Trận vây bắt biệt kích đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Bình diễn ra vào tháng 6-1961. Cựu chiến binh Lê Đức Thuận, nguyên Trưởng ban Tuyên huấn Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Bình kể lại: “Đêm 2-6-1961, bà con xã miền núi Lâm Trạch (huyện Bố Trạch) đang họp để bàn chuyện sản xuất thì nghe có tiếng máy bay ù ù rồi như dừng lại phía núi Cây Lim phía Bắc xã. Trước đó, nhân dân đã được tuyên truyền về tình hình gián điệp, biệt kích có thể xâm nhập nên đã ngừng họp và triển khai ngay việc vây bắt. Xã đội cử các tổ liên lạc với xã bạn để phối hợp, đồng thời điện về tỉnh xin chi viện. Nhận được tin báo, Công an nhân dân vũ trang (CANDVT-nay là Bộ đội Biên phòng) tỉnh Quảng Bình đã tổ chức lực lượng, phối hợp bao vây. Đồng chí Hoàng Minh Thi, Tham mưu trưởng CANDVT tỉnh chỉ huy cuộc truy lùng.
Sau khi nghe báo cáo và nghiên cứu địa hình, đồng chí Hoàng Minh Thi đã tổ chức lực lượng bao vây hai cao điểm 100 và 368, nơi có rừng rậm, suối sâu, nghi địch đổ quân. Được sự chi viện của bộ đội Sư đoàn 325, Trung đội CANDVT và dân quân hai xã Lâm Trạch, Phúc Trạch tạo thế bủa vây, bịt kín các cửa rừng. Vòng vây ngày càng siết chặt, tuyến trong là các chiến sĩ CANDVT, bộ đội và dân quân. Tuyến ngoài là lớp trinh sát viên của CANDVT và nhân dân, sẵn sàng ứng chiến.
    |
 |
Cựu chiến binh Lê Đức Thuận kể về việc bắt biệt kích cho cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Bình. Ảnh do nhân vật cung cấp |
Lùng sục cả ngày, đến chiều tối, khi phát hiện dấu vết địch thì trời đổ mưa. Nếu tiếp tục vây bắt thì sẽ đánh động biệt kích tẩu thoát nên đành ém quân chờ trời sáng để truy lùng tiếp. Hôm sau, ta phát hiện một chiếc dù treo trên cây, một túi hàng giấu trong bụi rậm, tiếp tục tìm kiếm thì phát hiện và bắt sống một tên biệt kích. Chó nghiệp vụ cũng giúp bộ đội thấy nơi cất giấu điện đài, tư trang của địch chôn giấu ở cao điểm 368. Qua hỏi cung nhanh, tên biệt kích khai nhóm có 3 tên, hai tên còn lại đang lẩn trốn trong rừng, tìm cơ hội móc nối hoặc trốn thoát. Vì địa hình đồi núi rộng và phức tạp, mưa thường xuyên nên công tác truy lùng rất vất vả. Các lực lượng phải phân tán chốt chặn nhiều hướng; kẻ địch được huấn luyện bài bản, mưu mô xảo quyệt nên không thể tóm nhanh được. Ta phải cử các tổ mai phục cả một tuần, giăng bẫy nơi địch có thể đi qua.
Đúng như dự kiến, đến ngày 10-6-1961, hai tên biệt kích thấy tình hình có vẻ yên tĩnh nên mò ra cửa rừng để kiếm ăn. Chúng lọt vào ổ phục kích của tổ 1, tổ 2 và tổ 3. Các tổ vừa chặn đầu, khóa đuôi, lao vào tấn công địch. Toán trưởng tên Thành và nhân viên điện đài tên Lý, sau một hồi ngoan cố nổ súng chống cự đã bị bắt sống. Cuộc vây bắt kết thúc, ta thu giữ 3 súng ngắn, 3 tiểu liên, 3 đài thông tin, 1 máy vô tuyến cùng 6 chiếc dù và nhiều giấy tờ, tài liệu quan trọng. Trận đánh thắng lợi, tạo lòng tin trong nhân dân và có nhiều bài học quý báu để lập nên nhiều chiến công mới.
XUÂN VUI