Cuối những năm 60 của thế kỷ trước, nhận thấy sức khỏe của Bác đang ngày một giảm sút, Bộ Chính trị quyết định mời các chuyên gia y tế Trung Quốc sang phối hợp với các bác sĩ hàng đầu trong nước cùng chữa bệnh cho Người.

Từ năm 1960 cho tới năm cuối cùng cuộc đời mình, Bác thường xuyên qua lại Trung Quốc. Bác dành thời gian thăm lại những người bạn của cách mạng Việt Nam, cũng vừa để dưỡng bệnh. Bác chọn Trung Quốc là nước bạn thân thiết của Việt Nam và lúc bấy giờ Bác với các vị lãnh đạo Trung Quốc, đặc biệt là với Thủ tướng Chu Ân Lai, có mối quan hệ thân tình đặc biệt.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đến điều dưỡng và chữa bệnh tại suối nước nóng Tùng Hóa từ ngày 22-9 đến 8-11-1965 (Hồ Chí Minh cùng các bác sĩ khoa nội và khoa mắt của bệnh viện Bắc Kinh và Quảng Đông điều trị cho Người). Ảnh tư liệu.

Hơn nữa, Bác Hồ tín nhiệm những thành tựu về lĩnh vực đông y của Trung Quốc (thân sinh của  Bác là cụ Nguyễn Sinh Sắc cũng từng là một nhà đông y nổi tiếng, trong thời gian ở Cao Lãnh-Đồng Tháp, cụ đã từng chữa bệnh cho nhiều người).

Chủ tịch Mao Trạch Đông, Thủ tướng Chu Ân Lai và các vị lãnh đạo khác trong Đảng và Chính phủ Trung Quốc cùng những người bạn Trung Quốc lúc bấy giờ rất quan tâm tới tình hình sức khỏe của Bác, đã nhiều lần cử các chuyên gia y tế sang Việt Nam thăm Bác, cũng như mỗi lần Bác sang Trung Quốc, các đồng chí lại bố trí giáo sư, bác sĩ  giỏi kiểm tra sức khỏe cho Bác.

Lần đầu tiên, năm 1960, trước những dấu hiệu bất thường về sức khỏe của Bác, Trung Quốc đã cử bác sĩ Tôn Chấn Hoàn-là một nhà đông y nổi tiếng đã từng chữa bệnh cho nhiều nguyên thủ quốc gia trên thế giới, sang thăm bệnh cho Bác.

Tiếp đó, năm 1965, bác sĩ Trương Hiểu Lâu, một chuyên gia nhãn khoa, dẫn đầu một tổ y tế được cử sang theo dõi bệnh tình cho Bác.

Trung tuần tháng 4 năm 1967, bệnh tình của Bác ngày một xấu đi. Người được đưa sang Trung Quốc điều trị ở khu vườn thông số 1, suối nước nóng Tùng Hóa-ở ngoại ô thành phố Quảng Châu. Nơi đây, non xanh nước biếc, phong cảnh đẹp là nơi nghỉ ngơi an dưỡng rất tốt. Vào khoảng 1963-1965, Bác đã từng nhiều lần đến đây dưỡng bệnh. Thủ tướng Chu Ân Lai đã phái một số bác sĩ giỏi đến Quảng Châu, ra nhiều chỉ thị cụ thể về công tác điều trị cho Bác và chọn một đồng chí làm liên lạc viên đặc biệt giữa Thủ tướng và Bác. Thủ tướng căn dặn: “có việc gì thì phải báo cáo  kịp thời”. Sau đó Thủ tướng Chu Ân Lai còn trực tiếp đến Quảng Châu thăm Bác, chân thành mong Người nhanh chóng phục hồi sức khỏe.

Mùa xuân năm 1968, Bác có dịp quay trở lại Bắc Kinh theo lời mời của Đảng và Nhà nước Trung Quốc. Đó cũng là lần cuối cùng Bác thăm lại đất nước Trung Hoa. Sang năm 1969, tình hình sức khỏe của Bác chuyển biến theo chiều hướng xấu, không cho phép Bác đi lại được như trước nữa. Tháng 2 năm đó, Bác đau nặng. Theo yêu cầu của Việt Nam, Trung Quốc phái các chuyên viên y tế sang Việt Nam phối hợp với các bác sĩ Việt Nam chữa bệnh cho Bác.

Thủ tướng Chu Ân Lai  đích thân chọn các chuyên viên, xét duyệt bản báo cáo về bệnh tình của Hồ Chủ tịch và kịp thời phái máy bay riêng chở các loại thuốc và khí cụ cần dùng trong khi chữa bệnh cho Bác.

Ngay khi các  bác sĩ và y tá Trung Quốc vừa đến Hà Nội, Bác hết sức vui mừng, lập tức đánh điện cho Thủ tướng Chu Ân Lai: “Bác sĩ và y tá đã đến, xin báo cáo đến Mao Chủ tịch, từ hôm qua đến giờ, bệnh tình của tôi tương đối ổn định. Xin các đồng chí yên tâm”.

Đến đầu tháng 6-1969, bệnh tình của Bác đã đỡ chút ít, Bác đề nghị cho các bác sĩ và y tá Trung Quốc nghỉ một tháng để họ về nước thăm nhà và nghỉ hè sau mấy tháng làm việc vất vả.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng các nhân viên y tế ở Tùng Hóa. Ảnh tư liệu

Sang tháng 8-1969, bệnh của Bác đột nhiên trở nên trầm trọng. Qua theo dõi điện tâm đồ, các bác sĩ phát hiện Bác bị nhồi máu cơ tim thành sau. Bắc Kinh nhận được điện khẩn của Hà Nội, một lần nữa, một tổ bác sĩ khác do Thủ tướng Chu Ân Lai đích thân chọn lựa mang theo những dụng cụ, máy móc hiện đại gấp rút lên đường sang Hà Nội. Đó là các bác sĩ Trương Hiếu (người Quảng Đông), bác sĩ Hoàng Uyên (người Bắc Kinh)-chuyên về tim mạch, bác sĩ Tôn Chấn Hoàn và hai đồng chí y tá. Lúc này, Bác đã đau rất nặng. Khi mọi người đến, Bác bắt tay, xúc động: “Trước kia, tôi thường sang chữa bệnh và nghỉ ở Trung Quốc. Lần này phải nằm tại Việt Nam, tôi rất mong các đồng chí. Ước gì tôi còn có dịp sang lại Trung Quốc”.

Đối với các bác sĩ, y tá Trung Quốc, Người luôn dành một tình cảm quí mến. Khi thấy trong đoàn có các nữ y tá, Bác bảo đồng chí thư ký Vũ Kỳ ra vườn ngắt một ít hoa cắm vào lọ, đặt trong phòng các cháu gái. Khi đỡ mệt, Bác còn hỏi thăm gia đình, quê quán và điều kiện công tác của từng người. Trong đoàn có một bác sĩ của bệnh viện Thủ đô Bắc Kinh vừa mổ cắt dạ dày, vết thương chưa lành đã lên đường đến Hà Nội để tham gia chữa bệnh cho Bác, Người nắm chặt lấy tay người bác sĩ ấy: “Anh sao gầy thế? Phải chú ý giữ gìn sức khỏe mới được”.

Chính sự quan tâm bình dị ấy của Người khiến cho mọi người chung quanh đều cảm động, rơi lệ.

Những ngày cuối tháng 8, tình trạng sức khỏe của Bác trở nên nguy kịch, các bác sĩ Trung Quốc và Việt Nam không kể ngày đêm túc trực bên cạnh Người. Các bác sĩ Trung Quốc, không nề hà khó khăn, mệt nhọc. Để nâng cao hiệu quả của thuốc chích Erytromyxin, bao giờ các bác sĩ Trung Quốc cũng lấy thuốc tiêm thí nghiệm trên thân mình trước khi tiêm cho Bác.

Một ngày trong hạ tuần tháng 8, Bác nhìn các bác sĩ Trung Quốc đứng cạnh nói nhỏ: “Mong nghe ai hát một bài ca Trung Quốc”. Chị y tá trưởng của bệnh viện Bắc Kinh, lập tức hát một bài ca Trung Quốc cho Bác nghe. Bác nghe xong, mỉm cười. Nữ y tá đó chính là bà Vương Tây Minh. Năm 2008, nhân kỷ niệm 118 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, bà đã có dịp trở lại Việt Nam và xúc động kể lại: “Lúc đó, tôi đã hát một bài hát Trung Quốc. Tôi xúc động nên hát không được hay lắm. Nghe xong, Bác giơ tay lên và ý nói cảm ơn. Bác để lại cho tôi ấn tượng sâu sắc về một vị Chủ tịch nước thật giản dị, hiền từ”.

Sáng ngày 2-9-1969, Bác đi xa chúng ta mãi mãi, để lại cho mỗi người dân Việt Nam và bạn bè quốc tế một niềm tiếc thương vô hạn.

Thủ tướng Chu Ân Lai, khi nghe tin rất lấy làm đau buồn, thương tiếc. Sáng 4-9, Thủ tướng Chu Ân Lai dẫn đầu phái đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc đến Hà Nội viếng Bác, trong đoàn có đồng chí Diệp Kiếm Anh, Vi Quốc Thanh. Với tình cảm đặc biệt giữa Bác và Thủ tướng Chu Ân Lai, Trung ương Đảng ta đã sắp xếp để Thủ tướng đến Bệnh viện Quân y 108-nơi gìn giữ thi hài Bác. Cúi mình mặc niệm trước thi hài Bác, đồng chí đã khóc rất lâu. Tiếp đó, ngày 8-9, phái đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Trung Quốc do đồng chí Lý Tiên Niệm dẫn đầu đến Hà Nội dự lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ngày 9-9-1969, cả nước tổ chức Lễ truy điệu Người ở Quảng trường Ba Đình. Cũng vào ngày này, để bày tỏ lòng biết ơn đối với các bạn Trung Quốc, đồng chí Tôn Đức Thắng, quyền Chủ tịch nước đã ra Sắc lệnh SL126LCT quyết định trao 9 Huân chương Lao động hạng nhất cho các bác sĩ Trung Quốc đã hoàn thành nhiệm vụ, bao gồm:

1. Trương Hiếu

2. Đào Thọ Kỳ

3. Lý Ban Kỳ

4. Hoàng Uyên

5. Vương Thúc Hoàn

6. Tôn Chấn Hoàn

7. Nhạc Mỹ Trung

8. Hồ Húc Đông

9. Trương Đức Duy (cán bộ chính trị-Đại sứ Cộng hòa nhân dân Trung Hoa tại Việt Nam).

Sáu Huân chương Lao động hạng nhì được trao cho các bác sĩ, y tá:

1. Cao Nhật Tân

2. Lưu Chiếm Khoa

3. Khổng Phàm Anh

4. Lương Hoán Trân

5. Vương Tây Minh

6. Viêm Khang Anh

THỦY NGÂN