Ngay sau đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 35/SL, trong đó bổ nhiệm đồng chí Vũ Anh làm Quân nhu Cục trưởng kiêm Chế tạo Cục trưởng. Giữa bối cảnh đất nước gặp muôn vàn khó khăn, nguồn cung cấp cho Quân đội thiếu thốn mọi bề, lực lượng còn mỏng và phân tán, nhưng bằng sự nỗ lực vượt bậc, quân nhu các cấp nhanh chóng được ổn định về lực lượng, hoàn thành trọng trách được giao. Là chỉ huy cao nhất của Quân đội ta, Đại tướng Võ Nguyên Giáp không ít lần nhắc tới những chiến công thầm lặng của các chiến sĩ quân nhu. Trong hồi ký “Từ nhân dân mà ra”, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã kể về đức tính quý báu của người cán bộ quân nhu đầu tiên của Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam ngày nay: Lão đồng chí Văn Tiên (tức Lộc Văn Lùng-PV), một nông dân miền núi, được phân công làm quản lý cho đội, yêu quý các đồng chí trong đội như con, như em, coi trọng từng đồng xu, từng hạt gạo của công quỹ.

Và phẩm chất ấy đã được kế thừa, phát huy bởi lớp lớp thế hệ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ngành quân nhu trong suốt 77 năm qua. Họ đã có mặt trên khắp các chiến trường, bảo đảm quân lương, quân trang và nhu yếu phẩm hậu cần cho những yêu cầu tác chiến, từ trận đánh nhỏ đến các chiến dịch có quy mô lớn, góp phần làm nên những chiến thắng vang dội của quân dân ta. Những “hũ gạo kháng chiến”, “ngày đồng tâm”, “mùa đông binh sĩ”, “mũ tai bèo”, “chiếc gậy Trường Sơn” hay “bếp Hoàng Cầm”... đã ra đời từ chính bàn tay và khối óc của bộ đội quân nhu, hậu cần.

leftcenterrightdel

Huấn luyện đào bếp Hoàng Cầm trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Ảnh tư liệu

Khi tìm hiểu lịch sử và qua trò chuyện với các đồng chí nguyên là chỉ huy Cục Quân nhu (Tổng cục Hậu cần) các thời kỳ, chúng tôi được biết nhiều câu chuyện cảm động về hoạt động và chiến công của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ngành quân nhu, trong đó có chuyện thành lập đoàn công tác vào Liên khu 4 phục vụ cho chiến trường Trung Bộ.

Chuyện là, cuối năm 1947, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về chi viện cho chiến trường Bình Trị Thiên, Cục Quân nhu đã cử các đồng chí: Nguyễn Văn Sỹ (Trưởng đoàn), Đinh Thiện (Phó trưởng đoàn), Kiều Xuân Tế (thành viên) và một số đồng chí khác vào tăng cường cho Liên khu 4. Đoàn mang theo 10 triệu đồng tiền Việt Nam vào Bình Trị Thiên, có nhiệm vụ xây dựng tổ chức cơ quan, cơ sở quân nhu địa phương đủ khả năng bảo đảm thường xuyên cũng như mở các chiến dịch, tổ chức khai thác nguồn tại chỗ và trong vùng địch hậu. Trên đường từ Việt Bắc xuống, đến đoạn vượt Đường 6, đoàn bị địch phục kích. Đồng chí Kiều Xuân Tế hy sinh tại chỗ, vợ đồng chí Tế bị địch bắt, rồi sau đó cũng hy sinh.

Biến đau thương thành sức mạnh, các thành viên trong đoàn động viên nhau cùng kìm lòng vượt qua vì nhiệm vụ trên giao còn ở phía trước. Họ hành quân tiếp từ Thanh Hóa vào Chiến khu Ba Lòng. Đoàn mất gần 4 tháng đi ven theo dãy Trường Sơn mới tới nơi. Đoàn cán bộ Cục Quân nhu đã cùng phân khu Trung Bộ tổ chức xây dựng Phòng Quân nhu, 2 xưởng may (1 ở Chiến khu Ba Lòng, 1 ở Chiến khu Thừa Thiên), 2 xưởng chế biến lương khô, thịt khô và các trại sản xuất. Ở đây, nhiệm vụ sản xuất của bộ đội đặt ngang hàng nhiệm vụ chiến đấu, làm ngày không đủ thì sản xuất ban đêm. Do đó, hàng chục héc-ta đất trong các khu căn cứ đã trở thành bãi sắn, nương ngô... Ngoài ra, trong thời gian này còn có một sản phẩm hữu ích ra đời từ sự sáng tạo của bộ đội hậu cần. Tận dụng lốp ô tô hỏng, các chiến sĩ quân nhu đã làm thành những đôi dép sử dụng hằng ngày. Sau này, đôi dép lốp cao su Bình Trị Thiên được sử dụng rộng rãi ở các chiến trường và còn cải tiến thêm quai hậu. Đôi dép lốp là sáng tạo của cán bộ, nhân viên quân nhu trong kháng chiến chống thực dân Pháp, đã được Bác Hồ ghi thành truyền thống “vừa bền vừa tiện”. 

Quá trình đi thực tế theo các đoàn công tác của Cục Quân nhu, chúng tôi luôn gặp lời huấn thị của Bác: “Thực túc binh cường. Anh em bên cung cấp phải có quyết tâm để có lương thực, vũ khí cho bộ đội... Lương thực, vũ khí là mồ hôi, nước mắt của đồng bào, là xương máu của bộ đội. Vì vậy phải quý trọng nó, phải tiết kiệm, ngăn nắp, phải sử dụng hợp lý...”. Lời huấn thị được treo trang trọng tại hầu hết các đơn vị, qua đó nhắc nhớ bộ đội hậu cần nói chung, ngành quân nhu nói riêng cần phải khắc ghi và làm theo. Thực tế đã chứng minh, qua các giai đoạn cách mạng, góp phần quan trọng sau mỗi chiến thắng của các đơn vị hỏa lực là chiến công thầm lặng của những người lính làm công tác quân nhu, giúp bộ đội “ăn no, đánh thắng”.

Bằng sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, chỉ tính riêng 10 năm (từ 1965 đến 1975), quân nhu toàn quân đã bảo đảm gần 1,7 triệu tấn lương thực, thực phẩm, quân trang, quân dụng... tạo điều kiện quan trọng để Quân đội ta giành thắng lợi lớn trên các chiến trường. “Sau ngày thống nhất đất nước, toàn ngành đã có nhiều nỗ lực cùng cả nước khắc phục hậu quả chiến tranh, đẩy mạnh lao động sản xuất, làm kinh tế, vượt lên khó khăn khi đất nước bị bao vây cấm vận, chung sức, đồng lòng bảo đảm đầy đủ, kịp thời quân nhu cho Quân đội trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới phía Bắc, Tây Nam và làm tròn nghĩa vụ quốc tế giúp Lào, Campuchia”, Thiếu tướng An Phương Nam, Cục trưởng Cục Quân nhu tự hào nhắc về truyền thống của Cục Quân nhu và ngành quân nhu Quân đội.

leftcenterrightdel

Thiếu tướng An Phương Nam, Cục trưởng Cục Quân nhu kiểm tra công tác bảo đảm quân nhu cho các lực lượng làm nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ của Kho 205, ngày 10-2-2023. Ảnh: VĂN CHIỂN 

Trong thời kỳ đổi mới, ngành quân nhu tiếp tục phát huy truyền thống nuôi quân đánh thắng, đoàn kết sáng tạo, vượt qua khó khăn, thực hiện tốt chức năng tham mưu với Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Hậu cần; bảo đảm đầy đủ quân nhu cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ đột xuất khác. Gần đây nhất, thực hiện chỉ đạo của thủ trưởng Bộ Quốc phòng và thủ trưởng Tổng cục Hậu cần,Cục Quân nhu đã xây dựng kế hoạch, triển khai phương án tạo nguồn bảo đảm vật chất quân nhu, các loại vật tư thiết yếu và nhu yếu phẩm cho đoàn công tác của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia cứu hộ, cứu nạn tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Đại tá Nguyễn Đức Tiến, Trưởng phòng Bảo đảm, Cục Quân nhu nhấn mạnh: “Đây là nhiệm vụ đột xuất chưa có tiền lệ, với yêu cầu khẩn trương, phải hoàn thành trong thời gian rất ngắn. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Cục trưởng Cục Quân nhu, Phòng Bảo đảm đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan và chỉ đạo, hướng dẫn Kho 205 nêu cao tinh thần trách nhiệm, tận dụng thời gian, nguồn lực, khắc phục mọi khó khăn. Với khoảng thời gian hơn 24 giờ đã tổ chức chuẩn bị và tiếp nhận đầy đủ, kịp thời các loại vật tư thiết yếu và nhu yếu phẩm bàn giao cho Cục Vận tải vận chuyển đến khu vực tập kết theo quy định. Kết thúc nhiệm vụ này, Cục Quân nhu đã được thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu và Tổng cục Hậu cần biểu dương”.

Hiện nay, đối tượng phục vụ của ngành quân nhu rất đa dạng, phân theo quân chủng, binh chủng, cấp bậc, vùng, miền... Nhiệm vụ của bộ đội quân nhu được ví như “làm dâu trăm họ”. Thiếu tướng An Phương Nam tâm sự: “Là lãnh đạo, chỉ huy Cục, tôi luôn trăn trở làm thế nào để tất cả các tuyến trong hệ thống ngành quân nhu vận hành một cách thống nhất, đồng bộ và đạt kết quả cao. Rất mừng là trong thời gian qua, bằng nhiều biện pháp quyết liệt, đồng bộ, khoa học, Cục Quân nhu và ngành quân nhu toàn quân đã khắc phục mọi khó khăn, tích cực đổi mới công tác, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ”. 

TRANG THỦY