Hồi ấy, chúng tôi còn rất trẻ, tuổi đời khoảng mười tám, đôi mươi. Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, chúng tôi xếp bút nghiên hăng hái lên đường tòng quân tham gia cách mạng, đánh giặc cứu nước.

Vào năm 1961, tỉnh Rạch Giá (nay là tỉnh Kiên Giang) có tờ báo “Giải phóng”, cơ quan của Đảng bộ tỉnh Rạch Giá, sau đó đổi tên là “Chiến thắng” cho phù hợp với tình hình cách mạng trên địa bàn.

Tờ báo “Giải phóng” lúc bấy giờ nhân sự rất ít. Phụ trách tờ báo là đồng chí Lê Minh Huệ (Hai Huỳnh), Thường trực Ban Tuyên-Văn-Giáo Tỉnh ủy Rạch Giá kiêm Trưởng tiểu ban Thông tấn-Báo chí. Nói là cơ quan báo chí chứ thực ra Ban biên tập cũng như phóng viên, nhân viên được chia ra từng nhóm ở trong nhà dân để làm việc.

Ngày ấy, thành phần Ban biên tập là cán bộ trong kháng chiến bị địch bắt giam cầm từ nhà tù Mỹ-ngụy trở về. Cán bộ, phóng viên, nhân viên thì lấy từ nguồn cơ sở rút lên, còn lại là học sinh, người công tác nội thành. Nói chung, cơ quan có nhiều thành phần, lứa tuổi, trình độ học vấn khác nhau, chỉ có một điểm chung nhất là lòng yêu nước, nhiệt tình cách mạng, chịu đựng gian khổ, khó khăn, đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ nhau hoàn thành nhiệm vụ.

leftcenterrightdel
Nhà báo Trương Thanh Nhã (ngoài cùng, bên phải) cùng các đồng nghiệp trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh do nhân vật cung cấp

Về trình độ học vấn, hầu hết chúng tôi chưa qua trung học phổ thông. Về nghề nghiệp, chưa ai qua trường lớp báo chí mà vừa làm vừa học và rút kinh nghiệm từ thực tiễn. Ai may mắn thì được cơ quan cử đi học, tập huấn vài ba tháng ở Khu, ở R (Trung ương Cục miền Nam). Ấy vậy mà chúng tôi làm nhiều việc. Có người vừa làm nhiệm vụ phóng viên, vừa làm biên tập, vừa đảm nhận công tác văn phòng, lại kiêm chép tin đọc chậm hằng ngày. Có anh vừa là họa sĩ minh họa, vừa khắc bảng gỗ kiêm công tác giao liên, phát hành... Về phương tiện nghề nghiệp thì chẳng có gì ngoài chiếc radio cassette dùng để nghe thời sự và chép tin đọc chậm, một máy đánh chữ, một vài chiếc máy ảnh cổ lỗ sĩ... Bộ phận thông tấn được trang bị đài minh ngữ do bộ phận kỹ thuật của Tỉnh ủy lắp ráp. Đài minh ngữ là thông tin hai chiều giữa Trung ương và địa phương. Trong những năm giặc đánh phá ác liệt, đồn bót địch dày đặc, chúng hành quân càn quét khắp nơi nhưng không sao ngăn cắt được đường dây chuyển tải những chiến công của quân dân Rạch Giá đến mọi miền Tổ quốc. Mỗi bản tin, bài viết, trang báo, hình ảnh ngày ấy đã được hình thành với biết bao tâm huyết, trách nhiệm, kể cả máu xương của người làm báo thời chiến.

Năm 1969, cách mạng gặp nhiều khó khăn. Địa bàn tỉnh bị chia cắt. Đường hành lang bị địch phong tỏa. Cán bộ, chiến sĩ, đồng bào bị tổn thất lớn. Cơ quan Thông tấn-Báo chí phải dời sâu vào rừng U Minh Thượng. Cơ quan có lần bị trúng bom của địch, 4 người hy sinh và 2 người bị thương. Sau đó cơ quan dời ra đóng quân cách đồn địch 500m. Cái được là tránh bom, pháo địch bắn phá, nhưng đòi hỏi phải hết sức cảnh giác, phải đào hầm chông, gài trái nổ sẵn sàng chiến đấu đánh biệt kích địch. Có lần do bọn tề điệp chỉ điểm, địch dùng chiến thuật “nhảy cóc” (còn gọi là “nhảy giò”), đánh tập kích chớp nhoáng bằng trực thăng đổ quân vào ngay Cơ quan Thông tấn-Báo chí làm 1 đồng chí hy sinh và 3 cán bộ, phóng viên bị địch bắt.

Có thể nói, chiến tranh ác liệt, bom đạn tàn khốc, hiểm nguy, ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc. Mới gặp nhau đó nhưng ngày hôm sau thì kẻ mất, người còn. Chúng tôi không ít lần cắn chặt môi, nuốt nước mắt, ngậm ngùi tiễn đưa các đồng chí đã anh dũng hy sinh. Đó là Tổng biên tập, nhà báo Hoàng Hảo; Phó tổng biên tập, nhà báo Nguyễn Văn Thâu; Thư ký tòa soạn, nhà báo Nguyễn Thành Nhân; các cán bộ, phóng viên: Hồ Châu, Lâm Thanh Sơn, Ái Dân, Trần Anh Tuấn, Lâm Huy Hoàng, Nguyễn Quốc Việt, Út Dũng, Mười Hiền, họa sĩ Hồng Văn Quang, Nguyễn Công Khanh...

leftcenterrightdel

Nhà báo Trương Thanh Nhã giới thiệu những tờ báo in trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh do nhân vật cung cấp 

Có lần tôi chia sẻ với đồng nghiệp như nói với chính mình: “Chiến tranh là ngày nào cũng chết chóc, hy sinh; ngày nào cũng an táng đồng đội, nhưng may mắn chưa tới lượt mình. Cũng như làm trực nhật mỗi ngày, tới phiên ai người ấy làm nhiệm vụ”.

Có thể nói, từng bản tin, bài viết, trang báo trong chiến tranh ngày ấy đã thấm máu của nhiều đồng chí, đồng nghiệp chúng tôi. Mỗi tờ báo, tờ tin được in ra và phát hành là thành quả lao động to lớn của nhiều người, từ cán bộ, biên tập viên, phóng viên đến nhà in, tiếp liệu, giao liên, bảo vệ... Mỗi người mỗi việc nhưng việc nào cũng gian khổ, hiểm nguy... Nhiều lần chúng tôi phải ăn cháo, ăn bồn bồn, đọt choại thay cơm. Một điếu thuốc cùng chia hai, ba người hút. Chúng tôi nhường từng chén cơm, muỗng cháo, viên thuốc sốt rét cho người bệnh. Ngày ấy, chúng tôi làm báo không có tiền lương, mặc dù thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần nhưng phần bom đạn thì “dư thừa” cho mỗi người.

Việc làm báo trong chiến tranh chính là kỷ niệm khó quên với những người làm Báo “Giải phóng”, “Chiến thắng”-cơ quan của Đảng bộ tỉnh Rạch Giá trong những năm tháng hào hùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

TRƯƠNG THANH NHÃ