Cuộc trở về cảm động
Ba vị khách mời đặc biệt và cũng là 3 nhân chứng lịch sử ấy là Đại úy Vũ Đăng Toàn, Trưởng xe tăng 390, nguyên Chính trị viên Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203, Quân đoàn 2 (nay là Quân đoàn 12); Nguyễn Văn Tập, lái xe và Ngô Sỹ Nguyên, pháo thủ số 1. Kíp xe tăng huyền thoại hôm nay đã thiếu vắng một thành viên, đó là Thiếu úy Lê Văn Phượng, nguyên Phó đại đội trưởng kỹ thuật. Ông Phượng đã hội ngộ cùng các anh hùng liệt sĩ ở thế giới người hiền.
Trước khi tham dự Đại lễ 30-4, 3 CCB kíp xe tăng 390 nửa thế kỷ trước đã được Báo Quân đội nhân dân mời, đón về dự và tham gia giao lưu trong Chương trình gặp mặt, tri ân đại biểu anh hùng, tướng lĩnh, CCB tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, chủ đề “50 năm toàn thắng về ta”, do Quân ủy Trung ương-Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam chỉ đạo, Báo Quân đội nhân dân tổ chức, diễn ra tại Hội trường Thống Nhất ngày 16-4-2025.
Trở lại TP Hồ Chí Minh tham dự các hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các CCB không giấu nổi niềm tự hào, phấn khởi, xúc động trước sự đổi thay mạnh mẽ của thành phố hôm nay. Dừng chân trước cổng Hội trường Thống Nhất, cả 3 CCB lặng lẽ quan sát, rồi tận tay sờ lên cánh cổng. “Vẫn vị trí này, vẫn cổng chính, cổng phụ, nhưng nay đẹp và thanh bình quá! Du khách đến tham quan đông đúc. 50 năm trước, để đến được đây, bao đồng chí, đồng bào đã phải nằm lại vĩnh viễn trên khắp các chiến trường trong suốt mấy chục năm đằng đẵng”, CCB Ngô Sỹ Nguyên bùi ngùi, xúc động.
Bước tới khu vực trưng bày mô hình xe tăng 390 và xe tăng 843 trong khuôn viên Hội trường Thống Nhất, các CCB lập tức trở thành tâm điểm chú ý. Một số du khách đang tham quan khu vực này nhận ra sự hiện diện của những chiến sĩ kíp xe tăng năm xưa, lập tức xúm lại nắm tay, hỏi han, xin chụp ảnh lưu niệm. Nhiều người hào hứng kể lại thời khắc chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập thông qua những tư liệu lịch sử từng đọc, từng nghe. Mỗi người góp một ý, khiến cho sự kiện lịch sử như một huyền thoại càng thêm hấp dẫn. Bỗng từ xa, một bạn trẻ reo lên: “Ôi, các bác thành viên kíp xe tăng 390 kìa!”. Đoàn khách tham quan khu vực đối diện nhìn theo chàng thanh niên đang chạy lại chỗ các CCB. Thế là đoàn người ùa lại chào hỏi, nắm tay như để cảm nhận đích thực những con người bằng xương, bằng thịt đã để lại dấu ấn đặc biệt sâu sắc trong Đại thắng mùa xuân năm 1975. Anh Nguyễn Nam Long, 36 tuổi, quê ở TP Phan Thiết (Bình Thuận) bày tỏ: “Trong chuyến du lịch đến TP Hồ Chí Minh lần này, cháu vô cùng may mắn được gặp các bác, những nhân chứng trong ngày toàn thắng. Chúng cháu rất mong được nghe các bác kể lại thời khắc chiếc xe tăng 390 húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập để hiểu hơn về lịch sử hào hùng và thêm tự hào về thế hệ cha anh”.
Trong niềm vinh dự và xúc động trào dâng, 3 nhân chứng lịch sử cùng nhiều vị khách đã tham dự Chương trình giao lưu của Báo Quân đội nhân dân. Tại đây, các nhân chứng đã kể lại sự kiện xe tăng 390 húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập trưa 30-4-1975. CCB Vũ Đăng Toàn kể: “Sáng 30-4-1975, nhận lệnh tiến vào Sài Gòn đánh chiếm dinh Độc Lập, Lữ đoàn 203 chia thành nhiều mũi tiến công. Đại đội tôi có 8 xe tăng. Đại đội trưởng Bùi Quang Thận trực tiếp chỉ huy chiếc đi đầu mang số hiệu 843. Tôi chỉ huy chiếc đi thứ hai mang số hiệu 390. Quá trình cơ động đến cầu Sài Gòn, chúng tôi gặp phải sự kháng cự quyết liệt của địch nên vừa phải cơ động, vừa chiến đấu. Khi ấy, đồng hồ điểm 9 giờ 30 phút. Thông qua bộ đàm, chỉ huy đại đội hội ý chớp nhoáng, rồi thống nhất quan điểm: “Nếu còn chần chừ thì diễn biến thế trận sẽ khó đoán, vì thế phải nhanh chóng chớp thời cơ vượt cầu Sài Gòn”. Với tinh thần “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, tốp xe tăng của Đại đội tôi đã tranh thủ thời cơ vượt cầu Sài Gòn, tìm đường tiến vào dinh Độc Lập”.
    |
 |
Các cựu chiến binh kíp xe tăng 390 giao lưu tại Chương trình “50 năm toàn thắng về ta” do Báo Quân đội nhân dân tổ chức ngày 16-4-2025. |
Sau thời gian vừa cơ động, vừa hỏi đường, xe tăng 390 do đồng chí Vũ Đăng Toàn chỉ huy đến gần dinh Độc Lập thì thấy xe tăng 843 của Đại đội trưởng Bùi Quang Thận đi phía trước. Thế nhưng tới dinh Độc Lập, xe tăng 843 rẽ sang cổng phụ bên trái và khựng lại trước cổng. Thấy vậy, lái xe Nguyễn Văn Tập hỏi Trưởng xe Vũ Đăng Toàn: “Giờ tính sao anh?”. Không chần chừ, Trưởng xe Vũ Đăng Toàn hạ lệnh: “Chú cứ tông thẳng vào cổng dinh”. Nhận lệnh, đồng chí Nguyễn Văn Tập liền chuyển hướng xe nhằm thẳng cổng chính, tăng ga, húc tung cánh cổng dinh Độc Lập và tiến vào bên trong.
CCB Vũ Đăng Toàn kể tiếp: “Theo hiệp đồng tác chiến, ai vào trước, đơn vị nào vào trước, dù có hy sinh cũng phải cắm cờ. Tôi liền cầm cờ, định nhảy xuống xe thì thấy anh Thận đã rời xe tăng 843 cầm cờ chạy thẳng vào trong dinh. Tôi nhanh chóng cầm khẩu súng tiểu liên AK, rồi nhảy xuống xe, chạy theo sau để chi viện và bảo vệ anh Thận lên cắm cờ trên nóc dinh Độc Lập. Thời điểm đó đánh dấu bước ngoặt lịch sử, toàn thắng về ta”.
Hạnh phúc, tự hào về thành phố hôm nay
Nghe xong câu chuyện của các CCB, đông đảo thanh niên, sinh viên và du khách vỗ tay tán thưởng. Nhiều người trầm trồ, thán phục tinh thần dũng cảm và sự đoàn kết, hiệp đồng của bộ đội xe tăng. Tất cả dường như vẫn vẹn nguyên trong ký ức của các CCB dẫu chiến tranh đã lùi xa vào quá khứ tròn nửa thế kỷ. Sinh viên Trần Đức Thái, học năm thứ hai chuyên ngành Văn hóa học (Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh), tâm sự: “Em từng đọc tư liệu lịch sử về chiếc xe tăng húc đổ cánh cổng dinh Độc Lập trưa 30-4-1975, nhưng đây là lần đầu tiên em được nhìn và nghe các nhân chứng trong kíp xe ấy kể về sự kiện hào hùng 50 năm trước. Quả là một cơ hội hiếm có! Các bác đã truyền ngọn lửa cách mạng để hun đúc ý chí, lòng yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng cho muôn đời sau. Chúng em nguyện ra sức học tập, noi gương thế hệ cha anh, cống hiến hết mình cho quê hương, đất nước”.
Trở lại TP Hồ Chí Minh trong không khí chào mừng đại lễ, các thành viên kíp xe tăng 390 vừa lạ, vừa quen. Sau 50 năm, Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh hôm nay đã vươn mình mạnh mẽ, trở thành một trung tâm kinh tế, văn hóa, khoa học-công nghệ của cả nước và vươn tầm khu vực. Những công trình hiện đại, những tòa nhà cao tầng mọc lên san sát; đời sống nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Theo trí nhớ của CCB Nguyễn Văn Tập, thời điểm Sài Gòn giải phóng, bà con nhân dân cũng tràn ra đường, mang theo cờ hoa đón chào bộ đội, nhưng chủ yếu là cơ sở cách mạng và thanh niên, học sinh yêu nước. Sài Gòn ngày ấy dù được ví như “Hòn ngọc Viễn Đông” nhưng so với hiện nay thì vẫn một trời một vực. Song, nghĩa tình của người Sài Gòn-TP Hồ Chí Minh vẫn không thay đổi. Ngày ấy, khi xe tăng 390 tìm đường vào dinh Độc Lập, hỏi thăm người dân đều được chỉ dẫn tận tình dù bom đạn chiến tranh vẫn chưa ngớt. Và hôm nay, trở lại TP Hồ Chí Minh, các thành viên kíp xe tăng 390 được chào đón nồng hậu. Nhiều cơ quan, đơn vị, nhà trường mời các CCB tham gia gặp mặt, giao lưu với cán bộ, nhân viên, học sinh... để “tiếp lửa” truyền thống cho thế hệ trẻ, như: Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh; Bệnh viện Quân y 7A (Quân khu 7); Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong... Trong các chương trình giao lưu, ngoài việc kể lại sự kiện lịch sử hào hùng, các CCB không quên nhắc tới những đồng đội đã anh dũng hy sinh ngay tại cửa ngõ Sài Gòn trước ngày toàn thắng.
CCB Nguyễn Văn Tập bộc bạch: “Chúng tôi may mắn có mặt trong thời khắc khải hoàn. Đó là một vinh dự, là niềm tự hào của người lính trận, được đổi bằng máu xương của bao đồng đội. Nhưng những mất mát, hy sinh đó vô cùng ý nghĩa để đổi lấy hòa bình, thống nhất, để có một TP Hồ Chí Minh sầm uất, giàu mạnh như ngày hôm nay. Đây cũng là điều mà chúng tôi vô cùng mãn nguyện, bởi được góp một phần tuổi trẻ cho độc lập, tự do”.
Bài và ảnh: HOÀNG XUÂN