Ở tuổi 80 nhưng ông Hồ Văn Xang còn khỏe mạnh, minh mẫn. Ông kể: “Khi 13 tuổi, tôi đã theo các chú, các anh trong bản hoạt động cách mạng, làm nhà bí mật trong rừng để trú ẩn và hoạt động. Một ngày nọ, người chú mà tôi hằng ngày theo chân bị địch bắn chết, tôi tiếp tục đưa thư đến địa điểm đã định, hoàn thành nhiệm vụ. Tổ chức thấy tôi nhanh nhẹn, thông minh nên giữ lại, thu nạp làm giao liên”.
Hằng ngày, cậu bé Xang làm nhiệm vụ liên lạc, đưa tin và nuôi giấu, giúp đỡ cán bộ. Trong những cánh rừng già ở biên giới Việt-Lào, Xang như con sóc nhanh nhạy luồn rừng đưa tin, hoàn thành tốt nhiệm vụ. Có lần gặp địch, chúng gí súng vào đầu Xang, hỏi: “Mày đi theo cách mạng à? Mày làm gì mà ngày nào cũng ở trong rừng?”. Xang trả lời là đi săn thú, không biết cách mạng là gì hết. Nói rồi đưa chiếc nỏ mang bên mình lên cho chúng xem. Thế là chúng tin rồi bỏ qua cho đi.
|
|
Ông Hồ Văn Xang cùng chiếc nỏ, kỷ vật thời niên thiếu. Ảnh: CÔNG SANG
|
Ngày 1-6-1963, Hồ Văn Xang nhập ngũ, được biên chế vào Đại đội 1, bộ đội địa phương tỉnh Quảng Trị. Qua thời gian phấn đấu, đến tháng 1-1968, Hồ Văn Xang được bổ nhiệm Đại đội trưởng. “Những năm 1963-1964, nhiệm vụ chính của chúng tôi là cùng bộ đội chủ lực vận chuyển lương thực, thực phẩm và vũ khí từ Km41, Đường 9 (thị trấn Krông Klang, huyện Đakrông) lên Khe Sanh, đi Lao Bảo rồi sang Ka Rôn, Huội San (Lào). Năm 1966, cùng bộ đội, du kích đánh phá các cầu dọc Đường 9. Tháng 4-1967, chúng tôi cùng bộ đội chủ lực tiêu diệt cứ điểm Làng Vây (đồn cũ của Pháp, nay thuộc xã Tân Long, huyện Hướng Hóa), bắt sống nhiều quân địch và thu giữ nhiều vũ khí”, ông Xang kể.
Trong Chiến thắng Làng Vây, một cứ điểm quan trọng của địch ở Khe Sanh, Đại đội 1 có nhiều đóng góp. “Đầu tháng 10-1967, Đại đội 1 cùng dân quân, du kích và nhân dân địa phương được huy động mở đường, gùi đạn dược, sau này gùi cả một số bộ phận của xe tăng. Đêm 6-2-1968, ta nổ súng đánh trận Làng Vây. Sự hiện diện của xe tăng ta đã làm địch kinh ngạc. Đại đội của tôi dẫn đường cho bộ đội chủ lực, đặc công và 4 xe tăng tấn công từ hướng Tây Bắc. Với sự hỗ trợ của xe tăng, quân ta đã kiểm soát cứ điểm Làng Vây sau nửa ngày chiến đấu”, ông Xang nhớ lại.
Những ngày tháng sau đó, Đại đội 1 do Đại đội trưởng Hồ Văn Xang chỉ huy tiếp tục dẫn đường và phối hợp với bộ đội chủ lực tấn công sân bay Tà Cơn, đồi Động Tri và các cứ điểm khác cho đến ngày huyện Hướng Hóa được giải phóng. “Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại đội 1 đã chiến đấu dũng cảm, phối hợp với bộ đội, du kích lập nên nhiều chiến công lớn. Riêng tôi đã bắn cháy 3 máy bay địch, gồm 2 máy bay F-105 và 1 máy bay trực thăng. Hai chiếc F-105 bị tôi bắn rơi tại địa bàn xã A Sóc (nay thuộc Lào) bằng súng bộ binh khi chúng bổ nhào. Chiếc máy bay trực thăng bị tôi bắn hạ tại địa bàn xã A Cha (nay thuộc Lào) cũng bằng súng tiểu liên AK-47”, ông Xang kể.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Xang xuất ngũ với quân hàm đại úy. Ông cưới vợ là cô gái dân tộc Vân Kiều và tham gia hoạt động tại địa phương. Trước khi nghỉ hẳn công việc để điền viên gia đình, ông giữ chức vụ Phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Hướng Hóa. Đại úy Hồ Văn Xang đã được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ, cứu nước hạng Nhất, danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ...
YÊN MÃ SƠN