QĐND - Gần 60 năm trong nghề tính từ ngày ông chính thức trở thành phóng viên của Báo Nhân Dân đến khi về với thế giới người hiền ngày 13-8-2015, chưa bao giờ nhà báo Hữu Thọ buông bút bởi với ông “Làm báo là một nghề. Chỉ làm nghề thì không có tuổi”...

Cố Nhà báo Hữu Thọ đọc và trực tiếp góp ý về một bài viết phỏng vấn ông Ảnh: Tuấn Tú

Nay nhà báo Hữu Thọ đã buông bút mãi mãi, nhưng với người viết thế hệ sau như chúng tôi, ông vẫn còn đó cùng nhiều kỷ niệm. Tôi nhớ mãi mỗi lần gặp và trò chuyện với nhà báo Hữu Thọ, ông đều bắt đầu bằng câu: “Tôi cứ nói, các cậu cứ ghi chép nhé. Cái gì thú vị thì dùng, còn không thì lấy làm tư liệu”. Và khi ông đã bắt đầu cuộc trò chuyện thì dường như cái gì cũng thú vị cả. Chỉ không biết cánh nhà báo trẻ chúng tôi có chuyển tải hết được không.  

Cách đây gần 4 năm, dịp Tết Nguyên đán Quý Tỵ năm 2013, lần đầu tiên tôi được trực tiếp gặp ông. Ý định ban đầu của tôi là đặt ông viết bài nhưng vì lúc ấy ông vừa trải qua một trận ốm nặng phải đi nằm viện mới về, nên ông từ chối không trực tiếp viết mà cho tôi cái hẹn đến gặp để nghe ông trò chuyện. Hôm đến nhà, đúng như đã hẹn, ông ngồi chờ tôi ở phòng khách bên cây đàn pi-a-nô. Không cần tôi nêu lại vấn đề, vẫn bắt đầu là câu nói thường trực và ông nói liền một hơi. Tôi hồi đó là “lính mới vào nghề”, đến gặp nhà báo lớn như ông Hữu Thọ nên không khỏi hoang mang, e ngại vì sợ mình không chuyển tải nổi cái “tầm” của câu chuyện do ông kể. Nhưng thật may, cũng bởi là một nhà báo giàu kinh nghiệm nên khi trả lời phỏng vấn ông cũng nói rất từ tốn, dễ hiểu mà kín kẽ để tôi kịp ghi chép. Về đến cơ quan, chỉ cần bóc băng ra khớp nối và thêm một vài chi tiết nhỏ là bài báo của tôi đã hoàn thành. Viết xong, gửi lại cho ông đọc tôi thầm cảm ơn ông vì những kỷ niệm được kể một cách khoa học giống như ông đã viết sẵn cho tôi vậy. 

Nhà báo Hữu Thọ (thứ ba, từ trái sang) tại Hội thảo quốc gia kỷ niệm 90 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tháng 6-2015. Nguồn: Báo Nhân Dân

Lần khác là dịp tòa soạn chuẩn bị kỷ niệm 20 năm ngày xuất bản Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng tháng 3-2014, chỉ huy phòng giao cho tôi đến gặp và đề nghị nhà báo Hữu Thọ có một vài ý kiến nhận xét, góp ý để nâng cao chất lượng tờ báo. Ông đã nói với tôi về hai việc, theo ông cực kỳ quan trọng với nghề báo, là tính hấp dẫn và sự đúng đắn của báo chí. Ông nói: “Báo mạng ngày nay phát triển nhưng vẫn không thể thay thế được báo giấy. Các bạn không thể chạy đua được với báo mạng về thông tin vì đặc điểm kỹ thuật của báo mạng là cập nhật thông tin từng phút, từng giờ-tức là tính thời sự báo giấy không bằng báo mạng. Nhưng các bạn có thế mạnh là có nguồn thông tin chính thức. Thực tế, khi người ta đọc nhiều thông tin từ nhiều nguồn, chắc chắn họ sẽ quay về nguồn thông tin chính thống, chính xác với mục đích khẳng định thông tin để điều chỉnh hành vi”. Sau đó, ông đề xuất: “Qua theo dõi, tôi thấy các bạn đang nói về chiến thắng nhiều quá mà chưa khai thác những mặt chưa được, những lần thất trận của ta. Thực tế, bài học có được từ những cái thua lớn hơn nhiều cái thắng, bởi đó là bài học sâu sắc nhất của lô-gích cuộc đời mỗi con người. Vì vậy, nếu được, tôi đề nghị nên đăng cả những trận đánh mà ta không thắng, bài học kinh nghiệm và cả góc nhìn từ “phía bên kia” để ấn phẩm ngày một sinh động, hấp dẫn hơn”. Những ý kiến của ông, tôi báo cáo lại với Ban biên tập, chỉ huy phòng và hiện nay chúng tôi đang từng bước đổi mới trên cơ sở tiếp thu những ý kiến quý báu này.

Đến bây giờ tôi vẫn thấy mình may mắn vì có nhiều dịp được “mạn đàm” cùng cố nhà báo Hữu Thọ. Qua các cuộc trò chuyện, ông chia sẻ những câu chuyện tác nghiệp khiến tôi học được nhiều điều. Ví như chuyện ông kể về bài phát biểu của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh tại một hội nghị chống chủ nghĩa cá nhân mà ông là người trực tiếp dự thính. “Đó là một bài phát biểu rất hay, sau này đã được đưa vào sách. Sở dĩ nó trơn tru như các bạn đọc thấy vì có thể người ta ghi âm xong bóc băng rồi đưa cho anh Thanh đọc chỉnh sửa lại. Chứ tôi suốt thời gian đi theo anh Thanh, ở trong quân đội thì tôi không biết, chứ ngoài cuộc sống anh toàn nói vo và nói theo kiểu đối đáp. Hôm đấy anh Thanh cũng thế, vì vậy mà cái văn bản kia dù hoàn chỉnh nhưng lại để mất đi cái thần của Nguyễn Chí Thanh. Và chính cái mất đi đó mới để lại ấn tượng sâu sắc với chúng tôi”- ông nói. Và chi tiết nhà báo Hữu Thọ ấn tượng và tiếc là cánh báo chí không đưa được vào bài viết chính là hình ảnh Đại tướng vừa đi đi lại lại trên bục vừa nói: “Cái anh mắc chủ nghĩa cá nhân là người làm việc gì cũng tính toán được gì, được gì, mất gì, mất gì”. Đây chính tư tưởng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh về chống chủ nghĩa cá nhân. Khi kể chuyện này, nhà báo Hữu Thọ muốn dặn cánh nhà báo trẻ rằng làm báo cần phải có tính phát hiện, những chi tiết nhỏ nhiều khi chính là chi tiết đinh của bài báo.

Hay như chuyện về việc ông viết loạt ba bài điều tra liên quan đến chủ trương đổi mới của Chỉ thị 100 (khoán 100, tháng 1-1981-PV) là: Ai giỏi nghề gì làm nghề đó; Rồi ra khoán thầu; Máy công và máy tư đăng trên Báo Nhân Dân. Hồi ấy, trước Nghị quyết 10, Bộ Chính trị có Chỉ thị 100 mở ra nhiều quyền cho xã viên. Nhưng nó lại bị giới hạn bởi phạm vi thực hiện là chỉ tiến hành ở miền Bắc, miền Nam thì làm thử; vẫn còn “năm khâu, ba khâu” - có nghĩa là người nông dân vẫn chưa hoàn toàn làm chủ, tập thể vẫn nắm trọn những khâu chủ chốt của sản xuất... Sau khi xem các bài báo của ông, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã tổ chức chuyến đi về ngay hai xã Tứ Trưng và Vạn Xuân của huyện Vĩnh Lạc, tỉnh Vĩnh Phú, nơi bài báo phản ánh, hỏi nông dân hai câu: “Bài báo viết có đúng hay không?”, “Bà con có tán thành cách làm đó hay không?”. Khi trả lời câu hỏi của Tổng Bí thư, bà con nhân dân cơ bản ủng hộ nội dung các bài báo. Qua câu chuyện, tôi hiểu ông muốn chuyển tải thông tin rằng người làm báo cần phải sát thực tiễn, viết những điều mắt thấy tai nghe thì sẽ có được những tác phẩm báo chí chân chính, có tác dụng xã hội...

Còn rất nhiều câu chuyện nghề nghiệp mà nhà báo Hữu Thọ từng chia sẻ với không chỉ riêng tôi mà còn rất nhiều thế hệ làm báo sau này nữa, về tác phong làm việc và đạo đức người làm báo. Dù đã ở bên kia thế giới nhưng người đời sẽ luôn nhớ đến ông không chỉ là một “quan báo”, mà là một cây viết có nghề, có tâm và sung sức viết cho đến tận cùng thời gian của một đời người làm báo.

BÍCH TRANG