Ngày đó, bộ đội chúng tôi rất vất vả. Thời tiết khắc nghiệt, nhất là cái nắng cháy da cháy thịt trên vùng sỏi đá ong khô cằn chỉ có những cây sim, mua, bạch đàn mới sống được. Nhưng niềm vui thì luôn bất tận và những kỷ niệm người lính suốt đời không thể nào quên đã dần dần ùa vào các trang văn, bài báo của tôi. Chính nơi đây, tôi đã viết những bài báo đầu tiên, những truyện ngắn đầu tiên...

Bài báo đầu tiên tôi viết về chuyện trực ban, trực nhật của cánh tân binh trong đơn vị. Trực ban, trực nhật khi đó phải xuống bếp ăn hỗ trợ cánh anh nuôi cơm nước cho bộ đội. Phải đi sớm về muộn. Phải rửa những chảo gang khổng lồ mỡ màng, nhọ nồi bám đen kịt. Phải chia hàng trăm suất ăn gồm rau, đậu, thịt, nước mắm, tương, cà vô thiên lủng sao cho đều đặn, tinh tươm. Vào những buổi liên hoan, trực ban, trực nhật ngập đầu trong mỡ màng, nhọ nồi, mắm tôm mắm cáy, mặt mũi nhem nhuốc không còn nhận ra mình. Bài báo tôi viết về buổi trực ban được đăng trên Báo Quân đội nhân dân Thứ bảy (nay là Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần) khiến anh em tiểu đội, trung đội, đại đội, trung đoàn ai nấy như không tin đó là sự thực. Không thể ngờ được một cậu binh nhì từ hình hài đến khẩu khí chẳng có gì đặc biệt lại có được bài báo to đoành đăng báo.

leftcenterrightdel
 Tác giả (thứ ba, từ trái sang) trong cuộc phỏng vấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp (năm 1998). Ảnh do tác giả cung cấp

Báo chí cấp toàn quân, toàn quốc tính sau nhưng cấp bách trước mắt đại đội giao cho tôi và hai đồng chí tân binh thực hiện tờ báo tường của đơn vị. Đây chính là những bài báo đầu tiên được thể hiện rất lính tráng. Không hiểu sao lúc đó tôi lại đột nhiên tinh hoa phát tiết, các chuyên mục từ xã luận, tiểu phẩm, tranh cổ động, văn, thơ, nhạc, họa đều cứ thế tuôn ra khiến thủ trưởng và các đồng đội rất yêu thích. Tờ báo tường của đại đội tôi đã đoạt giải nhất cấp trung đoàn, gây tiếng vang rất lớn. Tôi bỗng nhiên trở thành một nhà thơ cấp đại đội, tối nào sinh hoạt anh em cũng bắt tôi lên đọc thơ trước toàn thể mọi người. Điện đóm thì hôm có hôm không. Chiếc đèn bão chập chờn khi mờ khi tỏ nhưng thơ văn lính tráng thì sôi động lắm. Tôi bỗng trở nên nổi tiếng, được anh em rất ưu ái gánh vác cho nhiều việc trong học tập, sinh hoạt thường ngày.

Những bài báo đầu tiên còn là những lá thư viết giúp đồng đội. Ngày đó, hàng trăm tân binh chúng tôi đều sử dụng hình thức viết thư bằng bút mực, giấy và phong bì thư được đơn vị bao cấp thoải mái. Các chiến sĩ quân bưu luôn được cánh tân binh trông ngóng hằng ngày.

Vào bộ đội, tôi bỗng phát hiện ra mình cũng có nhiều tài lẻ. Tài viết thư là số một. Viết lá thư nào cũng như viết báo, rất nghiêm chỉnh. Các vấn đề đặt ra trong thư dẫu là thư tình để đồng đội gửi về cho người yêu, tôi cũng viết rất nghiêm chỉnh, đến mức hậu phương phản hồi lên là phụ huynh của em vốn là lính chiến, giờ ở quê là Bí thư chi bộ thôn, đã đem ra công khai đọc trước chi bộ; mọi người còn khen chàng ta từ lúc đi bộ đội đã trưởng thành vượt bậc, viết thư cho người yêu trang nghiêm trọng thể như... đọc lời thề trước cờ Tổ quốc.

Ba tháng tân binh nhanh như gió thoảng. Chúng tôi chia tay nhau lên đường tới khắp các miền Tổ quốc, mỗi người một ngả, bịn rịn, bồi hồi. Ai cũng đến nắm chặt tay tôi, xúc động bảo khi đến đơn vị mới sẽ cung cấp địa chỉ để tôi tiếp tục viết thư giúp, kẻo ông bố vợ tương lai sẽ kiểm tra về “trình độ” viết thư thì gay go lớn. Chúng tôi cười trong nước mắt, nắm chặt tay nhau và tôi hứa sẽ dành thời gian để viết những lá thư mẫu gửi cho đồng đội.

Tôi cũng trở về đơn vị mới học sửa chữa xe tăng tại Trường Hậu cần-Kỹ thuật Quân đoàn 2. Sau vài tháng, tôi chuyển về Tiểu đoàn 1, Cục Kỹ thuật, Binh chủng Tăng thiết giáp (nay là Xưởng X1, Cục Kỹ thuật Binh chủng, Tổng cục Kỹ thuật). Làm vệ binh gác kho xưởng dù công việc rất nhiều, phải đi tuần đêm một vòng hơn 4km quanh đơn vị, ngày nghỉ tham gia tăng gia sản xuất, chăn bò, đóng gạch, vậy mà tôi vẫn dành thời gian để viết thư mẫu cho đồng đội và viết báo gửi các nơi...

Những bài báo từ chính cuộc sống đơn vị nơi mình đóng quân được in trên Báo Quân đội nhân dân, Báo Nhân Dân, Báo Tiền phong, truyện ngắn được in trên Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã cho tôi niềm tin và động lực rất lớn, chính là mấu chốt, là bước ngoặt để tôi tình nguyện ở lại Quân đội đến hôm nay.

leftcenterrightdel
 Tác giả (ngoài cùng, bên phải) cùng các nhà báo Quân đội tác nghiệp

ở quần đảo Trường Sa, năm 2023. Ảnh: TUẤN DŨNG

Cuối năm 1995, tôi được cấp trên cử đi học lái xe tại Trường Lái xe 255, sau này là Trường Trung cấp Kỹ thuật Xe-Máy (nay là Trường Cao đẳng Kỹ thuật Quân sự 1) của Tổng cục Kỹ thuật. Đến đơn vị mới, đồng đội mới, nhiệm vụ mới, tôi hăm hở với những tháng ngày học tập, rèn luyện trên thao trường đồi đất Sơn Tây.

Trong đại đội và nhà trường, các thủ trưởng đã bắt đầu chú ý đến tôi với lý lịch được giải thưởng viết về kỷ niệm sâu sắc trong đời bộ đội, được xướng danh trên báo trang trọng. Phát huy tinh thần chủ động tiến công, tôi đã viết một số bài báo về chính đại đội mình, Trường Lái xe 255 thân yêu mà tôi đã ở đó gần một năm tới khi tốt nghiệp ra trường.

Những bài báo về truyền thống của bộ đội lái xe, nhất là đội nữ lái xe vận tải quân sự Trường Sơn thời chiến tranh chống Mỹ; những tấm gương người tốt, việc tốt bình dị ngay bên cạnh mình. Đó là chị nuôi quân đêm mưa rét buốt 2-3 giờ sáng đã tới chuẩn bị bữa ăn cho bộ đội. Đó là chị thư viện làm việc thông tuần cả thứ bảy lẫn chủ nhật cung cấp tài liệu, sách vở cho bộ đội. Đó là các thầy giáo hết lòng hết sức với học viên để phong trào lái xe tốt, bảo đảm an toàn, tiết kiệm được diễn ra liên tục năm này qua năm khác với kết quả đáng tự hào. Những bài báo của tôi được đồng đội đón nhận và vui chung, cùng tâm đắc và chia sẻ. Các nhân vật trong bài báo đều có thật. Các chị, các anh ai cũng quý mến tôi, dành cho tôi quyển sách mới, thậm chí là đĩa cơm cháy vàng ruộm dưới đáy nồi quân dụng, tôi bẻ ra cùng đồng đội ăn chung. Hạnh phúc của đời người chiến sĩ là đấy chứ còn ở đâu xa xôi, diệu vợi. Chính những bài báo thời kỳ đó đã cho tôi trưởng thành rất nhiều từ cuộc sống người chiến sĩ.

Thời kỳ tôi ở Trường Lái xe 255, trong các buổi sinh hoạt đại đội, tôi đều được phân công lên đọc báo cho anh em. Nhiều khi đồng đội yêu cầu đọc thơ của mình và các bài thơ về quê hương, đất nước, nhất là thơ tình, tôi đều vui vẻ đem hết khả năng ra phục vụ. Những bài thơ trên Báo Quân đội nhân dân Thứ bảy (sau là Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần), tôi đều đọc hết cho bộ đội nghe, trong đó có cả thơ tôi. Thời kỳ này (năm 1995, 1996) tôi xuất hiện khá thường xuyên trên các báo trong và ngoài Quân đội. Nhà thơ Đỗ Trung Lai khi đó thường xuyên liên lạc động viên tôi viết và biên tập, đăng các tác phẩm của tôi trên Báo Quân đội nhân dân Cuối tuần. Mỗi khi có dịp về tòa soạn, ông cùng với nhà thơ Hồng Thanh Quang, nhà báo Phạm Quang Đẩu chân thành mời cậu binh nhì cộng tác viên đi đánh chén rất vui vẻ.

Những bài báo đầu tiên của một thời đã thay đổi cuộc sống của tôi, thậm chí là bẻ sang một hướng hoàn toàn mới. Từ những bài báo, truyện ngắn hãy còn thô sơ, vụng về ấy, dần dần được đồng đội yêu mến, chia sẻ, đồng hành đã cho tôi sự tự tin và cả quyết tâm bước vào nghiệp văn bút đến hôm nay. Bước ngoặt lớn nhất, quyết định để tôi ở lại Quân đội cũng chính từ những bài báo, truyện ngắn đầu tiên ấy. Đó là đầu năm 1996, đích thân nhà văn Khuất Quang Thụy khi đó là Trưởng ban Văn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội đi xe máy từ cơ quan Lý Nam Đế lên Sơn Tây làm việc với nhà trường để tôi được tham dự trại viết văn 20 ngày ở Đồ Sơn-Hải Phòng. Cũng tại trại viết này, tôi được gặp Trung tướng Lê Hai, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị và nhà văn Chi Phan, Trưởng ban Biên tập Truyền hình Quân đội (nay là Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội), những người đã có quyết định quan trọng trong việc điều chuyển tôi về công tác tại Truyền hình Quân đội, tháng 2-1997.

Những bài báo đầu tiên ấy bây giờ ngẫm lại vẫn còn ăm ắp kỷ niệm xúc động. Cánh binh nhất, binh nhì ngày ấy giờ nhiều người đã nghỉ hưu, đã lên ông nội, ông ngoại; có người đã mất do bệnh tật; có người trở thành doanh nhân lớn, mỗi khi điện thoại với nhau, gặp mặt nhau, ai nấy vẫn không quên nhắc chuyện lính tráng thuở nào; chuyện về nhà báo nghiệp dư được in bài trang nhất khi có nhuận bút rủ nhau chén chú chén anh bồng mắt thỏ hoa ngâu. Sau này, dẫu đã viết hàng nghìn bài báo, nhiều nghìn trang tiểu thuyết, tôi vẫn không thể nào quên những bài báo đầu tiên khi là cậu lính binh nhì tuổi đôi mươi...

Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI