Tháng 11-1953, chiến sĩ Nguyễn Xuân Mai cùng đơn vị hành quân lên Tây Bắc chiến đấu, giải phóng thị xã Lai Châu; sau đó được phổ biến tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ông Mai tâm sự: Sau nhiều ngày hành quân bộ xuyên rừng, xuyên đêm, lội suối, vượt đèo, đơn vị của ông được bố trí trên đồi Tà Lèng (Điện Biên Phủ) làm nhiệm vụ bắn máy bay địch, bảo vệ trận địa sơn pháo của ta và tuyến phòng ngự các Trung đoàn 174, 98 của Đại đoàn 316 từ Tà Lèng qua dãy Đồi Xanh đến Khe Chít. Đơn vị nằm trong tầm đạn pháo 105mm của địch, do vậy, mọi hoạt động chiến đấu, sinh hoạt của bộ đội hoàn toàn bí mật dưới hầm, hào trong điều kiện gian khổ, mưa dầm, cơm vắt...

Trước tình thế ấy, Tiểu đoàn 536 phát động thi đua “Củng cố trận địa, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội”. Đại đội của Nguyễn Xuân Mai làm tờ “báo hầm” để quán triệt các chủ trương, quyết sách của trên, phản ánh hoạt động của Đại đội, đồng thời cải thiện đời sống văn hóa tinh thần cho bộ đội. Vì đã có kinh nghiệm làm tờ tin dán trên liếp tre ở hậu phương nên Nguyễn Xuân Mai được giao nhiệm vụ làm tổ trưởng tổ “báo hầm” của Đại đội. Để làm “báo hầm”, Đại đội đào một khoang hầm rộng 20m2 ở sườn đồi phía quân ta. Căn hầm sâu hơn 2m, có mái che và được ngụy trang, có 2 đường hào nhánh ra đường hào trục. Các chiến sĩ chọn một vách tường nhẵn rồi căng tấm vải lên vách để dán các bài viết. Đại đội đặt tên “báo hầm” là Quyết Thắng. Đồng chí Lê Quang Tôn vẽ truyền thần giỏi được giao trình bày “báo hầm”. Bức chân dung Bác Hồ do anh Tôn vẽ luôn được treo trang trọng trên tờ báo.

leftcenterrightdel

Đại tá Nguyễn Xuân Mai giới thiệu bức ảnh được chụp với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Ông Mai cho biết, “báo hầm” lúc đầu chưa có nhiều bài viết, chỉ phản ánh các hoạt động, thành tích của Đại đội. Để có nhiều tin, bài, ông đề xuất mỗi trung đội phải có một thành viên tham gia làm “báo hầm”, hằng ngày vận động mọi người viết bài, chủ yếu là viết văn vần, thơ tự do; nhờ đó càng về sau càng nhiều bài. Đặc biệt, lúc ấy, Báo Quân đội nhân dân đã xuất bản tại mặt trận, được cán bộ, chiến sĩ đón nhận. Là chiến sĩ liên lạc, hằng ngày phải lên sở chỉ huy Tiểu đoàn nhận thông tin, công văn, giấy tờ, ông Mai đã tranh thủ chép những bài viết hay về gương dũng cảm, thành tích chiến đấu trên Báo Quân đội nhân dân để bổ sung cho “báo hầm”; nhờ đó phản ánh hoạt động gần như toàn Mặt trận Điện Biên Phủ. “Báo hầm” lúc ấy được đón nhận, một phần là nhờ cán bộ, chiến sĩ hằng ngày đi nhận cơm đều phải đi qua khu vực để “báo hầm” nên ai cũng tranh thủ đọc. Mặt khác, tổ “báo hầm” thường xuyên cử người bóc các bài “báo hầm” đến tận nơi đọc cho cán bộ, chiến sĩ ở các hầm, hào nghe nên có tác dụng rất lớn trong động viên, khích lệ tinh thần chiến đấu của bộ đội.

Thời ấy đi nhiều, viết nhiều, song bài viết “Tết bánh chưng chay, lập chiến công đậm” khiến ông Mai nhớ nhất. Đó là vào sáng mồng Một Tết Nguyên đán Giáp Ngọ (3-2-1954), sau khi nghe chỉ huy đọc thư chúc Tết của Bác Hồ, mỗi người được phát 1 chiếc bánh chưng chay, không có nhân. Bữa ăn ấy, mỗi tiểu đội có 1 máng nứa đựng hoa chuối rừng rất ngon. Ăn xong, mỗi tiểu đội được phát vài điếu thuốc lá là quà Tết của nhân dân hậu phương gửi tặng. Mỗi người chia nhau hút một vài hơi cho ấm người... Bánh chưng chay có thể xem là một sáng kiến của anh nuôi mặt trận lúc bấy giờ. Những đơn vị tuyến trước hầu hết chỉ được lĩnh gạo nếp của đồng bào. Thương cán bộ, chiến sĩ ăn mãi gạo nếp, anh nuôi đã đổi sang gói bánh chưng. Khổ nỗi, thịt ướp đóng thùng từ hậu phương chuyển đến, hằng ngày mỗi người được chia 2 miếng thịt lợn kho mặn chát bằng 2 ngón tay, không thể làm nhân bánh nên phải luộc bánh chưng chay... Bộ đội đang đón Tết thì quân Pháp cho máy bay, xe tăng ra đánh phá trận địa phòng ngự Đồi Xanh của Trung đoàn 98 và đánh vào trận địa sơn pháo của ta. Ngay lập tức, Đại đội 677 được lệnh dùng hỏa lực bắn máy bay, yểm trợ đắc lực cho bộ binh. Kết quả, ta đã đánh lui các đợt tiến công của địch, tiêu diệt gần 60 tên. Đúng mồng Bốn Tết, Đại đội 677 lập chiến công lớn, lần đầu tiên bắn rơi máy bay tại chiến trường Điện Biên Phủ, được đồng chí Chu Huy Mân, Chính ủy Đại đoàn 316 trực tiếp xuống trận địa biểu dương, khen thưởng. Bài viết “Tết bánh chưng chay, lập chiến công đậm” của ông Mai đã kịp thời phản ánh đời sống, cuộc chiến đấu đầy gian lao, vất vả cũng như tinh thần, nghị lực khắc phục mọi khó khăn, quyết chiến, quyết thắng; động viên, khích lệ các chiến sĩ Điện Biên thi đua giết giặc lập công dâng lên Bác Hồ.

Bài và ảnh: PHẠM KIÊN