vì vinh quang cá nhân mà vì tin rằng mình đã sống một cuộc đời ý nghĩa nhất”.
CHÂU NGỌC ĐOÀN