Một buổi sáng đẹp trời, tôi cùng anh em học viên và một số bạn bè Liên Xô đang dạo chơi ở vườn hoa thì bất ngờ được gặp đoàn của Bác cũng đang đi tham quan ở đó. Vui mừng khôn xiết, chúng tôi không ai bảo ai đều chạy ùa tới vây lấy Bác. Bác ân cần hỏi thăm sức khỏe chúng tôi. Và tôi thật sự bất ngờ, kính phục khi Bác dùng tiếng Nga để trò chuyện. Thấy chúng tôi trả lời khá trôi chảy, Bác mới chuyển sang nói tiếng Việt rất dí dỏm mà sâu sắc. Tôi nhớ Bác nói đại ý: Là người nước ngoài đến đất nước Xô viết học tập, việc đầu tiên cần làm, cần đạt được là phải nói, phải viết được chữ của bạn thành thạo, không chỉ vậy còn phải am hiểu phong tục, tập quán của các dân tộc trong liên bang rộng lớn này, phải hiểu được không chỉ những từ phổ thông mà cả những từ của các địa phương... Có như vậy mới tiếp thu được hết kiến thức trong học tập; trong quan hệ đối xử hằng ngày với thầy giáo, cô giáo, trong tiếp xúc với nhân dân mới không bị thất thố. Và chỉ có như vậy mới để lại cảm tình đặc biệt với đất nước và nhân dân Xô viết anh em. Cuối cùng Bác dặn: Các cháu sang đây học tập, không chỉ là học tập không, mà mỗi cử chỉ, hành động, mỗi việc làm đều mang tính “ngoại giao”, mà đã ngoại giao là phải đàng hoàng chững chạc, không thể để xảy ra sai sót.
    |
 |
Đồng chí Phan Hoan khi đang học tại Liên Xô. Ảnh do gia đình cung cấp |
Nghe lời Bác dạy, tôi càng hiểu rằng, cả cuộc đời hoạt động cách mạng vĩ đại của Bác, dù bôn ba khắp năm châu bốn biển, biết nhiều ngoại ngữ, tiếp xúc với nhiều dân tộc, ở đâu Bác cũng để lại những tình cảm tốt đẹp. Bác luôn được bạn bè thế giới khâm phục, quý mến chính là do đến đâu Người cũng dấn thân và hòa nhập vào cuộc sống ở đó, những lời tâm sự hôm đó chính là bài học lớn Bác đã dạy chúng tôi. Về phần mình, tôi luôn khắc sâu và ghi nhớ để rèn luyện mình suốt những năm tháng trong đời, lúc còn công tác, cũng như khi đã nghỉ hưu.
Vì điều kiện thời gian, đoàn của Bác không thể dừng lâu để trò chuyện cùng chúng tôi được. Thấy chúng tôi còn tần ngần chưa muốn chia tay, Bác nói với đồng chí bảo vệ bảo chúng tôi ra về, chiều Bác sẽ đến thăm.
Cả một buổi trưa háo hức chờ đợi. Chúng tôi ngồi bàn với nhau, sẽ báo cáo với Bác những gì, đề xuất nguyện vọng gì, rồi phân công người thay mặt cả lớp báo cáo với Bác.
Chưa đến giờ, chúng tôi đã tề tựu đông đủ. Cùng đón Bác có cả cô giáo người Nga dạy môn Hóa học. Đang trong lúc háo hức chờ đợi thì Bác đến, biết được tình hình chúng tôi học tập đạt kết quả tốt, Bác rất vui. Nghe cô giáo người Nga khen các học viên Việt Nam vượt qua khó khăn, chuyên cần trong học tập và... rất dễ thương, Bác tỏ lời cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và Quân đội Liên Xô, đặc biệt là sự tận tình giúp đỡ của đội ngũ giáo viên học viện đối với các học viên Việt Nam. Nhân nghe cô giáo người Nga nói học viên Việt Nam dễ thương, Bác có kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về mối tình của một cô gái Nga với một đồng chí sĩ quan Quân đội ta được cử sang học tại Liên Xô. Mối tình sâu đậm tới mức cô gái Nga viết thư cho Bác, nhờ Bác giúp đỡ để được xây dựng hạnh phúc với đồng chí sĩ quan nọ. Bác chuyển bức thư đó cho đồng chí Song Hào, khi đó là Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam. Qua tìm hiểu thì được biết đồng chí sĩ quan nọ đã có gia đình. Đương nhiên đồng chí này không làm điều gì vi phạm đạo đức cách mạng, nhưng do không khéo léo, gây ra sự hiểu lầm. Qua đây, Bác có ý nhắc nhở chúng tôi phải giữ gìn mối quan hệ trong sáng, đừng làm điều gì tổn hại tới uy tín, danh dự của Quân đội và tình hữu nghị giữa hai dân tộc. Rồi Bác nói một câu rất vui, nhưng hàm ý sâu sắc: Đảng và Chính phủ gửi các chú sang đây học tập để về xây dựng Quân đội, xây dựng nước nhà, chứ không phải để “Natasa” (người Nga thường đặt tên con gái là Natasa)...
Khắc sâu lời dạy của Bác, chúng tôi không những học tập ngày một tiến bộ mà còn giữ mối quan hệ trong sáng, lành mạnh, được các thầy, các cô và đặc biệt là các cô gái Nga rất quý mến, trân trọng. Chúng tôi rất cảm động và quý trọng tình cảm đó, vì vậy, trong giao tiếp cố gắng để lại trong suy nghĩ của các bạn gái Nga tình cảm thật sâu sắc mà trong sáng, thủy chung nghĩa tình cộng sản.
Trung tướng PHAN HOAN