Tiếp tục gắn bó với Đường Hồ Chí Minh

Tháng 7-1987, từ Sư đoàn 344 ở biên giới phía Bắc, tôi được chuyển công tác về Cục Chính trị Binh đoàn 12 và trở thành sĩ quan trẻ nhất của cơ quan Binh đoàn 12 lúc ấy. Bộ tư lệnh Binh đoàn hồi ấy đều là các thủ trưởng từng gắn bó với tuyến lửa Trường Sơn. Buổi tối, hầu hết thủ trưởng đều về với gia đình (ở Hà Nội), cơ quan Binh đoàn khá vắng, chỉ có Thiếu tướng Phan Quang Tiệp, Tư lệnh Binh đoàn ở lại. Ông thường làm việc rất khuya trong căn phòng quay về hướng Tây rất nóng vào mùa hè. Sáng và tối, ông thường đi bộ trong khuôn viên của cơ quan, tôi là thanh niên độc thân, cũng hay đi bộ nên trở thành bạn tâm giao của ông.

Thiếu tướng Phan Quang Tiệp là người bổ nhát cuốc đầu tiên xây dựng đường cơ giới Trường Sơn (ngày 9-8-1964), khi đó, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 98 anh hùng. Có thời gian dài, ông là Cục trưởng Cục Công binh của Trường Sơn. Ông là Tư lệnh đầu tiên của Binh đoàn 12-đơn vị kế tục truyền thống của Bộ đội Trường Sơn anh hùng.

Thiếu tướng Phan Quang Tiệp kể: Sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta giành thắng lợi, đầu tháng 7-1975, Quân ủy Trung ương giao nhiệm vụ cho Bộ đội Trường Sơn chuyển sang làm nhiệm vụ xây dựng kinh tế. Tháng 10-1977, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Binh đoàn 12 và Binh đoàn 14 trực thuộc Tổng cục Xây dựng kinh tế trên cơ sở lực lượng chủ yếu của Bộ đội Trường Sơn và được tăng cường thêm lực lượng của các đơn vị trong toàn quân chuyển sang làm kinh tế. Đến năm 1979, Tổng cục Xây dựng kinh tế và Binh đoàn 14 giải thể, Binh đoàn 12 chuyển về trực thuộc Bộ Quốc phòng. Nhiệm vụ chủ yếu của Binh đoàn là xây dựng cầu đường chiến lược, chiến dịch phục vụ nhiệm vụ xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc; trước mắt làm nhiệm vụ phục vụ chiến đấu ở Mặt trận Tây Nam và biên giới phía Bắc.

leftcenterrightdel

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà trao quà của Thủ tướng Phạm Minh Chính tặng cán bộ, kỹ sư, người lao động Binh đoàn 12 nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024. Ảnh: TRẦN HOÀI

Những năm đầu sau chiến tranh, nhiệm vụ chủ yếu của Binh đoàn là xây dựng cơ bản Đường Hồ Chí Minh dọc theo Đông Trường Sơn từ Nghệ An đến Bình Phước, góp phần quy hoạch lại dân cư, phát triển kinh tế các địa phương dọc Trường Sơn và Tây Nguyên. Đồng thời, năm 1978, trước yêu cầu phòng thủ đất nước ở phía Bắc, Binh đoàn đưa 5 sư đoàn làm nhiệm vụ xây dựng Quốc lộ 279, đường vành đai chiến lược nối thông các tỉnh biên giới phía Bắc từ Quảng Ninh đến Lai Châu dài hơn 1.000km. Đây là con đường vành đai chiến lược nối liền 6 tỉnh biên giới phía Bắc (nay là 7 tỉnh) và nối với các đường trục dọc, góp phần bảo đảm cơ động lực lượng, phương tiện làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.

Có sự trùng hợp của lịch sử, 25 năm sau ngày đất nước thống nhất, tháng 4-2000, chính đơn vị mở đường Trường Sơn lại là lực lượng nòng cốt trong lễ khởi công xây dựng lại con đường huyền thoại-Đường Hồ Chí Minh tại trọng điểm Xuân Sơn (Quảng Bình)...

Chi viện đắc lực cho “mặt trận thủy điện”

Thiếu tướng Phan Quang Tiệp nhớ lại: “Vào đầu những năm 80 của thế kỷ trước, tiến độ trên công trường xây dựng Nhà máy Thủy điện Hòa Bình (nhà máy thủy điện lớn nhất Đông Nam Á vào thời điểm ấy) rất căng thẳng. Bộ Xây dựng đề nghị Bộ Quốc phòng chi viện và Binh đoàn 12 được “tung” vào mặt trận mới này. Binh đoàn 12 lúc ấy chủ yếu là các đơn vị xây dựng cầu đường, đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng tuyến chi viện chiến lược mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh xuyên dãy Trường Sơn. Các cán bộ của Binh đoàn tức tốc được đi học về thủy điện, Bộ Quốc phòng cũng khẩn trương điều các cán bộ chuyên ngành về tăng cường cho Binh đoàn 12.

Chỉ sau một thời gian ngắn, đơn vị đã vững vàng trên trận tuyến mới. Các kỷ lục đào hầm trên công trường liên tục được phá bởi Đoàn 565 (đơn vị chủ công xây dựng thủy điện của Binh đoàn 12). Không chỉ nhanh về tiến độ, các hạng mục do Đoàn 565 thực hiện đều bảo đảm chất lượng, nhiều hạng mục được trao huy chương vàng chất lượng cao của ngành xây dựng Việt Nam. Tại công trình này, Binh đoàn 12 đã có nhiều tập thể và cá nhân được vinh danh. Đặc biệt, có 1 tập thể và 1 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Cũng trong thời điểm đó, Nhà máy Thủy điện Dray H’linh (Đắk Lắk) được Bộ Năng lượng thiết kế gồm 3 tổ máy, mỗi tổ máy 4.000kW, tổng công suất 12.000kW, là nhà máy thủy điện lớn nhất được xây dựng ở Tây Nguyên lúc bấy giờ.

Thế nhưng Nhà máy Thủy điện Dray H’linh được xây dựng ở nơi xa dân cư, bốn bề là rừng núi, sông nước, đường đi lại chỉ có xe thô sơ của bà con đi làm nương rẫy, lại là vùng mà tổ chức phản động FULRO hoạt động chống phá rất mạnh. Với muôn vàn khó khăn như vậy, không có đơn vị nào thuộc ngành điện, xây dựng nhận thi công, thậm chí có doanh nghiệp đã “bỏ của chạy lấy người”. Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk lúc đó là đồng chí Y Ngông Niê Kdăm đã mời Đại tá Lê Xuân Bá, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 470 (Binh đoàn 12) đến và nói: “Đắk Lắk đang thiếu điện trầm trọng, bên dân sự không đơn vị nào nhận thi công do nhiều khó khăn, đơn vị đồng chí là đơn vị anh hùng, Quân đội anh hùng, Quân đội không làm thì ai làm?”.

leftcenterrightdel
 Nhà máy Thủy điện Hòa Bình, công trình có sự tham gia của cán bộ, chiến sĩ Binh đoàn 12. Ảnh: HẢI HÀ

Đại tá Lê Xuân Bá thông báo lại ý kiến của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk với Đảng ủy, Bộ tư lệnh Binh đoàn 12 và đúng vào dịp kỷ niệm 9 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Thiếu tướng Phan Quang Tiệp, Tư lệnh Binh đoàn 12 phát lệnh nổ mìn khởi công xây dựng nhà máy.

Tháng 2-1990, cả 3 tổ máy thủy điện Dray H’linh được hoàn thành trong niềm hân hoan của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk. Tuy nhiên, đằng sau chiến công ấy là bao mất mát, đau thương khi 13 quân nhân đã hy sinh để dòng điện Dray H’linh bừng sáng. Tháng 11-1990, Sư đoàn 470 và đồng chí Lê Xuân Bá vinh dự được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vì những thành tích trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng trên địa bàn Tây Nguyên, đặc biệt là trong xây dựng công trình thủy điện Dray H’linh.

Từ những “công trình thế kỷ đầu tiên” được xây dựng sau ngày đất nước thống nhất, Binh đoàn 12 - Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn đã liên tục phát triển và ngày nay trở thành doanh nghiệp mạnh của Quân đội, “một vai hai nhiệm vụ” là xây dựng kinh tế và sẵn sàng chiến đấu nếu chiến tranh xảy ra.

ĐỖ PHÚ THỌ