Nhớ một thời đạn bom

Chúng tôi may mắn được tham gia nhiều sự kiện ý nghĩa do Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 320-Đại đoàn Đồng Bằng tổ chức. Đều đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng mỗi lần gặp mặt và tham gia các hoạt động, ai cũng háo hức như trở về tuổi đôi mươi. Trong câu chuyện của họ, cái tên được nhắc đến nhiều nhất với sự tin tưởng, quý trọng là đồng chí Lê Mạnh Hải, nguyên chiến sĩ của Đại đội 1, Tiểu đoàn Vận tải 25. Ông là hạt nhân tích cực vận động, đóng góp nguồn lực tinh thần và vật chất để tổ chức các hoạt động tình nghĩa, kết nối đồng đội của Sư đoàn 320 trên khắp mọi miền Tổ quốc về sinh hoạt dưới một mái nhà chung ấm áp nghĩa tình.

Nghe các CCB kể, chúng tôi rất muốn tìm hiểu, trò chuyện với CCB Lê Mạnh Hải, nhưng lần nào cũng vậy, ông luôn bận rộn, lúc thì hướng dẫn bộ phận lễ tân, khi thì mải lo lắng sắp xếp ở hậu trường sân khấu, chỉ đạo, theo dõi các bộ phận sao cho mọi việc diễn ra đúng kế hoạch. Được biết, để mỗi cuộc gặp mặt truyền thống hay chuyến đi về nguồn, thăm lại chiến trường xưa diễn ra thành công, không chỉ là nhà tài trợ chính, CCB Lê Mạnh Hải còn đưa cả gia đình và lực lượng nhân viên ở doanh nghiệp của mình tham gia hỗ trợ, phục vụ công tác bảo đảm. 

leftcenterrightdel

 CCB Lê Mạnh Hải (thứ hai, từ phải sang) và đồng đội trong ngày khánh thành hai nhà bia. Ảnh: QUANG TUYẾN

“Lê Mạnh Hải là con người của hành động”, nhận xét ấy của đồng đội thật đúng với ông. Khởi điểm là việc ông quyết định từ bỏ nghề làm vàng truyền thống đang khá thành công của gia đình để tình nguyện nhập ngũ đầu năm 1971, khi vừa bước sang tuổi 20. Ông được biên chế về Tiểu đoàn Vận tải 25 của Sư đoàn 320, tham gia chiến đấu ở Mặt trận B3-Tây Nguyên.

Ngày ấy, do đặc điểm địa hình nơi thực hiện nhiệm vụ nên Tiểu đoàn 25 sử dụng cả hình thức vận tải thô sơ và cơ giới. Khoác trên vai gùi đạn dược, nhu yếu phẩm nặng hàng chục ki-lô-gam, Lê Mạnh Hải hành quân bộ nhiều cây số đường rừng vào từng trận địa. Ông cũng là một trong những người cuối cùng ở lại để cáng thương binh, làm công tác tử sĩ, thu dọn chiến trường. Biết bao hình ảnh bi tráng mà cũng rất đỗi tự hào của những đồng đội tuổi mười tám, đôi mươi bị thương sau trận chiến đấu với kẻ thù, có người hy sinh ngay trên tay đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người lính trẻ Lê Mạnh Hải.

Trong trí nhớ của ông, khi đơn vị vào đến chiến trường cũng là lúc Chiến dịch Xuân-Hè 1972 diễn ra với các trận đánh nổi tiếng trên đồi Charlie (điểm cao 1015); Delta (điểm cao 1049) và thị xã Kon Tum. Rồi Lê Mạnh Hải đã có mặt trong các trận đánh vào cụm cứ điểm Chư Bồ-Đức Cơ, căn cứ Chư Nghé, Làng Siêu, Thanh An, Bàu Cạn... Từ Chiến dịch Tây Nguyên với các trận đánh: Cheo Reo-Phú Bổn, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột đến Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử... đều có phần đóng góp của chiến sĩ vận tải Lê Mạnh Hải. Đất nước thống nhất, ông lại tiếp tục cùng Sư đoàn 320 sang làm nhiệm vụ quốc tế tại nước bạn Campuchia cho đến ngày có quyết định chuyển ngành về địa phương công tác năm 1982.

Những ngày trực tiếp tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu là ký ức không thể nào quên đối với CCB Lê Mạnh Hải. Như ông tâm sự, không chỉ là trải nghiệm bởi sự khốc liệt của đạn bom và khói lửa chiến tranh mà đó còn là nơi ngời sáng tình đồng chí, đồng đội thủy chung, son sắt. Giữa lằn ranh sinh tử mong manh, họ luôn chở che, bảo vệ nhau, giành việc khó về mình. “Hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 320 chúng tôi đã mãi mãi nằm lại chiến trường. Tâm nguyện xây dựng nhà bia tưởng niệm trên chiến địa xưa luôn là nỗi trăn trở của những người may mắn được trở về như chúng tôi”, CCB Lê Mạnh Hải nói.

Cõng đá lên núi, dựng bia tri ân

Nghĩ là làm, sau khi xin ý kiến các cơ quan chức năng và những người có thẩm quyền, nhất là sự ủng hộ tuyệt đối của Trung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Khuất Duy Tiến, người thủ lĩnh cả trong thời chiến và thời bình của những người lính từng một thời sống, chiến đấu, công tác trong đội hình Sư đoàn 320, CCB Lê Mạnh Hải cùng các cộng sự bắt tay vào thực hiện ngay.

leftcenterrightdel
 CCB Lê Mạnh Hải với nụ cười lạc quan tại công trường xây dựng hai nhà bia. Ảnh: QUANG TUYẾN

Năm 2017, sau khi khảo sát, chọn xong địa điểm, các ccb Sư đoàn 320 khu vực Nghệ An-Hà Tĩnh do ông Lê Mạnh Hải phụ trách đã đến dựng lều, cõng đá, thi công nhà bia tại điểm cao 1015 thuộc địa phận xã Rờ Cơi và điểm cao 1049 thuộc địa phận xã Hơ Moong của huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Trong quá trình xây dựng, các CCB trực tiếp đào móng thi công và trông coi công trình.

Trong câu chuyện với chúng tôi, các CCB: Kiều Đình Minh, Trần Quý Thắng, Nguyễn Tiến Sửu, Đậu Đình Toàn, Nguyễn Thế Tân... được ông nhắc đến với sự trân trọng. Biết bao kỷ niệm của những ngày cõng đá dựng bia tri ân đồng đội lại ùa về theo dòng hồi ức của người lính già đã ở tuổi ngoài thất thập. Ông kể: “Chúng tôi mua đá từ Thanh Hóa cưa thành tấm đưa ra Ninh Bình tạo hoa văn, sau đó chở về Nghệ An để khắc chữ rồi chuyển vào Sa Thầy. Hồi ấy, đường lên các điểm cao chỉ là lối mòn do nhân dân đi lại nhiều mà thành nên rất cheo leo, gập ghềnh. Đi lên núi đã rất khó khăn chứ chưa nói đến việc vận chuyển vật liệu, thiết bị xây dựng theo. Thế mà chúng tôi đã làm được. Động lực lớn nhất chính là quyết tâm và tấm lòng hướng về người đã khuất. Chúng tôi thuê ô tô vận chuyển vật liệu nặng, còn những phần việc khác như chặt cây, lát đường cho xe khỏi trượt, gùi cát, đá với khối lượng vừa, dựng lán trại, lấy nước sinh hoạt... đều do các CCB đảm nhiệm. Cho đến tận bây giờ, tôi vẫn không quên hình ảnh anh Hồ Sỹ Tường quê ở Nam Đàn, Nghệ An vừa mổ u xơ tiền liệt tuyến, sức khỏe mới hồi phục đã tham gia thi công cùng đồng đội. Nhà bia xây xong và khánh thành chưa được bao lâu thì anh qua đời”.

leftcenterrightdel
 Các cựu chiến binh Sư đoàn 320 trong quá trình xây dựng nhà bia tưởng niệm đồng đội. Ảnh: QUANG TUYẾN

Trong thời điểm đó, CCB Lê Mạnh Hải cũng phát hiện bị ung thư đại tràng độ 1. Bác sĩ khuyên vào bệnh viện phẫu thuật và điều trị ngay, nhưng là người chịu trách nhiệm chính trong thực hiện dự án, ông biết nếu mình dừng lại sẽ làm khó cho đồng đội. Vì vậy, ông quyết định không nói với ai về căn bệnh nan y của mình và trở lại thực địa quyết tâm cùng đồng đội hoàn thành tâm nguyện.

Tháng 5-2018, công trình Nhà bia di tích lịch sử tại hai điểm cao 1049 và 1015 được khánh thành. Khi ông trở lại bệnh viện kiểm tra thì khối u ác tính đã phát triển lên độ 4. Trải qua ca phẫu thuật sinh tử, rồi 8 lần điều trị hóa chất tích cực với nghị lực cùng tinh thần lạc quan, CCB Lê Mạnh Hải đã chiến thắng bệnh tật và lại tiếp tục với hành trình tri ân của mình.

Ông tự hào kể: “Hai nhà bia nói trên đã được UBND tỉnh Kon Tum xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh và năm 2022 được bổ sung vào Di tích quốc gia đặc biệt Địa điểm chiến thắng Đắk Tô-Tân Cảnh. Một con đường mới dẫn lên di tích được mở giúp việc đi lại dễ dàng hơn rất nhiều. Hiện nơi đây trở thành điểm đến của nhân dân cả nước tới dâng hương tưởng nhớ, tri ân những người con đã hy sinh vì Tổ quốc và học tập truyền thống. Ngoài ra, chúng tôi còn hoàn thành nhiều công trình ý nghĩa khác như: Nhà bia chiến thắng Chư Bồ-Đức Cơ (Gia Lai); Nhà bia lưu niệm chiến thắng căn cứ Đồng Dù (Củ Chi, TP Hồ Chí Minh)... Tất cả đều được thực hiện với phương châm “xã hội hóa về kinh phí, tiếp nhận sự ủng hộ tự nguyện của mọi người, không kêu gọi đầu tư, không xây dựng đề án để xin tiền Nhà nước”.

HƯỚNG NAM - QUANG THẢO