Tháng 12-1946, tôi nhập ngũ và được biên chế về Đại đội 1, Tiểu đoàn 39, Trung đoàn 803. Sau 3 tháng huấn luyện, đơn vị tôi được lệnh rời Quảng Ngãi về mặt trận Quảng Nam-Đà Nẵng để tiếp tục chiến đấu. Chiều 1-5-1949 di dời từ Mộ Đức, đêm 3-5, đơn vị đặt chân đến Tam Kỳ và nghỉ lại nhà dân. Sáng hôm sau, khi chúng tôi chuẩn bị hành quân thì đột nhiên, hai máy bay địch từ xa bay đến ném bom trúng đội hình đơn vị. Đại đội trưởng bị thương nặng. Đại đội phó Nguyễn Hanh Tú, Chi ủy viên Chi bộ Đảng, mới 21 tuổi, hy sinh tại chỗ, để lại cho chúng tôi nỗi tiếc thương vô hạn.
Cuộc đời và sự hy sinh của anh Nguyễn Hanh Tú cùng với tư liệu về những trận đánh, chiến công của Tiểu đoàn 39, Trung đoàn 803, sau này tôi đã biên soạn thành cuốn “Lịch sử Tiểu đoàn 39”. Bất ngờ vào một ngày của năm 2020, có một người lặn lội tìm đến tận nhà tôi để thông tin thêm về anh Nguyễn Hanh Tú. Qua đó, tôi được biết quê anh Tú ở xã Dương Nỗ, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế (nay là phường Dương Nỗ, quận Thuận Hóa, TP Huế). Cha anh tên là Nguyễn Hanh. Từ những thông tin đó, tôi đã bổ sung vào cuốn sách và báo tin đến địa phương.
    |
 |
Đại tá Võ Văn Minh. Ảnh: XUÂN DUNG |
Một sự kiện khác là ngày 2-9-1949, đơn vị tôi nhận nhiệm vụ tiêu diệt đồn Cẩm Phô nằm kề Hội An. Trận đánh này đơn vị hy sinh 7 đồng chí, 3 người được đưa về, 4 người còn nằm lại ở đồn. 3 người đưa về được chính tay tôi an táng ở một vùng đất ven sông. Khi chôn cất, tôi cũng nhớ rõ vị trí của 3 đồng đội: Người nằm giữa là Đại đội phó Nguyễn Bá Tước, quê ở Sơn Tây (nay thuộc TP Hà Nội); người bên phải là Nguyễn Văn Đinh, quê ở Quảng Nam; người bên trái là Tiểu đội trưởng Phạm Văn Nhâm, quê ở thôn Ngô Khê, xã Bình Nghĩa, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Năm 1997, sau khi nghỉ hưu, tôi mới có điều kiện tìm lại các anh. Tôi nhớ khi an táng các anh ở vùng đất ven sông, nay có thể là Chợ Bà thuộc xã Bình Giang, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Đến UBND xã để hỏi thăm thì không ai biết vì các cán bộ xã đều sinh ra sau năm 1954. Nhưng khi tôi vừa ra khỏi trụ sở UBND xã thì có một người đàn ông cao tuổi từ ngoài đi vào, tôi liền hỏi xem ông có phải là người Chợ Bà không. Ông xác nhận và giới thiệu mình là Phan Thiện, biết rõ về sự việc tôi vừa nhắc đến. Ông kể lại rằng vào thời điểm đó, ông đã có mặt khi đưa thi thể các chiến sĩ từ ghe lên bờ và khâm liệm cho họ. Có một người khiến ông nhớ mãi là chiến sĩ có nước da trắng với bộ râu quai nón rất đẹp. Khi tôi hỏi về nơi chôn cất các anh, ông Thiện đưa tôi đến ngay khu đất trước trụ sở UBND xã và cho biết, 3 mộ liệt sĩ chưa rõ thông tin khi được chuyển vào nghĩa trang đã được đặt theo đúng thứ tự như ban đầu. Đến khi ra nghĩa trang, thắp hương lên phần mộ các anh, cảm xúc trào dâng, tôi không kìm được nước mắt. Gần 50 năm trôi qua, tôi mới được gặp lại các đồng đội năm xưa: Đại đội phó Nguyễn Bá Tước, Tiểu đội trưởng Phạm Văn Nhâm và đồng chí Nguyễn Văn Đinh.
Sau chuyến đi, tôi viết ngay một lá thư gửi về xã Bình Nghĩa báo tin. Tháng sau, UBND xã Bình Nghĩa gửi thư đến báo cho biết ở xã không ai biết và thân nhân của anh Nhâm cũng không còn ai. Rồi tôi viết một bài đăng trên Báo Quân đội nhân dân với tựa đề “Điều kỳ diệu” để tìm kiếm thông tin người thân của anh Nhâm. Ngay tháng sau, tôi nhận được một lá thư từ xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên gửi về địa chỉ nhà tôi ở Đà Nẵng. Đó là thư của anh Phạm Văn Lạc, em ruột của anh Nhâm. Anh Lạc cho biết, nhà chỉ có hai anh em, anh Nhâm đi bộ đội Nam tiến từ năm 1945, còn em lại rời quê hương lên Đại Từ sinh sống. Thật tình cờ và may mắn, hôm ấy, anh Lạc mượn tờ Báo Quân đội nhân dân về đọc và đã thấy được câu chuyện tôi viết về anh Nhâm trên báo. Thế là anh Lạc cầm tờ báo đó vào tận xã Bình Giang thăm phần mộ anh Nhâm, cảm ơn các đồng chí ở UBND xã, tìm gặp bác Phan Thiện, rồi hỏi địa chỉ của tôi, nhờ tôi giúp để anh Nhâm được công nhận là liệt sĩ, có bằng Tổ quốc ghi công...
Giờ đây, ở tuổi 95, tôi vẫn nhớ như in những tháng năm khốc liệt của chiến tranh mà tình đồng đội đã trở thành sợi dây gắn kết không thể nào quên. Chúng tôi không chỉ chiến đấu vì nhiệm vụ được giao mà còn chia sẻ với nhau từng giây phút hiểm nguy, từng bữa cơm kham khổ, từng đêm không tròn giấc. Khi tất cả đã lùi vào quá khứ, tôi nhìn lại và thấy lòng mình thấm đượm một thứ cảm xúc kỳ diệu. Đó không chỉ là niềm tự hào về những chiến công mà còn là sự biết ơn vô hạn đối với những đồng đội đã hy sinh xương máu vì Tổ quốc.
Đại tá VÕ VĂN MINH