Những bức ảnh bác sĩ Phùng Văn Cung ôm hôn Chủ tịch Hồ Chí Minh; Hồ Chủ tịch thân mật tiếp bác sĩ Phùng Văn Cung và đoàn; đồng chí Lê Duẩn trò chuyện thân mật với bác sĩ Phùng Văn Cung; đồng chí Trường Chinh tiếp bác sĩ Phùng Văn Cung; Thủ tướng Phạm Văn Đồng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp tiếp đoàn đại biểu... đã cho thấy không chỉ sự tiếp đón trọng thị mà còn là biểu tượng keo sơn ruột thịt của hai miền Nam-Bắc, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đang ở giai đoạn gay go, ác liệt. Ở một khu vực ảnh khác từ trước đó là những bức ảnh bác sĩ Phùng Văn Cung cùng các vị lãnh đạo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam: Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ, các ông: Huỳnh Tấn Phát, Hồ Xuân Sơn, Nguyễn Văn Ngợi... trong các sự kiện lớn của Mặt trận, càng cho thấy vị thế rất quan trọng của bác sĩ Phùng Văn Cung với cách mạng miền Nam.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp bác sĩ Phùng Văn Cung, trưởng đoàn cán bộ miền Nam ra thăm miền Bắc, tháng 3-1969.

Bác sĩ Phùng Văn Cung là một trí thức lớn có công với cách mạng miền Nam. Ông đảm đương các cương vị: Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam; Phó chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam từ Đại hội Mặt trận lần thứ nhất tháng 3-1962 đến năm 1975. Ông sinh ngày 15-5-1909 tại làng Long An, tổng Bình Long, tỉnh Vĩnh Long (nay thuộc phường 9, TP Vĩnh Long). Cha mẹ ông là Phùng Văn Thân và Nguyễn Thị Lới, đều là những người giàu có học thức và nghĩa khí. Ông được học hành cẩn thận từ bé tại quê nhà. Lớn lên, ông theo học và tốt nghiệp trường Y Đông Dương năm 1937. Cũng trong thời gian này, ông kết hôn với bà Lê Thoại Chi, một kiều nữ của gia đình hào phú nổi tiếng ở Cái Tàu-Sa Đéc. Vợ ông là người đã giúp ông nhiều việc lớn sau này. Hai vợ chồng đều rất nổi tiếng với các phòng khám tư ở Sài Gòn, Sa Đéc, Châu Đốc... Tháng 9-1959, ông được cách mạng đưa ra chiến khu tham gia xây dựng và lãnh đạo Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Chuyện về vợ chồng bác sĩ Phùng Văn Cung ra chiến khu giống như một huyền thoại.

Từ những bức ảnh tư liệu và những nhân chứng lịch sử, chúng ta càng có điều kiện hiểu sâu sắc hơn về thân thế, cuộc đời và sự nghiệp của bác sĩ Phùng Văn Cung. Ông không chỉ khiêm tốn, giản dị mà còn rất sâu sắc và có uy tín trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam đúng với tinh thần của Hồ Chủ tịch: Đồng bào ta ở miền Nam có Mặt trận Dân tộc Giải phóng với chương trình hoạt động thiết thực và phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Do đó, có thể khẳng định rằng, đồng bào miền Nam nhất định thắng lợi, nước ta nhất định thống nhất, Nam-Bắc nhất định sum họp một nhà.

Bác sĩ Phùng Văn Cung luôn tâm niệm sâu sắc tinh thần của Hồ Chủ tịch và Mặt trận đã sớm tổ chức đoàn ra thăm miền Bắc, thăm Hồ Chủ tịch vào đầu tháng 3-1969.

Tôi đặc biệt ấn tượng với bức ảnh bác sĩ Phùng Văn Cung ôm hôn Hồ Chủ tịch tại Thủ đô Hà Nội khi Bác Hồ của chúng ta sức khỏe đã yếu đi nhiều. Trong khóe mắt của Hồ Chủ tịch, dường như đã rịn ra giọt nước khi ôm trong vòng tay mình người con của miền Nam ruột thịt. Bức ảnh đã cho chúng tôi, thế hệ đi sau một sự xúc động đặc biệt. Lời hát ở đâu văng vẳng dâng lên bát ngát: Ai yêu miền Nam như tấm lòng của Bác/ Có mối tình nào mà thủy chung mà son sắt/ Như tấm lòng của Bác nhớ tới đồng bào miền Nam...

Bác Hồ ta đó! Tấm lòng nhân dân miền Bắc luôn hướng về miền Nam đêm ngày cháy bỏng khôn nguôi. Bác sĩ Phùng Văn Cung cùng với đoàn đại biểu cách mạng miền Nam ùa vào trong vòng tay của Bác Hồ, trong vòng tay lớn của miền Bắc để viết nên những trang sử vàng chiến công tiếp đó. Điều đó hôm nay đã trở thành một phần của lịch sử cách mạng vẻ vang.

Những tấm ảnh như thay lời Người đang nói. Đó là lời hứa của các anh hùng dũng sĩ miền Nam với Bác Hồ, với Đảng quang vinh. Tấm ảnh các đoàn thể dự mít tinh chào mừng Đoàn đại biểu miền Nam anh hùng ra thăm miền Bắc với những khẩu hiệu hào hùng như là lời hịch: “Nhiệt liệt chào mừng Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, người đại diện chân chính của nhân dân miền Nam muôn năm!”; “Hậu phương lớn quyết tâm làm tròn nghĩa vụ đối với tiền tuyến lớn”; “Nam Bắc một lòng, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”... đã càng cho thấy tấm lòng của miền Bắc đối với miền Nam.

leftcenterrightdel
 Bác sĩ Phùng Văn Cung (ngoài cùng, bên phải) cùng các đồng chí trong Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Ảnh tư liệu

Trong những ngày ở thăm miền Bắc, đoàn đã tới thăm Viện Bảo tàng Cách mạng Việt Nam; Nhà máy Cơ khí Trần Hưng Đạo; Trường Đại học Bách khoa Hà Nội; tỉnh Nam Hà; Bộ Quốc phòng... Ở đâu, đoàn cũng được các đoàn thể và nhân dân nồng nhiệt tiếp đón với sự đùm bọc, sẻ chia và nhất là niềm tin tưởng vô hạn vào cách mạng, vào ngày thống nhất non sông.

Trong bài diễn văn đáp từ của mình, bác sĩ Phùng Văn Cung xúc động nói: “Dưới lá cờ bách chiến bách thắng của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, với sự giúp đỡ chí tình của 17 triệu đồng bào miền Bắc và bầu bạn khắp năm châu, nhân dân miền Nam quyết giành cho kỳ được những mục tiêu thiêng liêng của mình là: Giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, xây dựng một miền Nam độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập và phồn vinh, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc”.

Đó cũng là phương châm hết sức đúng đắn của Mặt trận và nhân dân miền Nam với miền Bắc yêu thương.

Cũng trong hội thảo tại Vĩnh Long, tôi đã được nghe những tham luận vô cùng xúc động của bác sĩ Nguyễn Hồng Trung-người học trò thân thiết của nhà cách mạng Phùng Văn Cung; PGS, TS Trần Hậu; nhà báo Trần Thanh Phương; nhà văn Đinh Phong; TS Phùng Thảo... về những cống hiến lớn của bác sĩ Phùng Văn Cung với cách mạng miền Nam.

Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI