Chúng tôi luôn coi hai nhà báo lão thành Nguyễn Khắc Tiếp và Phạm Phú Bằng như “bảo vật” của Báo QĐND. Nhà báo Phạm Phú Bằng vừa qua đời tháng 3-2024. Họ là những người đã trực tiếp cầm súng, cầm bút tham gia nhiều chiến dịch, trận đánh; đặc biệt là trực tiếp tham gia làm 33 số báo QĐND xuất bản tại Mặt trận Điện Biên Phủ. Tòa soạn báo đi theo chiến dịch, xuất bản tại mặt trận như Báo QĐND là một kỳ tích mà trên thế giới chưa từng có!
Nhớ lại 10 năm trước, vào đầu năm 2014, tôi muốn gặp nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp để hỏi chuyện làm Báo QĐND ở Mặt trận Điện Biên Phủ. Trước đó, nhà báo Phạm Phú Bằng đã nhắc tôi: “Cậu phải chuẩn bị thật kỹ, chứ anh Tiếp khó tính lắm đấy”. Y như rằng, khi gặp tôi, nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp hỏi rất kỹ, rằng đã đọc cuốn này chưa, cuốn kia chưa, rồi cuối cùng ông bảo: “Cậu về đi, khi nào đọc xong hai cuốn sách “Tướng Navarre với trận Điện Biên Phủ” của tác giả-cựu binh Jean Pouget (từng là sĩ quan tùy tùng kiêm thư ký riêng của Navarre) và cuốn “Điện Biên Phủ-170 ngày đêm bị vây hãm” của tác giả-cựu binh Erwan Bergot-thì đến gặp tôi”. Trước khi tôi ra về, ông hỏi: “Cậu biết ông Lê Kim chứ?”. “Cháu biết ạ”. “Thế cậu qua nhà ông Lê Kim mà mượn, chắc ông ấy vẫn còn hai cuốn đó vì ông Lê Kim là người dịch hai cuốn này”.
|
|
Đôi bạn Nguyễn Khắc Tiếp (bên phải) - Phạm Phú Bằng, năm 2022. Ảnh: BÍCH TRANG
|
Mừng quá, tôi vội đến nhà bác Lê Kim. Khi nghe tôi đặt vấn đề mượn hai cuốn sách mà nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp giới thiệu, bác Lê Kim nhìn tôi rất hoài nghi. Thôi chết, chắc tay nào mượn sách của bác nhưng không trả lại. Quả nhiên, bác Lê Kim bảo: “Cậu thì tôi tin. Nhưng có điều... có điều... tôi chỉ còn duy nhất cuốn “Tướng Navarre với trận Điện Biên Phủ” giữ làm kỷ niệm. Khó nhỉ! Thôi, tôi cho cậu mượn, cậu nhớ giữ cẩn thận”.
3 ngày sau, tôi quay lại nhà riêng của nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp với sự tự tin hơn. May mắn là tôi cũng gặp được nhà báo Phạm Phú Bằng ở đó. Hai ông trò chuyện rôm rả về kỷ niệm chiến trường nên những câu hỏi của tôi chuẩn bị thành thừa. Cả hai nhà báo lão thành đều uyên bác mà tinh tế. Các ông biết tôi cần gì nên đã chủ động kể lại chuyện làm báo năm xưa ở Mặt trận Điện Biên Phủ, rồi cả những chuyện bên lề, tôi cứ thế vừa ghi chép vừa tán dương trí nhớ tuyệt vời của hai ông.
Nghe chuyện hai ông kể về làm 33 số báo QĐND ở Mặt trận Điện Biên Phủ, tranh luận đúng-sai các chi tiết để làm rõ vấn đề mà tôi không khỏi ngưỡng mộ. Hai ông hào hứng nhớ về người phụ trách chung 33 số báo - Hoàng Xuân Tùy, về người đồng đội Trần Cư-thư ký tòa soạn Báo QĐND tại Mặt trận Điện Biên Phủ... Tôi lúc đó đã mong hai ông kể chuyện dài, dài nữa để thế hệ hậu bối như tôi thêm hiểu về những năm tháng, những trang sử kiêu hùng của Báo QĐND.
Nói về người chỉ huy Hoàng Xuân Tùy, nhà báo Nguyễn Khắc Tiếp nhớ lại: “Đó là một con người có trí nhớ tuyệt vời, tài hoa mà đức độ. Anh Hoàng Xuân Tùy chỉ đạo công việc rõ ràng, dứt khoát, mạch lạc, giúp cấp dưới dễ hiểu, dễ nhớ đầu việc”. Nhà báo Phạm Phú Bằng xúc động nhớ lại hình ảnh người chỉ huy Hoàng Xuân Tùy đứng ở lán chờ đợi hai phóng viên chiến trường (Nguyễn Khắc Tiếp, Phạm Phú Bằng) trở về sau mỗi lần đi thu thập thông tin, tài liệu ở các trận địa. Nhà báo Phạm Phú Bằng tiếp lời: “Từ xa, tôi đã thấy anh Hoàng Xuân Tùy sốt ruột đi lại ở cửa lán. Anh vừa mong tin, bài vừa lo chúng tôi nhỡ không may bị trúng bom, đạn. Có người chỉ huy thương quân, thương cấp dưới như thế nên phóng viên chúng tôi ra sức hoàn thành công việc. Hồi ấy, giá như tôi khỏe hơn thì có thể gánh được nhiều báo hơn đến cho chiến sĩ ở các đơn vị trong mỗi chuyến đi...”.
HÀ THANH