Thời gian còn dài và mọi công tác chuẩn bị của cá nhân đã đầy đủ, tôi nhờ anh Tám, quân y sĩ tiểu đoàn cắt tóc. Tôi chọn một thân cây đổ nằm ngang trên mặt đất để ngồi, lấy tấm ni lông quàng vào người chờ anh về hầm lấy dụng cụ. Khi anh Tám đang cắt tóc cho tôi, bỗng một tiếng nổ rất lớn vang lên. Địch từ thị xã Tam Kỳ nã pháo vào ngay chỗ mà tiểu đoàn vừa tập trung làm lễ xuất quân cách đây ít phút. Mảnh pháo bay vèo vèo. Cành cây gãy răng rắc. Bộ đội khẩn trương chạy vào hầm trú ẩn. Tôi đứng bật dậy định chạy nhưng vừa đứng lên đã ngã sấp xuống đất. Đùi phải bị một vết thương, máu chảy lênh láng.

Anh Tám xốc nách tôi kéo xuống bờ suối cạn, ấn tôi vào một cái hốc cạnh cây lộc vừng có lẽ do mùa mưa nước chảy mạnh xói đất mà thành. Anh cẩn thận băng vết thương rồi nói nhỏ: “Ổn rồi em. Ngồi yên đây, anh lên kiểm tra một lượt xem có còn ai bị thương không”. Khoảng 10 phút sau, anh quay lại: “Không có ca nào thêm. Nghe cấp trên thông báo là trận địa pháo 122mm của địch ở thị xã Tam Kỳ bắn để chỉnh tọa độ chứ không phải chúng phát hiện được lực lượng của ta”.

Ngay chiều hôm đó, tôi được anh em vận tải chuyển về phía sau. Đến cửa rừng đoàn phải dừng lại vì trời tối, sáng hôm sau mới đi tiếp. Khoảng 10 giờ mới tới trạm phẫu tiền phương của Trung đoàn. Tôi được đưa ngay vào phòng phẫu thuật. Một bác sĩ dáng cao gầy, da rất trắng, mũ đội đầu, khẩu trang và chiếc áo blouse trắng làm tôi ớn lạnh. Phía cuối bàn mổ, nữ hộ lý tháo hai cuộn băng buộc hai chân tôi vào thành giường rồi nhanh chóng tháo dây lưng quần của tôi kéo mạnh chiếc quần dài tôi đang mặc xuống dưới đầu gối vì vết thương của tôi ở một phần ba trên đùi phải. Phía đầu bàn mổ, một nam hộ lý cũng buộc cẳng tay tôi vào thành bàn và đứng ở tư thế sẵn sàng xử lý tình huống bất trắc. Anh bác sĩ tới cạnh bàn mổ cất giọng bình thản: “Thuốc tê và cả thuốc gây mê đều không còn. Mổ sống, đau đấy, đồng chí gắng chịu nghe!”. Tôi nhẹ gật đầu. Cô hộ lý gãi gãi vào chân tôi, giọng nhỏ nhẹ động viên: “Dũng cảm trên chiến trường, kiên cường trên bàn mổ nghe anh!”...

Tôi gật đầu đồng ý hợp tác nhưng người thì cứ run bần bật, nước mắt giàn giụa, mồ hôi vã ra. Chắc nhìn tôi lúc đó thảm thương và buồn cười lắm. Bác sĩ nói: “Đã dò thấy mảnh đạn nhưng quá sâu không gắp ra được. Muốn gắp mảnh đạn ra phải mổ mở rộng vết thương mà sợ ảnh hưởng dây thần kinh chưa chắc đã tốt. Đồng chí phải chung sống với nó thôi. Lâu ngày mỡ bọc quanh mảnh đạn sẽ không sao đâu”.

Tôi mừng rơn khi bác sĩ nói “đóng lại” và cô hộ lý nhanh tay thấm máu rồi khâu băng lại vết thương. Vì tuổi trẻ nên vết thương của tôi hồi phục khá nhanh. Sau một tuần, tôi đã tự đứng lên, chống nạng đi lò cò được mấy bước. Qua hai tuần, vết thương đã ổn định, tôi được bỏ băng và đi lại bình thường. Bác sĩ điều trị bảo phải ở thêm mấy ngày tập luyện và theo dõi. Thế là hằng ngày tôi cùng mấy thương binh nhẹ ngoài thời gian làm thuốc theo quy định là tập đi, chủ yếu là tập leo dốc đoạn từ bệnh xá xuống suối rồi ngược lại.

Khi vết thương ổn định được ra viện, tôi trở về đơn vị. Những năm sau đó, tôi còn bị thương 4 lần nữa với 7 vết thương (4 vết còn mảnh đạn trên người) và một lần bị sức ép bom. Xếp hạng thương binh của tôi là 3/4 với tỷ lệ thương tật 51%.

leftcenterrightdel
 Cựu chiến binh Đặng Kim Âu (ngoài cùng, bên trái) trong một lần gặp mặt đồng đội.

Một niềm vui bất ngờ đến với tôi là ngày 17-2-2023, trong buổi gặp mặt kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Trung đoàn 1-Đoàn Ba Gia anh hùng tại TP Hà Nội, tôi đã gặp lại người bác sĩ phẫu thuật cho tôi ngày ấy, đã ở tuổi tám mươi có lẻ. Anh là Trung úy, bác sĩ Nguyễn Xuân Bách, người dân tộc Tày, quê Thái Nguyên, nguyên Đại đội trưởng Quân y Trung đoàn 1. Hai anh em ôm chầm lấy nhau trong niềm xúc động. Chúng tôi ôn lại những kỷ niệm ngày ở chiến trường, về ca mổ ngày ấy rồi kể cho nhau nghe những biến cố của cuộc đời từ sau ngày kết thúc cuộc chiến. Anh có trí nhớ tốt, kể rành rọt từng sự kiện. Chỉ có điều cái chất giọng người Tày của anh vốn đã chầm chậm nay có phần chậm hơn. Trước khi tạm biệt, tôi siết chặt tay chúc anh trường thọ và hẹn ngày gặp lại!     

ĐẶNG KIM ÂU