Ông Nguyễn Quang Lộc sinh năm 1953, tại xã Tân Dân, huyện Hạc Trì (nay là phường Dữu Lâu, TP Việt Trì), tỉnh Phú Thọ. Tháng 8-1971, ông Lộc nhập ngũ. Sau 6 tháng huấn luyện sử dụng khí tài tên lửa vác vai A72, tháng 2-1972, ông nhận lệnh hành quân cùng đơn vị vào chiến trường miền Đông Nam Bộ.

Trước khi ra chiến trường, như bao chiến sĩ khác, Nguyễn Quang Lộc thao thức, lo lắng cho trận đánh đầu tiên của cuộc đời mình. Trong nhật ký, ông viết: “Ngày mai chúng tôi ra trận, bước vào cuộc thử lửa đầu tiên của cuộc đời. Đêm nay tôi không sao ngủ được, chờ đợi ngày mai, ngày giáp mặt với quân thù. Đêm nay thao thức không biết chiến sự ngày mai sẽ ác liệt ra sao. Ngày mai máu của ta hoặc đồng đội ta có thể đổ xuống mảnh đất này nhưng nhất định “hoa hòa bình” sẽ nở...”.

Ngày 12-5-1972, đơn vị của Nguyễn Quang Lộc nhận nhiệm vụ vào mặt trận tỉnh lỵ An Lộc, tỉnh Bình Long (nay là thị xã Bình Long, tỉnh Bình Phước). Trận địa được bố trí gần đồi Núi Gió (nay thuộc huyện Hớn Quản, tỉnh Bình Phước). Ông Lộc nhớ lại: “Khoảng 9 giờ ngày 13-5-1972, đơn vị tôi phát hiện tốp 8 máy bay địch gồm: 2 máy bay AD-6, 4 trực thăng, 2 máy bay trinh sát bay lượn trên bầu trời. Tôi được đồng chí Đại đội trưởng Phạm Văn Quỳ giao cho bắn quả đạn đầu tiên ở mặt trận này. Được lệnh của Đại đội trưởng, tôi lấy tầm ngắm, sẵn sàng khai hỏa. 9 giờ 30 phút, xác định máy bay địch cách trận địa khoảng 2km, tôi phóng quả đạn đầu tiên, tiếng nổ lớn trên bầu trời hòa trong tiếng vui mừng của đồng đội. Tôi đã bắn hạ 1 chiếc máy bay AD-6. Tên đại úy phi công nhảy dù cũng bị quân ta bắt được”.

Vẫn tại trận địa này, khoảng 9 giờ sáng hôm sau, ông tiếp tục bắn rơi 1 chiếc máy bay OV-10. Với chiến công xuất sắc chỉ trong vòng hai ngày bắn rơi 2 chiếc máy bay, đồng chí Nguyễn Quang Lộc được trao tặng Huân chương Chiến công hạng Ba.

leftcenterrightdel

Anh hùng LLVT nhân dân Nguyễn Quang Lộc. Ảnh: NINH NHI

Tháng 10-1972, ông Lộc nhận nhiệm vụ mới, tham gia chiến đấu cùng bộ đội địa phương. Khoảng 10 giờ ngày 11-11-1972, quân ta phát hiện một tốp gồm 2 chiếc máy bay AD-6 bay dọc sông Sài Gòn. Ông Lộc nâng ống phóng, chọn chiếc đi đầu lọt vào tầm ngắm, bắn hạ chiếc máy bay, phi công bung dù nhảy ra ngoài. Thấy vậy, chiếc máy bay còn lại bay xuống thấp nhằm ứng cứu cũng bị bộ đội địa phương bắn cháy ngay tại chỗ. Nhân dân và bộ đội địa phương reo hò trong niềm vui lớn, trận đánh đã tiếp thêm sức mạnh tinh thần. Phát huy thắng lợi, ngày 18-12-1973, ông Nguyễn Quang Lộc tiếp tục bắn rơi 1 chiếc máy bay trinh sát L-19 trên bầu trời quận Kiến Đức, tỉnh Quảng Đức (nay là huyện Đắk R’Lấp, tỉnh Đắk Nông).

Với sự sáng tạo trong cách đánh và khả năng tính toán tài tình về kỹ thuật sử dụng tên lửa A72, ông Nguyễn Quang Lộc được điều động tăng cường phối thuộc cho các đơn vị trong nhiều trận chiến đấu quan trọng. Tháng 5-1974, tổ A72 của ông Lộc phối thuộc với Lữ đoàn 316 Đặc công biệt động làm nhiệm vụ phục kích ở rừng Sác. Khi ấy, nhiệm vụ của tổ A72 là luồn sâu vào vùng kiểm soát của địch, bí mật, bất ngờ tiêu diệt mục tiêu đặc biệt do lực lượng tình báo của ta chỉ điểm. Ngày 25-4-1975, tổ A72 của ông hành quân đã tới quận Gò Vấp nhận nhiệm vụ tiêu diệt máy bay địch, khống chế máy bay cất cánh ở sân bay Tân Sơn Nhất, hỗ trợ cho xe tăng và bộ binh của ta tiến công vào giải phóng Sài Gòn.

Khoảng 9 giờ 30 phút ngày 29-4-1975, chiếc máy bay C-119 của địch bay lượn nhiều vòng trên bầu trời, liên tục bắn pháo hiệu và hỏa lực xuống hướng tiến quân của ta. Không chần chừ, ông Lộc lập tức vác tên lửa A72 lên vai, nín thở, quan sát máy bay địch vào tầm ngắm, nhận lệnh từ cấp trên, chỉ trong vài giây, quả tên lửa như tia chớp lao thẳng vào máy bay, chiếc C-119 nổ tung, rực sáng một vùng trời Sài Gòn. Chiến công này có ý nghĩa lớn, góp phần vào thắng lợi chung của Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Sau ngày thống nhất đất nước, ông Nguyễn Quang Lộc xin chuyển ngành và đi học ở Tiệp Khắc (trước đây). Khi về nước, ông công tác tại Công ty Cấp thoát nước Vĩnh Phúc cho đến khi nghỉ hưu. Với thành tích đặc biệt xuất sắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ông Nguyễn Quang Lộc vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân năm 2018.

PHƯƠNG NINH