Giữ trọn lời thề Hippocrates

Trò chuyện cùng Thầy thuốc Nhân dân, bác sĩ chuyên khoa 2 Đoàn Võ Kim Ánh, tôi được bà chia sẻ nhiều câu chuyện về nghề y. Với bà, trong bất luận hoàn cảnh nào, người thầy thuốc phải luôn khắc ghi lời thề Hippocrates, lấy đạo đức làm đầu, luôn hết mình cứu chữa bệnh nhân.

Kim Ánh sinh ra trong gia đình giàu truyền thống cách mạng: Ông bà nội đào hầm bí mật nuôi cán bộ từ thời kháng chiến chống Pháp, ba mẹ ruột hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước... Năm 1966, khi mới 13 tuổi, Kim Ánh được đưa lên căn cứ của Tỉnh ủy Quảng Nam với hy vọng được gặp ba, một cán bộ của Tỉnh ủy Phú Yên đang hoạt động bí mật. Tuy nhiên, khi lên căn cứ, Kim Ánh đau đớn nghe Bí thư Khu ủy Khu 5 Võ Chí Công (sau này là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước) thông báo: “Ba cháu đã hy sinh”. Sau đó, ông trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Vũ Trọng Hoàng (bí danh Bốn Hương): “Tôi nhận cháu Kim Ánh, con đồng chí Đoàn Sơ làm con nuôi. Tôi sẽ cho cháu ăn học đầy đủ như mọi đứa trẻ khác để báo đáp công lao của gia đình cháu đối với cách mạng”.

leftcenterrightdel

 Thầy thuốc Nhân dân Đoàn Võ Kim Ánh và chồng - Trung tướng Nguyễn Thành Đức luôn giữ trọn lời thề Hippocrates.

Từ đó, Kim Ánh trở thành con nuôi của ông bà Võ Chí Công-Phan Thị Nể, đồng thời được đổi tên từ Đoàn Thị Kim Ánh thành Đoàn Võ Kim Ánh. Ba nuôi đưa Kim Ánh về căn cứ Khu ủy Khu 5 ở cùng một thời gian rồi gửi theo đường giao liên ra miền Bắc học tập. Ra Bắc, Kim Ánh được học văn hóa rồi học y sĩ tại Trường Trung cấp Quân y. Tốt nghiệp y sĩ, Đoàn Võ Kim Ánh trở lại Khu 5 công tác. Năm 1974, xác định khi miền Nam giải phóng sẽ cần có nhiều bác sĩ để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, Bí thư Khu ủy Khu 5 Võ Chí Công cho Kim Ánh ra Bắc tiếp tục học lên bác sĩ. Tháng 8-1974, Đoàn Võ Kim Ánh tổ chức lễ kết hôn với chú rể Nguyễn Thành Đức. Cưới xong, ở với nhau vài ngày, Kim Ánh lên Hoài Đức, Hà Tây (nay thuộc Hà Nội) học, chồng cô cũng trở lại Trường Văn hóa Bộ Quốc phòng ở Lạng Sơn học tiếp.

Ròng rã 6 năm sau đó, Kim Ánh một mình sinh con, nuôi con và học Trường Đại học Y khoa Thái Nguyên. Ngày 26-9-1980, Đoàn Võ Kim Ánh nhận bằng tốt nghiệp bác sĩ đa khoa và nhận quyết định về Sở Y tế tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng công tác. Ở thành phố Đà Nẵng, người thân hai bên nội ngoại không có, chồng công tác xa, bác sĩ Đoàn Võ Kim Ánh vừa công tác vừa nuôi con với vô vàn khó khăn. Lương bác sĩ không đủ chi tiêu nên ngoài giờ hành chính, bà tranh thủ  nuôi heo, nhận tuyển hạt cà phê cho công ty lương thực, cắt báo dán túi đựng áo comple, khám sức khỏe ngoài giờ... Đầu năm 1986, bà được bổ nhiệm Giám đốc kiêm Bí thư Đảng ủy Bệnh viện quận Nhất, thành phố Đà Nẵng (nay là Trung tâm Y tế quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng).

Là người đứng đầu Bệnh viện, bác sĩ Đoàn Võ Kim Ánh đã trăn trở tìm các biện pháp xây dựng, phát triển Bệnh viện vững về chuyên môn và kỹ thuật y tế. Bà sang Sở Y tế đề nghị cho Bệnh viện Đà Nẵng cử cán bộ, thầy thuốc giỏi sang hỗ trợ, trực tiếp huấn luyện, hướng dẫn kỹ thuật cho các bác sĩ, y sĩ Bệnh viện quận Nhất. Bà còn liên hệ, mở rộng mối quan hệ với các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và các nhà từ thiện để xin hỗ trợ trang thiết bị.

Thầy thuốc Nhân dân Đoàn Võ Kim Ánh kể: “Hồi đó, tôi có quen nhiều thầy thuốc công tác tại các bệnh viện lớn ở Hà Nội, trong đó có thầy Nghiên, Chủ nhiệm Khoa Vật lý trị liệu-Phục hồi chức năng (nay là Trung tâm Phục hồi chức năng), Bệnh viện Bạch Mai. Nhờ sự giúp đỡ của họ, Bệnh viện quận Nhất đã được các bệnh viện ở Hà Nội hỗ trợ những trang thiết bị như máy chụp X-quang, máy điều trị vật lý trị liệu...”. Với sự nỗ lực, tận tụy của bác sĩ Kim Ánh cùng tập thể Ban giám đốc, Bệnh viện quận Nhất đã trở thành địa chỉ tin cậy của bệnh nhân. Bấy giờ, thu nhập của bác sĩ còn thấp nên nhiều người ngại đi học, bà chủ trương Ban giám đốc phải gương mẫu đi học trước. Bản thân bà vừa công tác vừa học tập. Sau nhiều năm miệt mài, bà đã hoàn thành chương trình bác sĩ chuyên khoa 1, bác sĩ chuyên khoa 2.

Tháng 10-2008, khi là Quyền Giám đốc Sở Y tế thành phố Đà Nẵng, bà được nghỉ hưu theo chế độ. Song bà vẫn được mời làm Giám đốc Bệnh viện Bình Dân, sau đó là Giám đốc Bệnh viện Tâm Trí, các bệnh viện tư có tiếng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và một số tỉnh miền Trung.

Ghi nhận những cống hiến trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, bác sĩ chuyên khoa 2 Đoàn Võ Kim Ánh đã được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Thầy thuốc Ưu tú (năm 1997); Thầy thuốc Nhân dân (năm 2012); Huân chương Lao động hạng Ba (năm 1997). Hiện nay, tuy tuổi cao nhưng bà vẫn tích cực tham gia khám, chữa bệnh, là Chủ tịch Hội Kế hoạch hóa gia đình thành phố Đà Nẵng...

Bài và ảnh: NGUYỄN SỸ LONG