Cuối năm 1946, thực dân Pháp tiến hành nhiều hoạt động quân sự ở Hà Nội. Ngày 19-12-1946, Bác Hồ ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, cả Thủ đô sục sôi không khí chiến đấu. Mặc dù địch dùng mọi thủ đoạn đàn áp, cấm đoán nhưng thầy trò trường Trưng Vương vẫn tham gia nhiều hoạt động ủng hộ cách mạng, đóng góp vào công tác tuyên truyền của Đảng. Trong đó có tờ báo Nhựa sống tổ chức xuất bản tại trường và được in ấn ngay trong lòng địch. Trụ sở của Bộ Quốc phòng đặt tại trường cũng được đào đắp, xây ụ, trở thành một chiến lũy trong lòng Hà Nội. Tại đây đã diễn ra những cuộc chiến đấu và hy sinh anh dũng của các chiến sĩ bảo vệ trụ sở Bộ Quốc phòng.

“Ngày 21-12-1946, các chiến sĩ Trung đội 1, Đại đội 1, Tiểu đoàn 77 cùng hai tiểu đội tự vệ khu đại học đã kiên cường chiến đấu bảo vệ trụ sở Bộ Quốc phòng, góp phần vào chiến công chung của quân dân Thủ đô trong những ngày đầu Toàn quốc kháng chiến”-đó là nội dung được khắc trên tấm biển bằng đá màu đỏ, hình chữ nhật, được đặt trang trọng ở ngay cổng trường để ai cũng có thể đọc được. Cũng tại nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần tới thăm trường. Mỗi khi có lứa học sinh mới vào trường, trong buổi học đầu tiên, các em đều được nghe kể lại biết bao câu chuyện hào hùng về những năm tháng oanh liệt ấy suốt quá trình tìm hiểu về các di tích trong trường. 

leftcenterrightdel
 Bia tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ trong khuôn viên Trường THCS Trưng Vương. Ảnh: MINH HOÀI

Trong khuôn viên Trường THCS Trưng Vương còn có một đường hầm được xây dựng vào những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp, để mỗi khi hội họp hoặc có tình huống báo động, các đồng chí cán bộ của ta có thể rút theo đường hầm này. Căn hầm được xây dựng kiên cố, trên có vật liệu cứng dày hàng mét, rộng khoảng 40m2, có hai lối ra vào. Nhà giáo Ưu tú Vũ Hữu Định, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương, hiện trú tại phố Hàng Bún, Hà Nội, cho biết: “Tôi về trường công tác từ năm 1970. Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, căn hầm không chỉ là nơi trú ẩn cho giáo viên, học sinh nhà trường mà còn là nơi cứu chữa các thương binh, bệnh binh của Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam-Cuba. Đây là một phần quan trọng trong hệ thống phòng thủ dân sự của Hà Nội thời kỳ đó. Sau này, do không sử dụng nữa, lối đi vào hầm đã bị lấp”.

leftcenterrightdel
 

Học sinh Trường THCS Trưng Vương tri ân các anh hùng liệt sĩ. Ảnh: MINH HOÀI

Quá trình tác nghiệp, chúng tôi được gặp và trò chuyện với nhiều giáo viên từng giảng dạy tại trường. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, truyền thống “yêu nước-dạy giỏi, học giỏi-nhân ái, tích cực hoạt động xã hội” luôn được thầy trò nhà trường ghi nhớ và lưu dấu bằng những hành động, việc làm thiết thực.

Cô Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng Trường THCS Trưng Vương tự hào khi nhắc về truyền thống và những thành tích nổi bật của trường Đồng Khánh-Trưng Vương: “Nhiều năm qua, trường luôn là lá cờ đầu của ngành giáo dục Thủ đô. Với những thành tích trong công tác dạy và học, nhà trường đã vinh dự được đón nhận nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba; danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới... Thời gian tới, cùng với công tác chuyên môn, nhà trường đề nghị thành phố đầu tư, tổ chức tu bổ, chỉnh trang để phát huy tốt giá trị lịch sử của căn hầm cùng các di tích khác trong trường, góp phần giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước và cách mạng cho các thế hệ học sinh...”.

MINH HUYỀN