Cựu chiến binh, thương binh Trần Đức Lạng sinh năm 1948, tại xã Tân Hưng, huyện Tiên Lữ (nay là TP Hưng Yên), tỉnh Hưng Yên. Ngày 6-9-1965, ông tình nguyện vào thanh niên xung phong, tham gia xây dựng sân bay Yên Bái. Tháng 10-1968, chàng thanh niên Trần Đức Lạng chuyển từ đơn vị thanh niên xung phong vào Quân đội, được biên chế vào Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Công binh 251.
Tháng 3-1969, Trung đoàn Công binh 251 sáp nhập Trung đoàn 98 (Bộ tư lệnh 559) hoạt động trên Đường 12 tại các tỉnh Saravane, Savannakhet thuộc chiến trường Lào. Năm 1971, Sư đoàn 472 được thành lập thuộc Bộ tư lệnh Trường Sơn, Trung đoàn 98 thuộc Sư đoàn 472, làm nhiệm vụ mở đường và bảo vệ Đường 12; khắc phục bom, mìn, khôi phục những đoạn bị địch đánh phá để thông tuyến cho các đoàn xe vận tải chuyển hàng chi viện cho chiến trường miền Nam.
Cựu chiến binh Trần Đức Lạng kể: “Khoảng 5 giờ 30 phút ngày 6-10-1971, khi đó tôi là Trung úy, Chính trị viên phó Đại đội 1 (Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 98). Đại đội được trên giao nhiệm vụ hướng dẫn đoàn xe vận tải gồm 5 xe Zil-157 và Zil-130 của Tiểu đoàn 101 vận chuyển hàng chi viện cho chiến trường miền Nam. Khi đoàn xe đang cơ động từ ngầm Tà Khống đi dốc 28 để vào ngã ba La Hạt thì máy bay của địch gồm 1 chiếc AC-130 hỗ trợ 4 chiếc F-4 nhào tới ném bom (ném hai đợt, mỗi đợt hai chiếc F-4 nhào xuống thả bom) hòng tiêu diệt đoàn xe cùng lực lượng công binh của ta đang làm nhiệm vụ trên Đường 12.
Chúng ném bom vào đoàn xe, chiếc xe thứ ba và thứ tư trong đoàn bị trúng bom, bốc cháy, đường nham nhở hố bom nên bị tắc. Lúc này, Đại đội 1 có nhiệm vụ dập lửa, cứu người, cứu xe, cứu hàng; đưa thi thể hai đồng chí lái xe về vị trí chôn cất; tiến hành lấp hố bom, sửa đường nhanh chóng để thông lại tuyến; hướng dẫn 3 xe còn lại vào vị trí trú ẩn, ngụy trang, chờ đến khi đường thông sẽ cơ động tiếp tục hành trình.
Khoảng hơn một tiếng sau kể từ thời điểm tốp máy bay F-4 ném bom, khi Đại đội 1 vẫn đang tiếp tục nhiệm vụ sửa đường thì một tốp máy bay khác của địch lại nhào tới ném bom bi, bom từ trường. 8 đồng chí đã hy sinh, 12 đồng chí bị thương, trong đó có tôi, được đồng đội đưa về trạm phẫu thuật của Binh trạm 41 cấp cứu. Sau đó, tôi được chuyển về Đội An điều dưỡng 12 (sau này sáp nhập vào Đoàn An điều dưỡng 295, Quân khu 3) điều trị, được xếp hạng thương tật loại 1/4, tỷ lệ mất sức lao động 23%”.
Năm 1982, đồng chí Trần Đức Lạng chuyển ngành, ra công tác tại Cục Đo đạc và Bản đồ Nhà nước đến năm 1986 về nghỉ chế độ bệnh binh. Đến nay, mỗi khi trái gió trở trời, vết thương lại gây đau buốt, nhắc nhớ thương binh Trần Đức Lạng về những đồng đội của ông hy sinh và bị thương trong trận ném bom của địch trên Đường 12 vào rạng sáng 6-10-1971.
KIỀU BÌNH ĐỊNH