Phát triển lực lượng, chi viện miền Nam

Trong thư khen ngợi quân và dân ta sau Chiến thắng Điện Biên Phủ tháng 5-1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Thắng lợi tuy lớn nhưng mới là bước đầu”. Sau đó, từ Tây Bắc lên gặp Bác ở Việt Bắc để báo cáo, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng trực tiếp nghe Người nói: Nhân dân ta còn phải tiếp tục cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Bác Hồ và Trung ương Đảng nhận định, chúng ta không thể tránh khỏi cuộc đụng đầu với Mỹ. Vì vậy, xây dựng Quân đội được xác định là một trong những nhiệm vụ tiên quyết. Đến năm 1960, Quân đội ta đã có bước trưởng thành mới, chính quy, ngày càng hiện đại với các lực lượng: Lục quân, Hải quân, Phòng không-Không quân. Ở miền Bắc, Quân đội thực hiện tốt nhiệm vụ quân quản, phối hợp với các lực lượng nhanh chóng thiết lập trật tự trị an, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân. Còn ở miền Nam, những năm 1954-1960, Mỹ-Diệm thực hiện chính sách khủng bố tàn bạo, gây ra những tổn thất nặng nề cho cách mạng. Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (mở rộng), khóa II (năm 1959) nêu lên hai nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam và vạch rõ con đường cơ bản của cách mạng miền Nam là sử dụng bạo lực cách mạng. Để đẩy mạnh cao trào cách mạng của quần chúng, ngày 20-12-1960, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra đời. Tiếp đó, trên cơ sở thống nhất các LLVT nhân dân ở miền Nam, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập ngày 15-2-1961. Đây là bộ phận của Quân đội nhân dân Việt Nam trực tiếp hoạt động trên chiến trường miền Nam.

leftcenterrightdel
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (chính giữa) duyệt thông cáo cuối cùng về chiến thắng của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.  

Chấp hành nghị quyết của Đảng, Tổng Quân ủy và Bộ Quốc phòng đã quyết định đẩy mạnh hơn nữa công cuộc xây dựng Quân đội. Việc chuẩn bị cho bộ đội ta vào miền Nam chiến đấu cũng được xúc tiến. Ngày 19-5-1959, Đoàn 559 được thành lập với nhiệm vụ bí mật mở đường dọc dãy Trường Sơn, bảo đảm vận chuyển lương thực, súng đạn và lực lượng từ miền Bắc vào miền Nam. Đồng chí Võ Bẩm (sau là Thiếu tướng, Phó chủ nhiệm Ủy ban Thanh tra Quân đội) là người đầu tiên phụ trách Đoàn công tác quân sự đặc biệt làm nhiệm vụ xoi đường, mở lối. Sinh thời, ông từng kể: “Khi giao nhiệm vụ, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Văn Vịnh nhắc đi nhắc lại rằng đây không phải là lệnh của Bộ Quốc phòng mà là quyết định của Bộ Chính trị. Trước hôm lên đường, tôi được gặp Bác và báo cáo chi tiết ý định mở tuyến, từng trục dùng cho xe đạp thồ, các cung đường giao liên. Bác chăm chú lắng nghe và hỏi kỹ. Lời dặn “Bí mật, bí mật và bí mật” của Người, tôi đã truyền đạt đến các chiến sĩ đầu tiên chuẩn bị vượt Trường Sơn”.

Từ những ngày đầu khai mở, trải qua 16 năm hoạt động, Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh đã phát triển thành hệ thống gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang trên tổng chiều dài hàng chục nghìn ki-lô-mét, 500km tuyến đường sông, hơn 1.400km đường ống xăng dầu, như một “trận đồ bát quái” phủ kín dãy Trường Sơn, xuyên 3 nước Đông Dương.

Cùng với Trường Sơn, tuyến đường Hồ Chí Minh trên biển cũng được mở với nhiệm vụ vận chuyển, tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam theo đường biển. Đối mặt với những thử thách gay go, ác liệt, chính tinh thần quả cảm, sẵn sàng hy sinh khi làm nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Đoàn tàu không số đã bảo đảm cho hàng trăm chuyến tàu ra khơi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện chiến lược trên biển. Chỉ tính riêng trong hai năm 1973 và 1974 đã có 380 lượt tàu chở hơn 43.000 tấn hàng, đưa hơn 2.000 lượt cán bộ, chiến sĩ từ hậu phương ra tiền tuyến và từ đất liền ra các đảo, vượt chặng đường 158.292 hải lý an toàn.

Con đường vận chuyển trên đất liền và trên biển trở thành kỳ tích huyền thoại, góp phần cùng quân và dân miền Nam đánh thắng đế quốc Mỹ.

Đường đến Hội nghị Paris

Từ năm 1961, đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược Chiến tranh đặc biệt. Dưới sự chỉ huy của cố vấn và dựa vào hỏa lực chi viện của Mỹ, ngụy quân Sài Gòn liên tiếp mở các cuộc hành quân đánh phá vùng giải phóng, gom dân lập ấp chiến lược. Nhưng chúng đã vấp phải những cuộc phản công quyết liệt của quân và dân ta. Trong đó, tiêu biểu là Chiến thắng Ấp Bắc (tháng 1-1963) mở đầu cho sự thất bại của chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” của địch. Sau chiến thắng, Phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công” diễn ra sôi nổi khắp miền Nam.

Ngày 5-8-1964, sau khi dựng lên sự kiện Vịnh Bắc Bộ, Mỹ sử dụng không quân và hải quân bất ngờ đánh phá vào hầu hết các căn cứ của ta trên suốt dải ven biển miền Bắc. Trước sự tấn công của kẻ thù, các đơn vị hải quân, phòng không, dân quân tự vệ đã kịp thời phát hiện, mưu trí, dũng cảm chiến đấu, bắn rơi và bắn bị thương 10 máy bay, bắt sống 1 phi công Mỹ. Trận đầu đánh thắng đã cổ vũ quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của quân và dân cả nước.

Thực hiện chỉ thị của Quân ủy Trung ương, bước vào cao điểm đợt hoạt động Đông Xuân 1964-1965, ta tiêu diệt một bộ phận quan trọng quân chủ lực ngụy, mở rộng vùng giải phóng. Các chiến dịch Bình Giã, Ba Gia, Đồng Xoài... thắng lợi khiến chiến lược Chiến tranh đặc biệt của đế quốc Mỹ bị phá sản. Ngay sau đó, chúng bắt đầu chuyển sang chiến lược Chiến tranh cục bộ, ồ ạt đưa quân chiến đấu Mỹ và đồng minh cùng khối lượng lớn phương tiện chiến tranh vào miền Nam Việt Nam, đồng thời củng cố và tăng cường quân ngụy. Mục tiêu của chiến lược là tìm diệt chủ lực Quân giải phóng và cơ quan chỉ đạo cách mạng miền Nam, từ đó tiến tới bình định miền Nam, uy hiếp tinh thần kháng chiến của nhân dân Việt Nam, buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa phải ngồi vào bàn đàm phán theo những điều kiện do Mỹ áp đặt. Trước tình hình đó, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập tại chiến trường miền Nam 5 sư đoàn bộ binh (9, 3, 2, 5, 1) và Đoàn pháo binh 69 (Đoàn Biên Hòa)-đơn vị tương đương cấp sư đoàn. Vừa xây dựng vừa chiến đấu, bộ đội ta trên chiến trường đã tổ chức các trận tiến công, bẻ gãy nhiều cuộc hành quân quy mô lớn của Mỹ-ngụy, mở ra Phong trào “Tìm Mỹ mà đánh, tìm ngụy mà diệt”.

Cuộc phản công chiến lược lần thứ nhất (mùa khô 1965-1966), rồi thứ hai (mùa khô 1966-1967) của đế quốc Mỹ liên tiếp thất bại. Dựa vào thế trận chiến tranh nhân dân, LLVT tại chỗ của ta đã bám trụ trận địa, tiến công rộng khắp, tạo điều kiện cho các đơn vị chủ lực Quân giải phóng mở các cuộc tiến công, gây cho địch nhiều thiệt hại về sinh lực và phương tiện chiến tranh.

leftcenterrightdel
Lễ mừng chiến thắng ở Sài Gòn năm 1975. 

Hội nghị Trung ương lần thứ 14, khóa III thông qua Nghị quyết của Bộ Chính trị, quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Trên toàn miền Nam, quân và dân ta đã tiến công hàng loạt mục tiêu nằm sâu trong các đô thị, gây thiệt hại rất nặng nề và làm đảo lộn thế trận chiến lược của đế quốc Mỹ. Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 đã giáng đòn quyết định vào ý chí xâm lược của giới cầm quyền Mỹ, làm phá sản chiến lược Chiến tranh cục bộ. Tổng thống Mỹ Johnson buộc phải tuyên bố rút dần quân về nước, chấp nhận đàm phán với ta tại Hội nghị Paris.

Với bản chất ngoan cố và hiếu chiến, đế quốc Mỹ không cam tâm chịu thất bại. Chúng chuyển sang thi hành Học thuyết Nixon và chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Giai đoạn 1969-1972, Mỹ sử dụng tối đa sức mạnh quân sự, kết hợp với những thủ đoạn chính trị và ngoại giao xảo quyệt hòng bóp nghẹt cuộc kháng chiến của quân và dân ta. Trước tình hình đó, ta đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng cách mạng và nhân dân Lào, Campuchia, giành được những thắng lợi to lớn, tiêu biểu là Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, Chiến dịch Đông Bắc Campuchia. Đồng thời, ta mở cuộc tiến công chiến lược trên toàn miền Nam bằng các chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng ở Trị-Thiên, Bắc Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ, các chiến dịch tiến công tổng hợp ở Đồng bằng sông Cửu Long và khu vực Trung Bộ.

Trước nguy cơ thất bại của chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, ngày 6-4-1972, đế quốc Mỹ huy động một lực lượng lớn không quân và hải quân mở cuộc chiến tranh đánh phá miền Bắc lần thứ hai (Chiến dịch Linebacker I) quy mô và ác liệt hơn lần trước. Với tinh thần dũng cảm và cách đánh mưu trí, sáng tạo, sau nhiều tháng chiến đấu quyết liệt, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi hơn 650 máy bay; bắn cháy, chìm 125 tàu chiến Mỹ. Đêm 18-12-1972, đế quốc Mỹ liều lĩnh mở cuộc tập kích đường không chiến lược quy mô lớn nhất mang tên Linebacker II đánh phá miền Bắc, tập trung ồ ạt vào Hà Nội, Hải Phòng và một số tỉnh phía Bắc. Một lần nữa quân và dân miền Bắc đã anh dũng chiến đấu và chiến thắng bằng một trận “Điện Biên Phủ thứ hai”, bắn rơi 81 máy bay Mỹ các loại, trong đó có 34 “siêu pháo đài bay” B-52. Nhớ về chiến dịch này, Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Tuân kể: “Đêm 27-12, tôi được lệnh cất cánh từ sân bay Yên Bái. Được sự dẫn đường chính xác từ sở chỉ huy, gặp B-52 của địch, tôi đã kịp thời chọn thời cơ, thành công phóng tên lửa tiêu diệt nó và thoát ly an toàn. Sau này, tôi được thông báo, việc tôi bắn hạ chiếc B-52 đó đã làm rối loạn đội hình địch, tạo điều kiện cho lưới lửa phòng không Hà Nội diệt thêm 5 máy bay nữa”.

Bị tổn thất lớn và không đạt được mục đích, Mỹ buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền Bắc, nối lại cuộc đàm phán ở Paris và đi đến ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam vào ngày 27-1-1973.

Toàn thắng

Để sớm kết thúc chiến tranh, theo đề nghị của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, từ cuối năm 1973 đến đầu năm 1975, Bộ Chính trị đã phê chuẩn việc thành lập các quân đoàn: Quân đoàn 1 (tháng 10-1973), Quân đoàn 2 (tháng 5-1974), Quân đoàn 4 (tháng 7-1974), Quân đoàn 3 (tháng 3-1975) và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn, tháng 2-1975). Việc thành lập các quân đoàn chủ lực đã đánh dấu bước phát triển mới của Quân đội ta. Trong hai năm 1973-1974, quân và dân ta liên tiếp giành được thắng lợi quan trọng, làm cho cục diện chiến trường tiếp tục thay đổi có lợi cho ta.

Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10-1974 và đầu năm 1975 đã chỉ rõ sự xuất hiện thời cơ lịch sử và nêu quyết tâm giải phóng miền Nam. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị, đầu tháng 3-1975, Chiến dịch Tây Nguyên, mở màn cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, bắt đầu. Sau một số trận đánh tạo thế và nghi binh chiến dịch, từ ngày 10 đến 11-3-1975, quân ta tiến công, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột. Sau đó, ta tiếp tục giải phóng các tỉnh Kon Tum, Gia Lai và toàn bộ Tây Nguyên. Thừa thắng, quân ta tiến xuống giải phóng các tỉnh miền duyên hải Nam Trung Bộ, cắt đứt thế trận của quân ngụy ra làm đôi. Có thể nói, Chiến thắng Tây Nguyên đã làm rối loạn thế phòng thủ chiến lược của quân ngụy, tạo ra những hệ quả tích cực, đó là thắng lợi của Chiến dịch Trị Thiên-Huế giải phóng tỉnh Quảng Trị, thành phố Huế và tỉnh Thừa Thiên; Chiến dịch Đà Nẵng giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà và thị xã Hội An...

Nhận thấy thời cơ đã chín muồi, Bộ Chính trị quyết định giải phóng Sài Gòn và toàn miền Nam. Chiến dịch giải phóng Sài Gòn-Gia Định, sau được lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh, chính thức bắt đầu lúc 17 giờ ngày 26-4-1975. Thực hiện tư tưởng chỉ đạo “thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, quân ta hình thành thế bao vây Sài Gòn từ 5 hướng, do các Quân đoàn 1, 2, 3, 4, Đoàn 232 và Sư đoàn 8 (Quân khu 8) đảm nhiệm. Sau nhiều trận chiến đấu quyết liệt đánh chiếm vòng ngoài thắng lợi, sáng 30-4, quân ta tổng công kích vào nội thành Sài Gòn, nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu then chốt. Đúng 10 giờ 45 phút, lực lượng thọc sâu của Quân đoàn 2 đánh chiếm Dinh Độc Lập, bắt toàn bộ nội các chính quyền ngụy Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng không điều kiện. 11 giờ 30 phút cùng ngày, lá cờ giải phóng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập, đánh dấu sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

leftcenterrightdel
Quân và dân ta diễu hành mừng Sài Gòn giải phóng. Ảnh tư liệu 

Song song với các cuộc tiến công trên bộ, thực hiện chỉ đạo của Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh, Quân chủng Hải quân đã khẩn trương chuẩn bị lực lượng, tranh thủ thời cơ, mưu trí, táo bạo, bất ngờ tiến công, lần lượt giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, góp phần giữ vững chủ quyền quốc gia ở quần đảo Trường Sa.

Chúng tôi từng gặp Trung tướng Lê Hữu Đức (1925-2018), nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến tại nhà riêng ở phố Đội Nhân, Hà Nội. Từ năm 1973, ông là một thành viên của Tổ trung tâm tham gia soạn thảo kế hoạch giải phóng miền Nam do Phó tổng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái trực tiếp chỉ đạo. Kể về những ngày tháng “nước sôi lửa bỏng” ở Tổng hành dinh, ông cho biết: “Thời gian đó, Tổ trung tâm nghiên cứu tình hình địch một cách toàn diện, cố gắng tìm hết chỗ mạnh, chỗ yếu của địch và của ta. Mọi diễn biến trên chiến trường đều được theo dõi, cập nhật thường xuyên. Nhiều đêm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng thức trắng thảo luận cùng anh em. Chúng tôi dốc toàn bộ khả năng của mình để phục vụ sự chỉ đạo của Bộ Thống soái tối cao và Bộ Tổng Tham mưu giành toàn thắng. Nhưng cũng phải đến lần thứ 8, bản kế hoạch cuối cùng mới được thông qua. Rất mừng là diễn biến chiến trường đều nằm trong dự liệu của chúng ta”.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đã kết thúc thắng lợi bằng chiến dịch cuối cùng mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Thượng tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Huy Hiệu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27 (Sư đoàn 320) trong Chiến dịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Chiến dịch Hồ Chí Minh là chiến dịch hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn nhất, giành thắng lợi to lớn nhất, đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của Quân đội ta cả về tổ chức lực lượng và trình độ chỉ huy tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng; là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước”.

BÍCH TRANG - TUẤN TÚ