Đã ở tuổi bách niên nhưng nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp vẫn minh mẫn và khỏe mạnh. 17 giờ mỗi chiều, ông đều thong thả đi bộ trên phố nhà binh-phố Lý Nam Đế (Hà Nội), sẵn sàng đứng lại hàng giờ kể chuyện nếu có bạn trẻ nào nhận ra và đề nghị ông chia sẻ kỷ niệm. Ông nhớ rõ nhiều sự kiện từng được chứng kiến, viết tin, bài tuyên truyền. Như việc ông có mặt và đưa tin về cuộc tổng tuyển cử đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội nước Việt Nam thống nhất, sau Đại thắng mùa Xuân 1975. Hay nhiều lần viết về các chuyến thăm, làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đơn vị quân đội. Nhớ nhất là lần ông được giao nhiệm vụ tường thuật buổi nói chuyện của Bác Hồ với bộ đội Đại đoàn 308-Đại đoàn Quân Tiên Phong tại đền Giếng (Khu di tích lịch sử Đền Hùng-Phú Thọ) sáng 19-9-1954. Bài viết của ông sau đó được đăng trên trang nhất Báo QĐND, đã gây tiếng vang với câu nói nổi tiếng của Bác: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Hơn hai phần ba thế kỷ đã qua, câu nói ấy của Người đã trở thành một phần lịch sử của báo chí cách mạng Việt Nam và của truyền thống Sư đoàn 308 (Quân đoàn 1) hôm nay.

Đặc biệt, trong câu chuyện ông kể, những ngày làm báo có “một không hai” tại Điện Biên Phủ năm 1954 luôn là kỷ niệm khó phai nhất. “Trong lịch sử báo chí cách mạng Việt Nam, duy nhất có một tòa soạn báo ở mặt trận tiền phương và phát hành báo in ngay tại nơi khói lửa chiến trường, kịp thời động viên những người lính Bộ đội Cụ Hồ đang trực tiếp cầm súng chiến đấu. Đó là Báo QĐND”-Đại tá Nguyễn Khắc Tiếp tự hào khẳng định.

leftcenterrightdel
 - Nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp (giữa) tại Lễ trao tặng giải thưởng "Bút sắc, lòng trong". Ảnh: TUẤN SƠN

Là một trong 5 phóng viên chủ chốt đầu tiên của Báo QĐND tác nghiệp tại mặt trận, tham gia cả 33 số báo đặc biệt nên ông nhớ rất rõ quá trình tổ chức các số báo. 140 ngày đêm thực hiện nhiệm vụ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ cách đây 68 năm, tòa soạn Báo QĐND ngoài mặt trận ngày ấy ban đầu gồm 5 đồng chí: Hoàng Xuân Tùy (phụ trách chung), Trần Cư (thư ký tòa soạn), phóng viên là Phạm Phú Bằng, Nguyễn Khắc Tiếp và họa sĩ Nguyễn Bích, sau này được bổ sung thêm đồng chí Nguyễn Trần Thiết. Nhưng rất may là tờ báo đã có một lực lượng cộng tác viên đông đảo với những tên tuổi như: Nguyễn Đình Thi, Vũ Cao, Mai Văn Hiến, Đỗ Nhuận, Lương Ngọc Trác, Thép Mới, Thái Duy... Ngoài những người trực tiếp viết tin, bài, bộ phận phát hành và in báo cũng đi cùng tòa soạn. Lúc đầu, báo đóng ở hang Thẩm Púa, đến cuối tháng 1-1954 thì dời đến đóng ở Mường Phăng-tổng hành dinh của Bộ chỉ huy chiến dịch đến ngày thắng lợi. Số đầu tiên phát hành ngày 28-12-1953, đánh số 116 (cùng với số ra ở hậu phương) nhưng có in thêm tiêu đề: Xuất bản tại mặt trận. Tờ báo xuất bản mang số 148, ra ngày 16-5-1954 là tờ báo cuối cùng ở mặt trận, cũng là số báo đặc biệt tổng hợp chiến công và long trọng chào mừng Chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp kể: “33 số báo của chúng tôi không xuất bản liên tục. Khi chiến sự diễn ra dồn dập thì 2-3 ngày thậm chí là 5 ngày mới ra được một số. Độc giả là cán bộ, chiến sĩ trong quân đội tham gia chiến dịch nên cách viết của chúng tôi vừa phải sát thực tế chiến đấu để bộ đội thấy rõ cuộc sống mình trong đó, vừa phải bảo đảm bí mật để nếu tờ báo rơi vào tay địch cũng không bị lộ phương châm, cách đánh của ta. Trên mỗi số báo, chúng tôi sử dụng đủ các thể loại, gồm cả chính luận, bình luận đến thơ ca, hò vè, bút ký, ký sự, tranh châm biếm... miễn sao bộ đội đọc, dễ hiểu nhất!”.

Trong trí nhớ của nhà báo Khắc Tiếp, tòa soạn Báo QĐND luôn sôi động trước giờ nổ súng và sau mỗi trận đánh lớn. Tin, bài, tranh gửi về được biên tập và cho sắp chữ ngay. Báo in xong lúc nào là trao ngay cho đội phát hành. Việc chuyển báo lúc đó chỉ bằng phương tiện duy nhất là “chạy chân”. Bộ phận phát hành vừa gánh vừa đuổi theo đơn vị hành quân mà cấp phát. Đội quân phát hành nhiều khi không được nghỉ, vượt qua đèo dốc đi xuống trận địa phát hành vừa hết các đơn vị quay về thì báo mới đã ra... “Trong hầm sâu, những bản in đều được chuẩn bị tỉ mỉ, trau chuốt để hạn chế tối đa các sai sót. Có những số báo yêu cầu như công văn hỏa tốc, phải đưa đến ngay các đơn vị đọc trước giờ xuất trận. Chính vì thế, Báo QĐND ngoài mặt trận đã phát huy tác dụng động viên, tuyên truyền mạnh mẽ và kịp thời nhất so với các phương tiện khác lúc bấy giờ”. Đại tá Nguyễn Khắc Tiếp cho biết.

Giờ đây, nhà báo, người chiến sĩ năm nào đã bước sang tuổi 100 với 77 năm tuổi Đảng. Bằng tài năng, nhiệt huyết và sự bình dị, khiêm nhường của mình, Đại tá Nguyễn Khắc Tiếp đã để lại cho thế hệ cầm bút hôm nay tấm gương sáng về một nhà báo “bút sắc, lòng trong”.

HOÀNG SƠN