Biết cựu chiến binh Nguyễn Khắc Hoàn nguyên là pháo thủ xe tăng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975 đã lâu, nhưng đầu năm 2025, tôi mới có dịp gặp ông tại nhà riêng ở thôn Phượng Hùng 1, xã Chí Đám (Đoan Hùng, Phú Thọ). Tôi được ông kể về những năm tháng trong quân ngũ, nhất là thời gian tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ông Hoàn kể: “Tôi quê ở huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Tháng 5-1972, tròn 20 tuổi, tôi tình nguyện nhập ngũ, huấn luyện tại Trung đội 1, Đại đội 3, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn Xe tăng 201 (nay là Lữ đoàn Xe tăng 201), Binh chủng Tăng thiết giáp. Cuối năm 1972, tôi hành quân đi B, biên chế về Trung đội 2, Đại đội 3, Tiểu đoàn 21, Đoàn Thiết giáp M26 miền Đông Nam Bộ. Từ ngày 28-12-1974 đến 7-1-1975, tôi trực tiếp tham gia chiến đấu, giải phóng thị xã Phước Long, trên cương vị pháo thủ xe tăng T-59 số hiệu 347...

Trưa 22-4-1975, Trung đội trưởng Phạm Văn Bình (quê Hải Dương) phân công tôi cùng chiến sĩ trinh sát của Tiểu đoàn là Lê Văn Bân (quê Thanh Hóa) đi chặt lá để ngụy trang cho xe tăng ở xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. Khi chặt cành cây xong, anh em thấy gần đó có vài cây mít sai quả, đồng chí Bân trèo lên nhưng nhanh chóng tụt xuống dưới và nói “có địch”. Quả thật, cách chỗ chúng tôi đứng khoảng 50m, gần con suối có 10 tên địch đang ngồi nghỉ. Bọn chúng đặt súng dưới đất, quân tư trang vứt bừa bãi khắp nơi. Tôi có duy nhất một con dao tông. Tôi bò sát mép bờ suối, cách địch khoảng 20m và hô to: “Hiện nay, Quân giải phóng đang tiến vào Sài Gòn, các anh muốn sống thì đứng im tại chỗ, nếu cử động sẽ bị tiêu diệt. Nếu ai cố tình chạy, trước sau cũng bị tiêu diệt”. Chúng tôi yêu cầu 10 tên địch bỏ hết quân tư trang ra hàng và đi theo chúng tôi về vị trí đơn vị trú quân...

leftcenterrightdel

 Cựu chiến binh Nguyễn Khắc Hoàn (bên phải) cùng đồng đội, tháng 10-2024. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Trên đường dẫn tù binh về đơn vị, chúng tôi đi qua hàng rào lưới B40. Đồng chí Bân trèo qua hàng rào về đơn vị trước để tìm người hỗ trợ, tôi là người đi sau cùng. Khi Bân nhảy sang bên kia rồi, bên bờ này chỉ còn tôi và 10 tên địch. Lúc ấy, tôi nghĩ nếu không may bọn chúng chống cự, tiêu diệt mình thì nguy. Nghĩ vậy, tôi vừa chỉ tay vừa truyền lệnh như đang chỉ huy: “Các đồng chí chú ý. Ai ở đâu nằm yên ở đấy, để tôi dẫn tù binh về đơn vị. Nếu các đồng chí phát hiện quân địch có biểu hiện chống cự, lúc đó đồng loạt nổ súng”. Cả 10 tù binh không dám chống cự và sau đó chúng tôi đã dẫn chúng về bàn giao cho đồng chí Nguyễn Văn Cộng, Chính trị viên Tiểu đoàn, sau đó tiếp tục làm nhiệm vụ...”. 

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, từ pháo thủ xe tăng T-59 mang số hiệu 347, Nguyễn Khắc Hoàn được điều động sang làm pháo thủ số 1 xe tăng

T-59 mang số hiệu 348. Kíp xe tăng 348 gồm: Phạm Văn Bình (quê Hải Dương), Trưởng xe; đồng chí Thôn (quê Thanh Hóa), pháo thủ số 2, ở đại đội khác sang thay vị trí đồng chí Lê Văn Thành (quê Thanh Hóa) là pháo thủ số 2 của kíp xe 348 bị thương; Nguyễn Kim Phú (quê Tuyên Quang), lái xe. “Lúc 5 giờ ngày 29-4, kíp xe tăng số hiệu 348 chúng tôi đi đầu tiên trong đội hình tiến về Biên Hòa, đến gần Hố Nai thì phát hiện quân địch rất gần. Xe tăng của chúng tôi bị địch bắn cháy. Tôi và các đồng chí Phú, Bình nhanh chóng nhảy ra khỏi xe, còn đồng chí Thôn thì đã hy sinh trong xe. Ngay sau đó, chúng tôi lên xe ô tô tiếp tục hành quân. Xe ô tô đi được khoảng 500m thì phát hiện lá cây rải ngang đường, báo hiệu quân ta đã đi qua... Trên đường đi, xe ô tô chở chúng tôi gặp chướng ngại vật nên bị lao xuống ruộng khô, may không bị lật. Tôi và đồng đội rời khỏi xe ra Quốc lộ 1 để tìm đường về đơn vị...

Khoảng 5 giờ ngày 30-4, chúng tôi cùng đơn vị có mặt ở Biên Hòa. Tối hôm ấy, chúng tôi được lệnh của cấp trên ở lại để cùng đơn vị làm nhiệm vụ bảo vệ sân bay Biên Hòa và sau đó bàn giao cho lực lượng không quân của ta tiếp quản. Với thành tích bắt sống quân địch và chiến đấu, bảo vệ sân bay Biên Hòa, tôi được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba...”, cựu chiến binh Nguyễn Khắc Hoàn kể lại.

NGUYỄN MAI THANH