Nhiều lần dự gặp mặt cộng tác viên tiêu biểu Báo Hải Dương, tôi đều có dịp gặp gỡ và trò chuyện với nhà thơ, cựu chiến binh, Thiếu tá Nguyễn Quốc Thụy. Ông sinh năm 1941, là tác giả 3 tập thơ: Dấu thời gian, Miền gió thức, Khát vọng.

Mới đây, tôi đến thăm ông tại nhà riêng ở số 43, đường Đặng Thai Mai, thành phố Hải Dương. Tôi chú ý tấm ảnh lớn ông treo ở phòng khách. Đó là hình ảnh người chiến sĩ có gương mặt trẻ măng, đội mũ sắt, say sưa đọc báo khi bầu trời vẫn còn nghi ngút khói bom. Nhà thơ Nguyễn Quốc Thụy giới thiệu: “Ảnh này được chụp ngày 27-5-1967 tại trận địa Gia Thượng, huyện Gia Lâm (nay thuộc phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, TP Hà Nội). Người đọc báo trong bức ảnh là tôi, khi ấy 26 tuổi, được nhà báo Minh Huệ, phóng viên Báo Phòng không-Không quân chụp tại trận địa. Sau này, khi là cán bộ bảo tàng, tôi tình cờ sưu tầm được bức ảnh”...

Thiếu tá Nguyễn Quốc Thụy kể: Ngày 29-6-1965, khi đang học Trường Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp (nay là Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp), như bao thanh niên khác, chàng sinh viên Nguyễn Quốc Thụy hăng hái tình nguyện nhập ngũ và được biên chế về Đại đội 1, Trung đoàn Pháo Cao xạ 220 (Binh chủng Pháo Phòng không) làm nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Thủ đô. Chiến sĩ Thụy được huấn luyện quân sự, chuyên ngành pháo phòng không, thông tin, sau đó cùng đơn vị về đóng quân tại trận địa Lĩnh Nam, huyện Thanh Trì (nay thuộc quận Hoàng Mai, TP Hà Nội).

leftcenterrightdel

Chiến sĩ Nguyễn Quốc Thụy đọc báo cổ vũ đồng đội chiến đấu, tháng 5-1967. Ảnh do nhân vật cung cấp 

“Khi tôi nhập ngũ, bố mẹ tôi và gia đình không ai biết. Khi hay tin, bố tôi đã lặn lội đi xe khách rồi cuốc bộ vào tận trận địa Lĩnh Nam. Khi bố tôi đến thăm, hai cha con mới gặp nhau được mấy phút thì đơn vị báo động chiến đấu vì có máy bay Mỹ vào đánh phá Hà Nội. Tôi tạm biệt bố để cơ động vào vị trí chiến đấu, trước khi chia tay, bố tôi chỉ nói với theo: Con hãy cố gắng!”, ông Thụy nhớ lại.

Sau đó, từ trận địa Lĩnh Nam, Nguyễn Quốc Thụy cùng đơn vị hành quân, kéo pháo vào Thanh Hóa, làm nhiệm vụ chiến đấu bảo vệ sân bay Thọ Xuân. Trên đường hành quân, đơn vị tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng. Trong thời gian làm nhiệm vụ bảo vệ sân bay Thọ Xuân, Nguyễn Quốc Thụy cùng đơn vị chiến đấu, đánh nhiều trận, bắn hạ một chiếc máy bay F-105 của Mỹ rơi tại chỗ bên bờ sông Chu.

Tháng 6-1966, đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, đánh phá ác liệt miền Bắc, nhất là ở Hà Nội. Trung đoàn 220 được điều động ra bảo vệ bầu trời Hà Nội, trong đó có các mục tiêu: Cầu Long Biên, cầu Đuống, Nhà máy Hóa chất Đức Giang... Đại đội 1 của Nguyễn Quốc Thụy được giao bảo vệ cầu Long Biên, đóng quân tại làng Gia Thượng. Tại đây, Đại đội 1 cùng quân và dân Hà Nội đã chiến đấu dũng cảm, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ, trong đó có một chiếc rơi tại chỗ, ngay sát trận địa Gia Thượng, gần cầu Long Biên.

“Ngày 27-5-1967, không quân Mỹ sử dụng hàng chục lượt máy bay đánh phá Hà Nội, trong đó có các trọng điểm cầu Long Biên, cầu Đuống, kho xăng dầu Đức Giang, Nhà máy Điện Yên Phụ... Các đơn vị pháo phòng không Trung đoàn 220 đã chiến đấu dũng cảm, cùng quân và dân Hà Nội bắn cháy nhiều máy bay Mỹ. Tại trận địa Gia Thượng, các khẩu đội pháo thi đua lập công, trừng trị máy bay Mỹ. Giữa hai trận chiến đấu ác liệt, tôi nhảy lên thành công sự, đọc tin chiến thắng từ Báo Quân đội nhân dân cho bộ đội nghe, cổ vũ tinh thần quyết tâm chiến đấu của bộ đội. Trong trận đánh sau đó, tôi bị thương do bom Mỹ nổ gần, bị đất cát vùi sâu, may mắn được đồng đội đào bới, đưa đi cấp cứu kịp thời. Sau một tháng điều trị, tôi lại được trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu”, Thiếu tá Nguyễn Quốc Thụy kể.

Sau 3 năm (1965-1968) trực tiếp chiến đấu tại trận địa, chiến sĩ Nguyễn Quốc Thụy được bầu là Chiến sĩ thi đua, Chiến sĩ Quyết thắng và được kết nạp vào Đảng. Tháng 8-1968, cấp trên điều động Nguyễn Quốc Thụy về Ban Chính trị Trung đoàn 220, đóng quân tại xã Thạch Bàn, huyện Gia Lâm (nay là phường Thạch Bàn, quận Long Biên). Ông đã phát huy năng khiếu, sở trường là vẽ tranh cổ động; viết tin, làm báo phản ánh hoạt động của đơn vị; tham gia đội văn nghệ của Trung đoàn đi biểu diễn phục vụ bộ đội tại trận địa. Trong Chiến dịch phòng không 12 ngày đêm tháng 12-1972,

Nguyễn Quốc Thụy hăng hái đến các trận địa nắm tình hình, lấy tư liệu không chỉ để viết báo, vẽ tranh cổ động mà còn phục vụ cho việc tham gia biên soạn tài liệu, đúc rút kinh nghiệm chiến đấu cho đơn vị.

“Tháng 3-1973, tôi được điều về Sư đoàn 361 làm Trợ lý bảo tàng thuộc Phòng Chính trị. Tháng 4-1974, tôi được cử theo đoàn công tác của Quân chủng vào miền Nam. Sau ngày giải phóng, chúng tôi phối hợp với các đơn vị không quân tiếp quản sân bay Biên Hòa (Đồng Nai), Bình Thủy (Cần Thơ)... Cũng trong năm 1975, tôi được điều động làm Trợ lý giáo dục Ban Chính trị Trung đoàn 276, Sư đoàn 361 (nay Trung đoàn thuộc Sư đoàn 367, Quân chủng Phòng không-Không quân). Tháng 6-1980, Quân chủng điều tôi về làm Trợ lý bảo tàng thuộc Cục Chính trị, Quân chủng Phòng không; công tác đến năm 1990 thì tôi nghỉ hưu với quân hàm Thiếu tá. Nghỉ hưu, tôi tích cực tham gia các hoạt động văn hóa, văn nghệ; sáng tác văn học, viết báo; tham gia ban chấp hành chi bộ khu phố, hội cựu chiến binh phường. Tôi là hội viên của các hội: Chữ thập đỏ, người cao tuổi...”, cựu chiến binh Nguyễn Quốc Thụy cho biết. 

HƯƠNG HỒNG THU