Theo chỉ dẫn của Thiếu tá QNCN Phan Công Thành, nhân viên Ban Chính trị, Ban CHQS huyện An Dương, Bộ CHQS TP Hải Phòng, chúng tôi tới thăm cựu chiến binh Phạm Văn Năm, 80 tuổi, ở thôn Thượng, xã An Hưng, huyện An Dương. Trong căn nhà đơn sơ, giới thiệu với chúng tôi về những bức ảnh của mình cùng đồng đội, cựu chiến binh Phạm Văn Năm kể: “Tôi nhập ngũ ngày 17-2-1964, vào Tiểu đoàn 217, Trung đoàn 240. Nhập ngũ cùng đợt với tôi ở huyện An Dương có hơn 60 người, riêng xã An Hưng của tôi có 5 người, nay 4 người đã từ trần. Sau khi nhận quân tư trang, chúng tôi hành quân bộ từ An Dương (Hải Phòng) đến vị trí tập kết ở khu vực mỏ than Hà Tu (Quảng Ninh). Tôi được cấp trên biên chế về Khẩu đội 1, Trung đội 5, Đại đội 141, Tiểu đoàn 217...
Đại đội 141 có 3 trung đội: Trung đội 1 và Trung đội 2 (biên chế pháo 88mm); Trung đội tôi biên chế súng máy 14,5mm-2 nòng, gồm 4 khẩu đội, đồng chí Lê Xuân Kiệm (quê ở Nghệ An) là Trung đội trưởng. “Từ tháng 2 đến tháng 7-1964, chúng tôi được huấn luyện quân sự, kỹ thuật, chiến thuật, các phương án bắn máy bay địch cả ban ngày và ban đêm. Quân xanh kéo mô hình máy bay giả, chúng tôi ở từng vị trí thao tác, thục luyện bắn ở các cự ly theo khẩu lệnh của khẩu đội trưởng. Đơn vị huấn luyện đêm từ 20 giờ đến 22 giờ, thậm chí có hôm luyện tập tới rạng sáng hôm sau. Chúng tôi còn được cán bộ trung đội, đại đội, tiểu đoàn thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, động viên luyện tập.
Những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8-1964, đơn vị chúng tôi thường xuyên báo động chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu, do tàu địch thường khiêu khích trên vùng biển của ta. Ngày 5-8-1964, khi nhận được thông báo máy bay địch đánh phá các mục tiêu kinh tế, căn cứ, kho tàng, nơi trú đậu tàu của hải quân từ cảng Gianh (Quảng Bình) đến Hòn Gai, Bãi Cháy (Quảng Ninh), cả đơn vị báo động vào vị trí chiến đấu. Khoảng 14 giờ 30 phút ngày 5-8-1964, một tốp máy bay địch ở ngoài khơi, cách bờ hơn 10km bay vào bắn rocket tấn công các tàu của hải quân ta đang neo đậu trong vịnh Hạ Long (Quảng Ninh).
|
|
Ông Phạm Văn Năm (hàng đầu, thứ hai, từ phải sang) cùng đồng đội thăm Bảo tàng Phòng không-Không quân (năm 1996). Ảnh do nhân vật cung cấp
|
Khẩu đội chúng tôi đã ở vị trí chiến đấu, sẵn sàng chờ lệnh tiêu diệt mục tiêu. Hôm đó, đồng chí Trương Thanh Luyện, Trung đội phó được cấp trên giao nhiệm vụ chỉ huy Trung đội 5 (thay đồng chí Lê Xuân Kiệm đi tập huấn, vắng mặt); đồng chí Nguyễn Văn Thân (quê ở Hưng Yên) thuộc Khẩu đội 2 được điều sang làm Khẩu đội trưởng Khẩu đội 1; tôi là xạ thủ số 1, đồng chí Nguyên là xạ thủ số 2... Khi phát hiện máy bay địch, theo tiếng hô của chỉ huy, 3 khẩu đội đồng loạt điểm xạ dài (riêng khẩu đội 2 thiếu pháo thủ nên không tham gia bắn), ngay sau đó, chiếc máy bay A-4D bốc cháy, rơi xuống biển khu vực Hà Tu.
Sau chiến công cùng đơn vị bắn rơi máy bay Mỹ và nhiệt tình công tác tốt, tháng 6-1965, chiến sĩ Phạm Văn Năm được cấp trên cử đi học lớp sơ cấp 6 tháng sửa chữa vũ khí tên lửa. Năm 1971, Phạm Văn Năm được điều động về làm Trợ lý Tiểu đoàn 245, Sư đoàn 673 (nay là Lữ đoàn 673, Quân đoàn 12). Tháng 4-1975, ông cùng đơn vị trong đội hình Quân đoàn 2 hành quân thần tốc, tham gia nhiều trận đánh, giải phóng các tỉnh duyên hải miền Trung, mở “cánh cửa thép” Xuân Lộc, tiến vào giải phóng Sài Gòn. Tháng 9-1975, ông chuyển ngành về công tác tại Công ty Lâm sản Hải Phòng, cuối năm 1990 nghỉ hưu...
Về địa phương, ông Phạm Văn Năm chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Từ năm 1994 đến 2023, ông là Phó chi hội trưởng Chi hội 5-8 huyện An Dương. Do bị nhiễm chất độc da cam nên cuộc sống của gia đình ông gặp nhiều khó khăn, nhất là do di chứng chất độc da cam khiến con gái ông sinh con bị tật nguyền...
THÁI BẢO NGỌC